Hướng dẫn may vá cơ bản

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Hướng dẫn may vá cơ bản

19/04/2015 01:09 PM
3,140
Cùng tham khảo những hướng dẫn may vá cơ bản nhé. Học cách may vỏ gối và váy cực đơn giản mà đẹp nào


Hướng dẫn cắt may vỏ gối cơ bản


Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:

- Vải may gối: vải cotton hoặc lụa
- Vải may bèo gối: cùng loại vải may gối hoặc trái màu, hoặc tông màu đậm/nhạt hơn, hoặc dùng ren, đăng ten,...
- Kim, chỉ, cúc bấm, kéo, thước, máy khâu


                                                                                          

 
Bước 1:

Mỗi vỏ gối cần cắt 3 miếng sau:
Mặt trước gối hình chữ nhật 41cmx26cm (gối cho trẻ mầm non), hoặc mặt gối có kích thước 75cmx45cm (cho người lớn). Khi cắt, nhớ cộng thêm đường may hai bên.
Bạn có thể tăng/giảm kích thước tùy theo độ rộng của ruột gối hoặc tùy theo sở thích của bạn.
Đặt mặt trước gối đã cắt lên, căn theo hình chữ nhật, tăng thêm 11cm ở một đầu chiều dài để có được hình chữ nhật mới dài hơn (phần vải tính thêm sẽ được bù vào việc bạn may 2 nẹp cúc của mặt sau gối). Sau đó bạn cắt miếng vải dài này ra làm 2 phần, một phần nhỏ hơn và một phần to hơn, tùy ý bạn chia to/nhỏ, thường miếng to lớn gấp đôi hoặc gấp 3 miếng nhỏ.

Bước 2:

Trên hai mặt sau của miếng vải gối, bạn may nẹp cúc ở 1 cạnh chiều rộng. Gập vào 1cm, miết phẳng rồi gập thêm vào 3cm. May sát mép nếp gập đầu tiên, đường may sẽ đi qua 3 lớp vải.


 

Xếp và ướm thử lại hình gối, các mép vải trùng khít nhau, phần nẹp gối chồng lên nhau tại chính phần nẹp. Bạn có thể cắt bớt để các góc vuông của hình chữ nhật được lượn cong mềm mại. Như thế cũng sẽ dễ dàng hơn cho bạn may bèo gối ở bước sau.


 

Bước 3:

Cắt dải vải dài làm bèo cho gối, rộng bản 6cm hoặc to/nhỏ tùy ý, gối người lớn nên may bèo lớn hơn. Chiều dài dải vải ít nhất phải gấp đôi chu vi gối, bạn có thể áp dụng theo công thức: (chiều dài+chiều rộng)x4. Dải vải càng dài thì bèo càng nhún nhiều, ly bèo càng sâu hoặc số ly càng nhiều.
Nếu vải không đủ dài để cắt liền mạch thì bạn cắt làm nhiều đoạn may nối nhau. Nếu cắt được xéo vải thì bèo càng mềm mại vì thế bạn nên học theo cách cắt nối dải vải trong bài Cách làm nẹp vải và ứng dụng may túi đựng đồ trong suốt (từ bước 1 tới hết bước 4).


 

Gập thật nhỏ hai lần mép một cạnh dài của dải vải, may sát mép gập đầu tiên.
Nếu không gập viền bèo như thế thì bạn có thể vắt sổ bằng chỉ đậm màu hơn cho nổi bật. Nếu vải lụa thì bạn có thể chỉ cần hơ lửa mép vải. Nếu vải mỏng bạn có thể cắt bèo to gấp đôi bản bèo bạn định làm rồi gập đôi vải lại cho hai cạnh chiều dài trùng nhau và là chết nếp gập, như thế sẽ thành bèo gồm hai lớp vải liền nhau.


 

Cạnh dài còn lại của dải vải bèo sẽ được may ráp vào viền xung quanh miếng vỏ gối mặt trước. Úp hai mặt phải của bèo và miếng vỏ gối vào nhau để may ráp.
Bèo vải bạn có thể may thường, rút chỉ cho vải chun lại vừa với chu vi vòng quanh gối rồi ráp bèo một mạch, như thế bèo sẽ chun nhỏ và lúc may ráp cũng nhanh.
Hoặc bạn vừa may ráp vừa xếp ly cho bèo, cứ may 1cm thì bạn lại đẩy cho vải chồng chéo thành 1 ly nhỏ, ly có thể xuôi hết một chiều hoặc trái chiều xen kẽ.


 

Tại các góc cong của gối bạn xếp ly sát nhau hơn.


 

Phần đầu cuối của bèo được may ráp nối liền với nhau. Có thể bạn phải cắt phần bèo thừa trước khi may ráp, cũng có thể bạn phải may nối thêm bèo nếu lỡ tay xếp ly quá sâu và quá dày.


                                                                                          

Bước 4:

Úp mặt phải của miếng vải lớn sao cho mặt sau gối đối diện với mặt phải của mặt trước gối, ghim ổn định và trùng các mép vải, phần bèo sẽ nằm gọn ở giữa hai lớp vải vỏ gối, chú ý vuốt cho bèo vải gọn vào bên trong kẻo bạn may đè cả vào nó.
 


 

Úp mặt trái của miếng nhỏ mặt sau gối lên sau cùng, các mép vải trùng nhau, phần nẹp cúc chồng chéo lên nhau, ghim ổn định rồi may ráp vòng quanh vỏ gối, có thể bấm mũi kéo một chút vào phần biên vải cong ở 4 góc gối để sau khi lộn phải vải không bị co kéo.


 

Bước 5:

Lộn phải vải và khâu cúc bấm vào nẹp cúc. Nếu dùng cúc thường bạn phải thùa khuy vào nẹp dưới và khâu cúc vào mặt trong của nẹp trên, như thế phần vỏ gối sẽ trơn tru không cộm cúc lên.

Nếu thích bạn có thể thay đổi hình dạng vỏ gối ngay từ lúc cắt, ví dụ thay vì hình chữ nhật bạn có thể cắt hình bán nguyệt. Kiểu vỏ gối viền bèo cơ bản này trông rất thân thương:

Bạn cũng có thể thay đổi kích thước gối tùy ý, nhưng dù gối lớn hay nhỏ thì cũng chỉ cần cộng thêm 11cm cho phần nẹp cúc thôi. Bèo cắt bản lớn gấp đôi rồi gập đôi lại để tiện không phải may viền bèo hay vắt sổ gì cả:

Ngoài sáng tạo kiểu dáng gối (chữ nhật, bán nguyệt, vuông,..) bạn có thể sáng tạo phần bèo nhún. Bèo to hoặc nhỏ, thưa hoặc dày tùy ý. Thậm chí bạn không cần may bèo vải mà dùng sợi đan/móc bèo cho thêm phần tinh xảo:

Bạn nên lựa màu vải sao cho hài hòa với không gian xung quanh vị trí đặt gối nhé, như gần gũi hay cùng chất liệu, hoa văn với vải ga - chăn - rèm,... trong buồng ngủ chẳng hạn:



Từ kiểu gối cơ bản này bạn có thể sáng tạo nhiều kiểu gối khác theo sở thích, chúc bạn thành công nhé!


May váy voan cho mùa hè đi biển

Chuẩn bị những "đạo cụ" này nhé:
  

- Vải voan hoa (nên sử dụng các tấm vải có màu tươi sáng và thiên về tông màu nóng để "nổi bần bật" trên nền xanh mát mắt của biển nhé)

- Dây chun 

- Kim, chỉ, kéo

Đến phần hành động này: >:D<

Bước 1:

- Lấy số đo từ vai tới đầu gối (số đo của tớ là 75 cm) rùi cắt 1 tấm vải có chiều dài là 1,2m và chiều rộng bằng chiều dài từ vai tới đầu gối nha!

Bước 2:

- Gập đôi tấm vải, dùng kim cố định phần viền lại. Với nửa trên của tấm vải đã gập đôi, ta cắt thành hình thang như hình bên (đáy trên hình thang có chiều dài là 40cm).

Bước 3:

- Cắt hai dải vải có: chiều rộng 8cm, chiều dài 30cm. Rồi cắt thêm hai tấm vải hình tam giác cân có chiều dài 10cm và chiều cao 15cm và để riêng nhé! 

Bước 4:

- Đem các tấm vải kể trên ra ngoài hàng vắt sổ. 

Bước 5:

- Gập mép phần chân váy, phần viền hình thang vừa cắt ở bước hai và khâu lại. (phần gập mép này vào khoảng 0,7 - 1cm).

Bước 6:

- Với phần đáy trên của hình thang trong bước 2, bạn xếp nếp lại sao cho độ dài sau khi xếp nếp bằng với số đo quanh cổ/ 2 + 5cm (số đo của tớ là 20cm) rồi khâu lược lại để cố định vải. 

Bước 7:

- Gập đôi 1 dải vải trong bước 3, may 1 đường may dọc dải vải, cách mép khoảng 0,7 -1cm. Rùi lại gập đôi dải vải thêm một lần nữa sao cho mép vải được gập vào bên trong như hình bên và dùng kim găm cố định lại.

Bước 8:

- Lồng phần vải đã khâu lược ở bước 6 vào phần khe của dải vải trong bước 7 và may lại nhé!

Bước 9:

- Lật mặt trái của vải và may cố định hai bên hông. Gập nếp viền hai tấm vải hình tam giác và may vào phần dưới nách nếu bạn muốn chiếc váy kín đáo hơn nhé!

Bước 10:

- Mặc thử chiếc váy, đo vị trí eo của bạn, đánh dấu lại và may chun ở vị trí đánh dấu ta sẽ được chiếc váy hoàn thiện như thế này. 

May váy không quá khó, phải không nào! 
Cực tôn dáng cho con gái nhé!
Diện chiếc váy cùng kính râm sáng màu, tóc buộc cao như thế này này



Khéo tay may váy với biến tấu nhiều kiểu cực sành điệu và gợi cảm



Bạn cần chuẩn bị các nguyên vật liệu như sau:

- Bìa giấy to, hoặc bìa giấy nhỏ dán nối vào thành bìa to để làm bìa cắt mẫu.
- Vải mềm để váy rủ đẹp, nhưng là vải không xù mép vải để bạn có thể không cần vắt sổ hay may viền cho phần dây thắt trên váy, như vải thun chẳng hạn.
- Kim, chỉ, kéo, máy khâu,...
- Các số đo sau của bạn: vòng eo (vòng quanh rốn), vòng ngực, chiều cao (cơ thể), chiều dài váy (đo từ rốn tới vị trí bạn muốn)
Bước 1: Cắt chân váy:

Chân váy là một hình tròn to được khoét một hình tròn nhỏ đồng tâm. Vì thế mẫu của chân váy chỉ cần cắt 1/4 hình tròn có cung khuyết nhỏ là được.
Nếu bạn chỉ có giấy nhỏ thì dán ghép chúng lại để có bản to, nên dán thẳng thắn bằng mép giấy để tiện cắt.
Tại một góc vuông bạn vẽ một cung tròn vốn là 1/4 hình tròn có chu vi bằng vòng eo của bạn. Bạn đừng lo phải tính toán chính xác, chỉ cần lấy số đo vòng eo của bạn chia cho 6,28 là ra bán kính của vòng tròn cần vẽ. 

Ví dụ eo của mình là 65, mình thực hiện phép chia 65 : 6,28 = 10,35. Vì dùng vải thun dễ bai giãn nên mình có thể làm tròn xuống 1cm - 2cm, ví dụ cần vẽ hình tròn có bán kính 10.35cm thì mình vẽ hình tròn 9cm.
Có nhiều cách để vẽ cung tròn: dùng compa, dùng thước dây giữ cố định một đầu tại tâm còn đầu kia cầm cùng bút để vẽ lia, hay dùng thước thẳng đánh dấu liên tiếp các điểm cách tâm một số đo bằng bán kính rồi nối các điểm lại.
Cung tròn to chính là phần viền dưới chân váy xòe rộng, bạn chỉ cần vẽ cung đó cách cung nhỏ (vòng eo) một đoạn bằng độ dài của váy, tùy bạn chọn váy ngắn tới đầu gối hay dài tới sát gót chân.
Với những vải dễ co giãn, dễ chảy vải thì bạn có thể giảm đi số đo dài váy thực tế chừng 3cm - 5cm.

Cắt rời phần giấy thừa bạn đã có một bìa mẫu bằng 1/4 chân váy.

Gập vải làm tư và dàn phẳng vuông vắn, đặt bìa mẫu lên vải, các cạnh bìa trùng khít lên mép vải gập.

Chú ý hướng phần eo vào tâm vải gập tư, chính là phần góc vuông nhiều mép vải gập.

Cắt vải theo hai đường cung tròn của bìa mẫu. Bỏ bìa ra bạn đã chân váy được gấp tư, nếu mở rộng vải ra thì nó đúng là một hình tròn có khoét phần eo ở chính giữa.

Bước 2: Cắt phần thắt lưng váy:

Chỉ cần cắt một hình chữ nhật có chiều rộng bằng 20cm - 25cm (tùy người có phần lưng dài ngắn khác nhau) và chiều dài bằng chính vòng eo của bạn.
Bước 3: Cắt phần dây thắt phía trên váy:

Phần thân trên của váy ngoài thắt lưng (đã cắt ở bước 2) ra thì bạn cần cắt hai dải vải khá dài để có thể quấn phía trên thân (che ngực, che vai hay quấn quanh thân).
Chiều dài của dải vải dài gấp rưỡi chiều cao của bạn (chỉ cần lấy chiều cao cơ thể nhân với 1,5).
Chiều rộng của dải vải bằng số đo nửa trước ngực của bạn, để chính xác bạn hãy đo như sau: Đo từ chính giữa ngực (tại giữa xương ức) vòng qua đỉnh ngực, vòng sang bên và dừng tại điểm giữa nách.
Gập đôi vải để có thể cắt được hai dải vải cùng lúc một cách chính xác.
Trải vải đã gập đôi được thẳng thắn, phẳng phiu trên nền rộng phẳng.

Vải mềm khá khó vẽ, khi vẽ dễ đẩy xô lệch vải, nhất là khi bạn cần vẽ bản to dài như thế này. Bạn nên dùng kim ghim để đánh dấu thay cho vẽ. Bạn ghim kim liên tiếp, các kim cách nhau chừng 2cm - 3cm. Ghim theo đúng kích cỡ dải vải cần cắt.

Bạn có thể vừa ghim vừa dùng thước căn ke khoảng cách của hai đường ghim chạy thẳng và cách đều nhau, hàng ghim này cách hàng ghim kia bằng chính độ rộng nửa ngực mà bạn đã đo.

Cắt vải theo đường kim ghim, nên cắt bằng đường cắt dài, tránh cắt nhát gừng làm mép vải không liền mạch.
Nếu không có sẵn kim ghim thì bạn có thể cắt một đoạn ngắn của dải dây thắt này bằng giấy bìa rồi dịch chuyển dần trên vải để cắt theo, chú ý đừng để dải vải xô lệch méo mó.
Sau khi cắt bạn sẽ có hai dải vải cùng lúc.

Bước 4: May váy:

Mở phần chân váy xòe rộng, mặt phải ở trên. Bạn có thể đánh dấu một điểm nào đó làm chính giữa váy phía trước ngay trên đường eo váy.

Hai dải vải được lật mặt trái vải lên trên, đặt cạnh nhau và dàn phẳng...

 

.. rồi đặt trùng hai lớp dải vải lên nhau ở cạnh ngắn, trùng nhau khoảng 8cm - 11cm, rồi dùng kim ghim để ghim cố định phần vải trùng, thường thì sau khi ghim bạn có thể đo trên vải được một số đo bằng chính nửa eo của bạn hoặc lớn hơn chút.

Đặt phần vải vừa ghim lên váy, điểm chính giữa phần vải trùng của hai dải vải trùng với điểm chính giữa phía trước váy.

Ghim kim đều sang hai bên, mép dải vải trùng với mép eo váy.

Gập đôi phần vải thắt lưng (mặt trái gập vào trong, mặt phải lộ bên ngoài), rồi ghim đầu thắt lưng vào điểm chính giữa váy, phần mép thắt lưng gồm hai mép vải cắt (chứ không phải mép vải gập đôi) được ghim trùng khít với mép eo váy, tức ghim tròn xung quanh eo, điểm cuối của thắt lưng sẽ trùng lên điểm đầu thắt lưng một chút. Bạn cần ghim hết sức cẩn thận vì nó quyết định sự mượt đẹp của váy.

May một đường vòng quanh eo váy để ghép các bộ phận váy vào với nhau, ngửa hai dây thắt ra phía trước rồi may ghép nối đầu và cuối thắt lưng, bạn không cần phải may dấu chỉ mặt trong như thông thường vì phần này chỉ cần ghép nối vào nhau thôi, hai dải dây thắt sẽ che kín nó, không bao giờ bị lộ ra ngoài.

Bước 5: Thắt dây cho thân trên váy:

Có thể bạn không ngờ là váy đã may xong rồi đấy! Nếu vải không xù mép thì bạn không lo vắt sổ hay may viền cho chân váy và hai dải dây thắt nữa. Ướm lên ma - nơ - canh và tập thắt dây cho thạo nhé! Phần ráp nối thắt lưng váy được đặt chính giữa phía trước.

Vắt dải vải thứ nhất lên một vai, vòng dải vải ra sau lưng.

Vắt tiếp dải vải thứ hai sang vai còn lại. Chú ý dải vải lệch bên nào thì vắt sang bên đó.

Hai dải vải sau khi vòng sau lưng lại được vòng về phía trước eo và quấn quanh eo rồi buộc thắt nút hay thắt nơ tại hông hay sau lưng tùy ý bạn, cũng có thể bạn không thắt nút mà quấn hết vải rồi giắt đầu vào vào phần đã quấn.


Có rất nhiều kiểu để bạn thắt và quấn hai dải vải này, thường thì phần sau được quấn vải để tạo váy hở lưng đầy gợi cảm, đó chính là điểm mạnh của loại váy đáng yêu này, bạn hãy thỏa sức sáng tạo nhé:

 

Bạn vẫn có thể tạo tay áo rủ nếu muốn:



Biến tấu như váy ống hay váy yếm đều rất đẹp:



Bạn có thể cắt phần chân váy dài phủ gót và phối màu cho hai phần trên dưới váy theo cách của riêng bạn:



Khá dễ dàng để thực hiện và cũng khá tiết kiệm để bạn có được một chiếc váy đẹp gợi cảm không thua kém những người mẫu thời trang:






Nếu màu đỏ mang đến sức sống, màu xanh mang đến sự dịu êm thì màu đen sẽ mang lại vẻ sang trọng cho bạn:

Chúc bạn thành công và may được chiếc váy thật đẹp để diện mùa hè này nhé!
 


Cách may chân váy xòe
Cách may váy liền công sở đẹp lung linh, thu hút mọi ánh nhìn
Hướng dẫn tự may váy đơn giản mà xinh xắn
Cách may váy xếp tầng rất xinh không tốn nhiều thời gian
Cách may chân váy bút chì trẻ trung , thanh lịch
Tự may váy bằng tay đơn giản mà cực gợi cảm
Cách may váy công sở đơn giản cực thời trang


(St)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
cho em xin công thức may đầm liền đi ạ
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý