Làm mâm cơm cúng Rằm Tháng Giêng như thế nào?

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Làm mâm cơm cúng Rằm Tháng Giêng như thế nào?

19/04/2015 01:59 PM
596

Ông bà ta có câu ''Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng''. Và bạn boăn khoăn mâm cỗ cúng ngày rằm tháng giêng gồm có những gì? Hãy cùng khám phá nhé! 
 

Ý nghĩa việc cúng Rằm tháng Giêng:

Ngày Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn dầu tiên của năm mới, theo tục xưa gọi là: Tết Nguyên Tiêu. Vào ngày này người Việt Nam thường đi lễ Chùa, lễ Phật để cầu mong cho sự bình yên, khoẻ mạnh quanh năm. Đây là lễ tết quan trọng trong năm nên ông bà ta có câu: ''Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng''.
 

 
 

Cúng ai trong lễ Rằm tháng giêng?

Thành ngữ có câu:

  • Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng
  • Giỗ tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng

Vì thế trong lễ cúng Rằm tháng Giêng, Ngày Tết Nguyên Tiêu các gia đình thường sắm hai lễ cúng: lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên.

Sắm lễ:

Ngày Tết Nguyên Tiêu các gia đình thường sắm hai lễ cúng: lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên.

 Gia chủ có thể lập đàn tràng tại gia để làm lễ giải hạn. Đàn tràng lập ngoài sân
- Cúng Phật: là mâm lễ chay tinh khiết, cùng hương hoa đèn nến.
- Cúng gia tiên: là mâm lễ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết.
Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu

Rằm tháng riêng ăn món chay nào?

Chị em đã nghĩ ra mâm cỗ chay ngày rằm sắp tới sẽ có những món gì chưa?

Đã từ lâu cứ đến rằm hay đầu tháng âm lịch nhiều chị em lại hối hả mua đồ chay hoặc tự tay làm các món này vừa để cúng, vừa để cho cả nhà thưởng thức. Vì thế ăn chay đang dần trở thành một nét ăn hóa đẹp trong tâm linh người Việt.

Rằm tháng giêng cũng sắp đến, nếu có ý định ăn chay và không muốn mua sẵn các món chay ngoài hàng để cúng, chị em đã nghĩ ra món gì làm cho mâm cỗ ngày hôm đó chưa?

Xôi gấc đậu xanh

Nhìn những đĩa xôi gấc đậu xanh như thế này ai chẳng bị quyến rũ bởi hương vị thơm ngon và sự đẹp mắt.

Nguyên liệu:

- Nếp cái hoa vàng
- Đậu xanh
- Đường
- Gấc
- Vừng

Cách làm:

- Gạo nếp các bạn ngâm qua đêm cho gạo nở rồi vo sạch, sau đó để gạo thật ráo và xóc gạo với 1 chút muối tinh.

- Bổ đôi quả gấc, dùng thìa nạo lấy phần ruột đỏ ra bát rồi thêm vào 1 thìa rượu trắng, đeo bao tay nilong và bóp đều để lấy phần thịt gấc.

- Trộn thật đều gạo nếp với phần thịt gấc để các hạt gạo có màu đỏ đẹp.

- Đậu xanh ngâm nở, đãi sạch rồi đem hấp hoặc nấu chín, tranh thủ lúc đậu còn nóng các bạn dùng thìa miết cho đậu xanh có độ nhuyễn mịn.

- Thêm 1 lượng đường vừa với khẩu vị của các bạn rồi bắc nồi đậu lên bếp sên nhỏ lửa đến khi đậu quánh đặc lại, tắt bếp, để đậu nguội.

- Cho nước vào chõ, đợi nước sôi các bạn mới rải đều gạo vào chõ, dùng đũa tạo vài lỗ tròn nhỏ trên gạo để nước có chỗ thoát hơi, xôi đồ sẽ mau chín hơn.

- Khi xôi chín, các bạn rắc 1 chút đường vào tạo cho xôi có vị ngọt nhẹ rồi rưới chút dầu ăn, trộn đều để hạt xôi được bóng.

- Tiến hành đóng xôi vào khuôn cho đẹp, đầu tiên các bạn rải 1 lớp xôi, rồi đến 1 lớp đậu xanh ở giữa, cuối cùng lại rải tiếp 1 lớp xôi, nén chặt lại rồi lấy xôi ra khỏi khuôn, rắc chút vừng rang cho đĩa xôi thêm phần hấp dẫn.

- Màu đỏ của xôi gấc chính là màu đỏ của may mắn, hạnh phúc. Hãy nấu những đĩa xôi gấc đậu xanh thật ngon để tất cả những người thân yêu của bạn đều gặp những niềm vui và thật nhiều may mắn trong năm mới nhé.

Vịt chay

Nguyên liệu:

- 3 bì đậu phụ lạng mỏng

- Nấm tươi, nấm enoki hay nấm kim châm, nấm đông cô

- Bột nghệ hay nhụy hoa saffron,  nước tương, nước quậy, chao đỏ, tương nhật, nước màu vàng, ngũ vị hương, rượu, đậu hũ ki, bột năng.

Cách làm:

- Đậu hũ trắng lạng mỏng, chiên vàng một mặt.

- Nấm lạng mỏng đảo với dầu và tỏi tây, bột nghệ hay nhụy hoa saffron ngâm nước ấm lấy màu.

- ½ chén nước tương, ½ chén nước quậy, 1 muỗng canh chao đỏ hay tương nhật hòa chung với 1 chén nước màu vàng + ½ muỗng bột nguc vị hương. Thêm 1 muỗng canh rượu nấu ăn. Ngâm tất cả độ 1 giờ

- Vớt đậu ra để ráo, giữ nước nấu sốt

- Đậu hũ ki, nhúng nước cho mềm, trải ra cho lớp mỏng bột năng

- Sắp đậu hũ trước, tiếp theo dải nấm lạng mỏng lên, rồi các loại nấm tiếp đến là viền đậu hũ ki vụn, lại dải một lớp nấm lạng mỏng, cuối cùng là một lớp đậu hũ. Gói lại thành hình tròn ống.

- Bao ngoài một lớp vải mỏng cho chặt, sau đó hấp 20 phút

- Lấy ra, thay vải bên ngoài, để nguội trong tủ lạnh 1 đêm

- Nước ngâm nguyên liệu, cho bột năng vào bắc lên bếp khuấy hơi đặc(muốn chua thì thêm chút muối)

Vịt chay lấy ra từ tủ lạnh chiên giòn 2 mặt, để lên giấy hút bớt dầu mỡ cắt khoanh xéo. Bày ra đĩa dùng với sốt.

Giá xào mộc nhĩ

Giá xào mộc nhĩ là món chay vừa tươi ngon lại vừa thích hợp để bạn chế biến trong những ngày này.

Nguyên liệu:

- Giá
- Mộc nhĩ
- Hành hoa
- Rau mùi
- Hạt tiêu, hành khô, gia vị, hạt nêm, dầu hào.

Cách làm:

- Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở, rửa thạch, thái chỉ. Giá rửa sạch, để ráo nước.

- Làm nóng dầu ăn trong chảo, cho hành khô băm nhỏ vào phi thơm.

- Cho mộc nhĩ vào xào qua rồi cho giá vào xào cùng. Thêm một ít dầu hào, gia vị vào, đảo đều liên tục thật nhanh tay.

- Giá chín tái vẫn còn độ giòn thì cho hành, rau mùi thái khúc vào. Rắc thêm ít hạt tiêu và nêm thêm ít hạt nêm cho vừa miệng.

Canh khoai nấu nấm

Có lẽ nấm là nguyên liệu lý tưởng cho các món chay các bạn nhỉ. Nấm vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe, vì thế nó được chọn nhiều để chế là lẽ đương nhiên.

Khoai lang, khoai tây cũng là các thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, cho nên, canh khoai nấu nấm đảm bảo chị em không còn lo gia đình thiếu chất nhé.

Món canh có vị ngọt của khoai, vị thanh của nấm. Canh khoai nấu nấm là món thích hợp để ăn chay.

Nguyên liệu

- 2 củ khoai lang tím; 1 củ khoai tây
- 1/2 củ cà rốt; 3 tai nấm đông cô
- 30g nấm rơm; 1/2 bìa đậu phụ non
- 1 thìa cà phê muối; 1 thìa súp dầu ăn
- 1 thìa cà phê hạt nêm nấm
- 1 thìa cà phê đường; 1/4 thìa cà phê tiêu
- 500ml nước dùng rau củ; ngò rí

Cách làm:

- Khoai lang, khoai tây, cà rốt gọt vỏ, xắt quân cờ. Nấm đông cô ngâm nở mềm, cắt bỏ chân, vò rửa sạch, bổ đôi.

- Nấm rơm gọt chân, ngâm nước muối loãng 10 phút, rửa sạch, bổ đôi. Đậu phụ non xắt quân cờ.

- Cho nước dùng vào khoai lang, khoai tây, cà rốt, nấm đông cô và dầu ăn vào, nấu sôi. Nêm gia vị, nấu thêm khoảng 20 phút thì cho nấm rơm và đậu phụ non vào.

- Múc canh ra tô, rắc ít tiêu và ngò rí. Dùng nóng.

Nộm rau

Nguyên liệu

- 500g đu đủ xanh
- 150g đậu quả
- 100g rau muống
- 250g cà chua
- 40g lạc (đậu phộng)
- Ớt khô, nước chanh, đường hoa mai, nước tương.

Cách làm

- Đu đủ xanh, gọt vỏ, nạo sợi nhỏ. Các loại rau, sơ chế, rửa sạch, đậu quả bẻ khúc ngắn 5-6cm.

- Rau muống bỏ hết lá, chỉ lấy phần cọng, cắt khúc ngắn bằng đậu quả. Cà chua (loại cà chua quả nhỏ, giống nhập ngoại) bổ đôi. Lạc rang chín, sảy sạch vỏ, đập dập.

- Đun một nồi nước. Khi nước sôi, lần lượt cho đậu quả, rau muống vào chần cho chín tới, vớt ra để ráo nước.

- Trộn đu đủ với rau muống, đậu quả, cà chua vào một âu lớn. Pha 1,5 muỗng nước tương với chút ớt khô, 2 muỗng nước chanh, 2 muỗng đường hoa mai, 1 ít bột canh khuấy đều để đường tan hết rồi đổ hỗn hợp nước vào âu rau trộn đều. Để khoảng 15 phút cho ngấm, trước khi ăn, rắc lạc lên trên hoặc trộn đều.

Chè trôi nước khoai lang tím

Thưởng thức món chè thơm thơm, ngọt ngọt và đẹp mắt như thế này thật thích.

Nguyên liệu:

- Khoai lang tím: 2 củ
- Bột nếp: 150 gr
- Đỗ xanh: 200 gr
- Đường trắng hoặc đường nâu
- Gừng: 1 nhánh nhỏ

Cách làm:

- Khoai lang tím các bạn rửa sạch cho hết bùn đất bám trên vỏ rồi đem khoai luộc hoặc hấp chín, sau đó dùng thìa tán nhuyễn.

- Đỗ xanh ngâm nở, đãi sạch, cho đỗ vào hấp đến khi hạt đỗ chín bở. Tranh thủ lúc đỗ còn đang nóng, các bạn dùng thìa hoặc máy xay đánh nhuyễn sẽ dễ dàng hơn.

- Trộn đỗ với khoảng 80 gr đường rồi đặt lên bếp sên nhỏ lửa đến khi đường tan và đỗ xanh trở nên khô, ráo tay.

- Trộn khoai lang và bột nếp với nhau, vừa trộn các bạn vừa từ từ chế nước vào, cứ thế nhào trộn thật kĩ đến khi ta thu được hỗn hợp bột mịn, không dính tay là được.
Để bột nghỉ 30 phút rồi các bạn chia bột thành những viên nhỏ, phần nhân đậu xanh các bạn cũng làm tương tự.

- Dùng tay ấn dẹp viên bột ra, cho nhân đỗ xanh vào giữa, gói kín lại, vê tròn.

- Đun nước thật sôi mới thả từng viên bánh vào luộc, đậy vung lại, khi chín các viên bánh trôi sẽ nổi lên, các bạn vớt ra thả ngay vào một bát nước lạnh cho khỏi dính.

- Cho đường (liều lượng tùy khẩu vị), nước và vài lát gừng vào nồi, đun sôi.

- Thả các viên bánh trôi vào nồi, hạ nhỏ lửa đun vài phút cho bánh ngấm đường rồi tắt bếp, múc chè ra bát. Nếu muốn bát chè có vị ngậy hơn, các bạn có thể dùng kèm với nước cốt dừa hoặc rắc 1 chút vừng trắng rang chín để bát chè thêm phần hấp dẫn, tuy nhiên, gia đình mình lại chỉ thích thưởng thức chè theo cách đơn giản, thanh cảnh như thế này.


Cách thức cúng Tết Nguyên tiêu rằm tháng giêng và cúng sao giải hạn tại nhà

(Theo: http://chuaphuclam.vn/index.php?/tin-nong/cach-cung-tet-nguyen-tieu-ram-thang-gieng-va-cung-sao-giai-han-tai-nha.html)

1. Cúng Phật, thần linh và gia tiên

Ngày Tết Nguyên tiêu các gia đình thường sắm hai lễ: 1/ cúng Phật, cúng thần linh và 2/ cúng gia tiên.

Cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến. Nếu là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo 

Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo (chữ xanh) dưới đây:

Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. ( 3 lần, mỗi lần lạy 1 lạy )

(Cầm 3 nén hương quỳ đọc tiếp)

Nguyện mây hương lành này,

Biến khắp mười phương giới,

Trong có vô biên Phật,

Vô lượng hương trang nghiêm,

Viên mãn đạo Bồ Tát,

Thành tựu hương Như Lai. (1 lạy, và cắm hương vào bát hương)

Dâng hương cúng dàng rồi, dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. ( 1 lạy)

(Thành kính chấp tay thành búp sen đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật)

Phật thân rực rỡ tựa kim san

Thanh tịnh không gì thể sánh ngang

Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn

Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.

Phật đức bao la như đại dương

Bảo châu tàng chứa đủ bên trong

Trí tuệ vô biên vô lượng đức

Đại định uy linh giác vẹn toàn.

Phật tại Chân Như pháp giới tàng

Không sắc không hình chẳng bụi mang

Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật

Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.

Án phạ nhật ra hồng. (3 lần)

Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. ( 1 lạy )

Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát ( 1 lạy )

Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. ( 1 lạy )

Con nay đều vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, dốc lòng sám hối. (1 lạy)

(Quỳ đọc) Chí tâm sám hối:

Xưa kia gây nên bao ác nghiệp

Đều vì ba độc: tham, sân, si

Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra

Hết thảy con nay xin sám hối.

Như vậy tất thảy bao nghiệp chướng

Ắt hẳn tiêu diệt không tàn dư

Niệm niệm âm vang tận pháp giới

Độ khắp chúng sinh nhập Bất Thoái. (1 lạy)

Sám hối phát nguyện rồi, chúng con kính lễ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật ở khắp mười phương. (1 lạy )

Cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.

Khi cúng đọc bài khấn Tết Nguyên tiêu dưới đây.

Văn khấn Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) tại nhà

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật,Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là: ...............................................

Ngụ tại:........................................................................

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm... gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngày Bản cảnh THành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ................... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

2 Cúng sao giải hạn tại nhà

Ông bà ta xưa quan niệm rằng mỗi năm, mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh như: La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Kế Đô.

Trong đó có sao vận tốt, lại có sao vận xấu. Nếu ai bị sao vận xấu chiếu mạng trong năm thì làm lễ dâng sao giải hạn; Nếu ai được sao tốt chiếu mạng thì làm lễ dâng sao nghinh đón.

Lễ nghênh, tiễn nhương tinh (cúng sao) được tiến hành thường kỳ vào những ngày nhất định của các tháng trong năm.

Tuy vậy, dù sao nào chiếu mệnh thì vào tối ngày rằm tháng giêng (ở miền Nam nhiều chùa cúng sao vào tối mồng 8 tháng giêng), người ta thường sắm đủ phẩm vật, đủ số lượng các đèn, nến tuỳ theo mỗi sao cần nghinh tiễn đế làm lễ cúng sao tại nhà. Bài vị cúng mỗi sao được viết trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao. (Xem thêm: Nghi thức cúng sao giải hạn đầy đủ )

Bàn hương án cúng dâng sao thường đặt ở sân trước nhà hoặc trên sân thượng.

Khi cúng đọc bài văn khấn dưới đây:

Văn khấn cúng dâng sao giải hạn (ngày Rằm tháng Giêng)

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm……………..

Tín chủ (chúng) con là:……………………………………….

Ngụ tại:…………………………………..

Chúng con thành tâm có lời kính mời:

Nhật cung Thái Dương Thiên Tử tinh quân

Nam Tào Bắc Đẩu tinh quân

Thái Bạch, Thi Tuế tinh quân

Bắc cực Tử vi Đại Đức tinh quân

Văn Xương Văn Khúc tinh quân

Nhị thập Bát Tú, Ngũ Hành tinh quấn

La Hầu, Kế Đô tinh quân

Giáng lâm trước án, nghe lời mời cẩn tấu:

Ngày rằm Nguyên Tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.

Đèn trời sán lạn.

Chiếu thắp cõi trần.

Xin các tinh quân.

Lưu ân lưu phúc.

Lễ tuy mọn bạc.

Lòng thành có dư.

Mệnh vị an cư.

Thân cung khang thái.

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Chùa Phúc Lâm online (tổng hợp)

(St)

Những món ăn chay dành cho rằm tháng giêng 
Cưới trên chùa trong ngày rằm tháng Giêng
Cúng rằm tháng giêng như thế nào để cầu an giải hạn
Cỗ chay Bồ đề Tâm cho ngày rằm tháng giêng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý