Răng thai phụ - những điều cần lưu ý

seminoon seminoon @seminoon

Răng thai phụ - những điều cần lưu ý

18/04/2015 01:45 PM
187

Một người có hàm răng đẹp chắc chắn sẽ được ngưỡng mộ, ngược lại nếu là bộ răng khấp khểnh cái ra cái vào, hoặc vàng xỉn màu “tetraciclin” sẽ bị… chê. Tuy vậy ít người biết rằng “vinh quang” hoặc “bất hạnh” này phần lớn do người mẹ tạo ra khi hình thành mầm răng cùng với xương hàm vào tuần thứ 10 trở đi của thai kỳ.

Trong gần 3 năm mang thai và trẻ sơ sinh (33 tháng), “một người phải nuôi hai người”, nếu người mẹ thiếu kiến thức về ăn uống và dùng thuốc sẽ đem đến nhiều tai họa cho đứa con bé bỏng thân yêu và bản thân mình, trong đó có bộ răng.

Các yếu tố nội tại ảnh hưởng đến răng thai phụ

Khi mang thai, các nội tiết tố Progestin và Estrogen tăng cao làm cho mạch máu nuôi lợi thay đổi, dễ sinh viêm lợi, viêm răng (sau khi đẻ, Progestin và Estrogen hạ xuống mức bình thường, bệnh viêm lợi, viêm răng sẽ tự khỏi).

Tuyến nước bọt giảm tiết, răng thiếu chất bảo vệ, dễ sinh viêm răng lợi, đồng thời còn gây chứng khô miệng. 95% người mẹ bị “ốm ghén”, thích ăn vặt, thích ăn của chua, thích ăn đồ ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật lên men các thức ăn thừa bám vào răng miệng, sinh ra các a xít hữu cơ gây hại răng. Nôn ọe, đẩy a xít dịch vị từ dạ dày ra miệng, cũng là chất gây hại răng.

Thức ăn, đồ uống có hại cho răng của mẹ


Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, người mẹ không được ăn vặt các chất bột, đường và các chế phẩm của nó như: bánh kẹo các loại, nước ngọt, siro, kem. Sử dụng hạn chế nước ngọt có ga, nước ngọt có a xít hữu cơ như Coca Cola, Pepsi. Ngày chỉ nên ăn 2 – 3 lần các loại quả ngọt, các loại quả có vị chua.

Tuyệt đối không ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh, thức ăn quá cứng, quá dai, rượu bia các loại (đồ uống có ethanol), không hút thuốc lá. Vì vậy người mẹ cần phải biết những thứ hại cho răng để sử dụng cho đúng.

Bên cạnh đó cần giữ vệ sinh răng miệng thường xuyên hàng ngày, ngay từ ngày đầu mới thụ thai, bằng cách: Sau khi ăn bất kể thứ gì, hoặc uống nước ngọt, hoặc sau khi nôn ọe phải xúc miệng ngay thật sạch (có thể dùng nước chè loãng để xúc miệng, rất tốt chứ không gây ố răng như có người nghĩ), rồi lấy hết các chất còn dắt trong răng.

Cuối cùng mới dùng bàn chải mềm để đánh răng. Nhớ uống đủ nước, không để khát, không để miệng khô mới uống (uống nước sôi để nguội). Khi bàn chải răng đã cứng, phải thay ngay bằng bàn chải mềm. Bỏ thói quen dùng răng tước mía, cắn mía, cắn hạt dẻ, cắn hạt dưa. Hạn chế ăn kem que, ăn kẹo cứng.

Các loại thuốc và thức ăn người mẹ không nên dùng


Tân dược cũng như đông dược, có rất nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến thai, có loại thuốc gây dị dạng bẩm sinh, có loại thuốc gây sảy thai, gây đẻ non, nhiều loại thuốc tiết ra sữa mẹ. Thông thường người ta chỉ biết tránh dùng Tetracyclin, Docycilin cho phụ nữ mang thai để tránh gây vàng xỉn răng con từ lúc mới mọc đến suốt cả đời, nhưng bên cạnh đó còn nhiều loại thuốc cũng gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của cả mẹ và con.

Vì vậy ngay từ khi mới có thai trở đi đến cai sữa cho con, muốn dùng thuốc nhất thiết phải đến bác sĩ hoặc lương y khám bệnh cho đơn, kể cả những thuốc tưởng là đơn giản như: thuốc chống nôn, thuốc chữa trứng cá, thuốc hạ sốt, thuốc trị nấm, các loại vitamin dùng ở liều cao nhiều ngày. Nhân sâm, long nhãn, cá ngựa, rượu bổ… cũng có thể gây hại thai nhi, gây dị dạng bẩm sinh,  gây hại trẻ bú mẹ, không được dùng tùy tiện.

Bên cạnh đó, các loại thức ăn ảnh hưởng xấu đến con và mẹ bao gồm: những loại quả, hạt gây tăng cho bóp tử cung dẫn đến gây sảy thai như: rau sam, quả sơn tra, hạt ý dĩ, rau chân vịt (cản trở hấp thu sắt); gan động vật (tất cả các loại) phải ăn rất hạn chế, riêng gan gà thì cấm ăn vì dễ sinh dị tật bẩm sinh; lẩu, nem chua, các món tái (dễ nhiễm vi khuẩn và sán); các loại dưa muối chua, mắm tôm, mắm cá (chứa nhiều nitrosamin, là chất gây ung thư); xúc xích, lạp xường và các loại thức ăn chứa Kali nitrat còn gọi là sanpết, diêm tiêu (hại cho cả mẹ và con); quẩy và các loại thức ăn chứa phèn chua (ăn nhiều sẽ làm cho não thai nhi kém phát triển, dễ sinh đần độn, mẹ sẽ lú lẫn khi về già); thức ăn xông khói (hại cả cho mẹ và trẻ nhỏ); thức ăn nướng, rán (lên ăn hạn chế); đồ hộp các loại (có các chất phụ gia, chất bảo quản có hại cho cả mẹ và con); đồ uống có ethanol (bia, rượu vang các loại, kể cả thuốc); đồ uống có ga, có a xít hữu cơ, có đường, cà phê, chè đặc, thuốc lá, thuốc lào.

Đặc biệt, trong 90 ngày đầu thai kỳ, thai phụ cần tránh tiếp xúc với người bị các bệnh do virus như: cúm, Rubella, Quai bị. Nếu bị nhiễm bệnh rất dễ sinh con dị tật.

Cũng nên tránh tiếp xúc với mèo vì dễ bị nhiễm Toxoplasma (một loại ký sinh trùng sống trong ruột mèo) gây bệnh thần kinh cho con (nhẹ là hiếu động, nặng là tâm thần phân liệt, khi trưởng thành mới phát bệnh). Riêng nhân sâm, nhiều sách chưa ghi tác hại với thai nhi và trẻ vị thành niên. Vì vậy, cần chú ý “cấm dùng độc vị” cho người có thai, cho con bú và trẻ dưới 16 tuổi.

Chuyên gia DS. Trần Xuân Thuyết

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý