Bé bị côn trùng cắn

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Bé bị côn trùng cắn

18/04/2015 03:25 PM
2,360

Cách nhận biết vết côn trùng cắn. Trẻ bị côn trùng cắn phải làm thế nào? Một số mẹo nhỏ khi trẻ bị côn trùng cắn. Phòng ngừa côn trùng cắn .

Côn trùng cắn và cách xử lý

Chỗ vết cắn điển hình của côn trùng thường là các sẩn ngứa. Vị trí đặc biệt của sang thương cũng có thể tùy loại côn trùng: vết cắn của rệp giường thường ở cổ, thân mình; của ve thường ở cẳng chân; muỗi cắn thường ở mặt, tứ chi…

Côn trùng cắn và cách xử trí

CÔN TRÙNG CẮN:

Các vết cắn của côn trùng luôn luôn là vấn đề khó chịu cho tất cả mọi người. Phản ứng ngoài da thường gặp nhất là tình trạng ngứa ngáy dữ dội nơi bị cắn, nổi hồng ban sưng phù, tróc vẩy. Một số trường hợp da có thể có phản ứng nổi mụn nước, bóng nước và các nốt dạng hạch lympho. Phản ứng toàn thân do các côn trùng thuộc bộ Cánh màng _ Hymenoptera (ong, kiến) đốt có thể đưa đến sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

1. Sinh lý bệnh

Các vết cắn của côn trùng ban đầu chỉ gây nên những vết thương rất nhỏ nhưng sau đó sẽ sưng to do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với kháng nguyên từ lông, ngòi của côn trùng hay từ vết cắn đưa vào. Thời gian diễn tiến của phản ứng đối với vết cắn của côn trùng tùy thuộc vào cơ chế miễn dịch. Các sang thương da dạng tổ ong phản ứng tức thì tại chỗ bị cắn qua trung gian của globulin miễn dịch E (IgE). Tiếp theo đó, các nốt sưng phù, sẩn ngứa, mụn nước xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi bị cắn, đốt. Đây là các biểu hiện của phản ứng mẫn cảm muộn, miễn dịch trung gian tế bào type IV, đối với các kháng nguyên do vết cắn, vết đốt gây ra.

Trong một số ít trường hợp khác, các sang thương xuất hiện do độc tố đưa vào từ các vết đốt, vết cắn .Thí dụ: các vết cắn của loài nhện nâu có thể gây tình trạng hoại tử mô lan rộng do tổn thương nội mạc qua trung gian bạch cầu đa nhân trung tính dưới tác dụng của độc tố Sphingomyelinase D.

Men Hyaluronidase chứa trong nọc độc của côn trùng sẽ giúp độc tố lan tỏa và gây hoại tử mô trên diện rộng.

2. Dịch tễ học

Ngòi và các vết cắn của côn trùng là vấn đề quan trọng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Các loại côn trùng thường gặp : ruồi, muỗi, côn trùng ngành Tiết túc _ Arthropod ( ong, kiến, nhện, ve, rết, bọ chét, bò cạp, rệp…). Chúng hiện là các vectors truyền bệnh nguy hiểm ở Mỹ cũng như ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh.

- Chủng tộc:  có ít dữ liệu thống kê phân tích sự khác biệt  giữa các chủng tộc đối với mối nguy hiểm do côn trùng cắn. Trên thực tế, có hiện tượng một số người dễ hấp dẫn côn trùng hơn người khác nhưng sự khác biệt này dường như có liên quan đến thân nhiệt, mùi của cơ thể, sự sử dụng các loại dầu thơm, sự bài tiết CO2…chứ không có sự liên quan đến chủng tộc. Tương tự, sự khác biệt về các phản ứng cá nhân khi bị côn trùng cắn là do tình trạng miễn dịch của từng người, không phải do chủng tộc. Các chủng tộc có da sậm màu thường bị chứng thiếu men glucose-6-phosphate dehydrogenase

(G-6-PD) và phải dùng Dapsone khi điều trị các vết cắn nguy hiểm của loài nhện nâu.

- Giới tính:  Không có sự khác biệt liên quan đến giới tính đối với việc côn trùng cắn.

- Tuổi: Trẻ em có thể dễ nhạy cảm đối với loài nhện đen.

3. Lâm sàng

Chỗ vết cắn điển hình của côn trùng thường là các sẩn ngứa. Vị trí đặc biệt của sang thương cũng có thể tùy loại côn trùng: vết cắn của rệp giường thường ở cổ, thân mình; của ve thường ở cẳng chân; muỗi cắn thường ở mặt, tứ chi…

Bệnh nhân có thể bị ngứa ngáy nhiều. Nơi bị cắn nổi hồng ban sưng phù, tróc vẩy. Một số trường hợp da có thể có phản ứng nổi mụn nước, bóng nước và các nốt dạng hạch lympho. Phản ứng toàn thân do các côn trùng thuộc bộ Cánh màng _ Hymenoptera (ong, kiến) đốt có thể đưa đến sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

4. Tác nhân gây bệnh



Việc nhận dạng chính xác loại côn trùng cắn rất quan trọng trong quyết định sử dụng kháng sinh điều trị phòng ngừa. Bệnh nhân cần chú ý đến việc có thể bắt giữ côn trùng cẩn thận hay chú ý mô tả đặc tính, hình dạng loại côn trùng đã cắn mình để giúp bác sĩ có hướng chẩn đoán và điều trị dễ dàng hơn. Thí dụ:
Image

- Loài ve thân cứng họ IXODIDAE:

+ Nhóm Ixodes là tác nhân truyền bệnh Lyme, sốt ve, nhiễm Ehrlichia chaffeensis     (Ehrlichiosis).

+ Nhóm Dermacentor là tác nhân truyền bệnh Tularemia và RMSF (Rocky Mountain Spotted Fever).

+ Nhóm Amblyomma là tác nhân truyền bệnh Tularemia, RMSF, Ehrlichiosis.

+ Nhóm Rhipicephalus là tác nhân truyền bệnh RMSF, Ehrlichiosis, Rickettsia.
Image

-Loài ve thân mềm họ ORNITHODOROS : là tác nhân truyền bệnh  nhiễm Borrelia duttonii  (Borrelia relapsing fever)
Image

II. XỬ LÝ VẾT CẮN CỦA CÔN TRÙNG:

Nói về côn trùng trước tiên có thể kể đến là những lọai ruồi muỗi. Chúng có mặt hầu như ở khắp mọi nơi, trong những khu rừng khi bạn đi cắm trại, kể cả những vùng biển nơi có nhiều cây cối.Nếu đến những nơi có nhiều cỏ rậm rạp thì lại phải chú ý đến các lòai như bọ chét, ve, rận, rệp. Nếu là nơi nhiều cây cao thì lại phải chú ý đến sâu, nhất là lòai sâu róm, kiến, ong …Thân cây, gỗ mục thậm chí các tảng đá có thể là nơi yêu thích của các lọai như bọ cạp, nhện, rết…Đỉa thì ở dưới nước: ao, hồ. Vắt thì ở trên cạn, thường nằm dưới lá ẩm mục. Nếu tắm ở biển thì đôi khi bạn có thể bị sứa tấn công. Tóm lại đừng bao giờ nghĩ rằng chúng chỉ là những con vật bé nhỏ mà chúng ta mất cảnh giác. Hậu quả có thể rất nguy hiểm.

Trường hợp nhẹ nhất thì nọc đọc của những lòai vật này cũng làm bạn ngứa ngáy, khó chịu, nặng hơn là cảm giác đau nhức.

Trong thân của kiến khoang có chất pederin gây cháy bỏng da giống như chất cangtaridin của sâu ban miêu và chất phosphor ở con giời. Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao, hồ, kiến khoang cùng côn trùng theo ánh sáng đèn bay vào nhà. Những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình vô tình giơ tay đập, quệt xiết mạnh làm cho chất pederin có trong côn trùng bám vào da. Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo.

Nọc độc của một số lòai chân đốt như rết, nhện, bọ cạp... có thể là chứa chất độc thần kinh hoặc một men gây sưng phồng, kết tập tiểu cầu, huyết khối. Chúng có thể mất dần đi hoặc gây loét da, hoại tử. Nọc côn trùng còn có thể gây triệu chứng toàn thân như sốt, lạnh, nôn, ban đỏ ngoài da, ngứa, vàng da, co cứng cơ, đau chuột rút, cứng cả một vùng, nhiễm khuẩn…Có những trường hợp nạn nhân lâm vào tình trạng cấp cứu nếu ong, kiến đốt nhiều. Da phồng lên, rát, đau có thể đến mức sốc phản vệ. Chỉ cần nhiều con ong, kiến lửa đốt, bệnh nhân đã có thể bị phù, mệt mỏi, nôn, ù tai, đông máu nội mạch rải rác, tiêu cơ vân, hoại tử ống thận cấp…Đỉa, vắt thì gây mất máu. Ruồi, muỗi thì ngòai việc gây khó chịu cũng có thể mang bệnh truyền nhiễm…

Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương do côn trùng cắn, chúng ta  phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.

Việc trước tiên khi bị chúng cắn, hút máu chúng ta phải làm các bước sau:

•  Lấy chúng ra: Các côn trùng hút máu nhỏ này có hàm răng rất cứng, bám vào da thịt rất bền bỉ. Khi nắm chúng kéo ra, thường ta chỉ bứt được thân hình của chúng, hàm răng vẫn còn bấu chặt vào da thịt của bạn. Hàm răng này dĩ nhiên không còn hút máu bạn được nữa, nhưng nó có thể gây nhiễm trùng hoặc những biến chứng tai hại khác. Vì thế, ta nên kéo chúng từ từ ra khỏi vết cắn. Làm như thế để chúng có thì giờ nhả ra.  Đỉa thì sợ vôi hay xà phòng, bôi một trong 2 thứ này nó sẽ nhả ra.

Lửa có tác dụng hữu hiệu nhất trong việc bắt các côn trùng này phải nhả bạn ra. Dùng một cây nhang, một điếu thuốc cháy dở hơ vào chúng, cẩn thận kẻo bị bỏng. Sức nóng sẽ buộc chúng bỏ cuộc và rơi xuống đất.



Bạn cũng có thể dùng các chất như cồn, xăng, dầu nóng... nhỏ một giọt vào chúng, chúng sẽ tự động nhả ra. Những chất này có tác dụng chậm hơn lửa, và thường cần khoảng 5 phút.

Tìm cách khắc phục nốt cắn, như rút vòi ong cắn bằng cánh dùng nhíp nhổ, móng tay. Không để nguyên vòi trong da vì nó sẽ làm cho chất độc tiết ra nhiều.
 
•  Sát trùng vết chích, vết cắn. Vết thương phải được tưới, hay tốt nhất là xịt có áp lực với nước sạch nhiều lần để loại bẩn và loại bớt vi khuẩn và các mô chết. Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, ta nên rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng, sau đó mới bôi alcol hoặc các thuốc sát trùng khác. Phải xử lý vết thương càng sớm càng tốt . Nếu để quá 6 giờ sau khi bị côn trùng cắn mà chưa xử lý, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ rất cao. Lưu ý không bao giờ được khâu kín vết cắn, vết đốt của côn trùng lại ngay mà chỉ làm sạch, băng bó, cố định theo chức năng.

•  Làm vết chích không bị ngứa,sưng hoặc nổi mận:

- Dùng một cục nước đá đặt lên vết chích chừng 5 phút.

- Dùng muối ăn trộn với chút nước cho sền sệt rồi thoa lên vết chích.

+ Nếu chỉ có vết đỏ: người bệnh chỉ cần điều trị tại nhà. Dùng nước muối loãng 9% hoặc nước vôi loãng chấm ngày ba đến bốn lần, tránh rửa nước nhiều, tránh kỳ cọ làm trượt da tróc vảy.

+ Nếu đau rát nhiều: có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu khám và điều trị bằng các loại thuốc như dung dịch yarish, dalibua, kháng sinh; các loại hồ làm dịu da như hồ nước. Bệnh có thể khỏi sau 1 tuần.

+ Nếu tổn thương nhiễm trùng hóa mủ: bệnh nhân có thể bôi bằng các dung dịch thuốc màu như eosine, milian, xanh metylen,… và sau đó nên đi khám bệnh ở các cơ sở y tế gần nhất hay gặp các bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được hướng dẫn điều trị cụ thể, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Không nên sử dụng các phương pháp chữa dân gian như nhai gạo nếp, đậu xanh đắp lên vết thương, có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

III. PHÒNG NGỪA

- Khi ngủ kể cả ban ngày cần mắc màn, cho trẻ nằm trong nôi, cũi có phông màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa bão. Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

- Có thể dùng các thuốc bôi chống muỗi thoa lên khắp người để chống muỗi và các côn trùng khác. Cẩn thận tránh không để thuốc dính vào mắt.

- Mẹo vặt dưới đây cũng có công hiệu rất tốt, và ít tốn kém hơn.

+ Pha thuốc tẩy vào nước tắm. Thuốc tẩy (chlorine) thường tiết ra mùi làm cho các côn trùng không dám đến gần. Trước khi đi cắm trại. Các hồ bơi thường cũng được sát trùng bằng chlorine, bạn có thể ngâm trong hồ bơi 15 phút trước khi khởi hành chuyến cắm trại ngoài trời của bạn. Mùi thuốc tẩy này giữ được côn trùng không dám tấn công bạn trong nhiều giờ.

+ Môi trường sống của chúng ta phải sạch sẽ, thông thóang. Ở những nơi nhiều cây cỏ, bụi rậm, ta có thể thực hiện một số biện pháp như dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nơi ở, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng, phun xịt thuốc diệt côn trùng những nơi um tùm rậm rạp cạnh khu dân cư.

+ Ngoài ra,các loại côn trùng thường nhạy cảm và thích đến những nơi có ánh sáng đèn huỳnh quang. Do đó ta có thể dùng đèn huỳnh quang để ngoài cửa dụ nó vào và tiêu diệt.
+ Khi côn trùng bò lên da, nên dùng tay hất xuống đất và dùng chân mang dép hoặc vật gì đó đập cho chết, tránh để dịch tiết của nó dính vào da.

BS.  LÊ ĐỨC THỌ - Trưởng Khoa Da Liễu - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn

Làm gì khi trẻ bị côn trùng cắn?

Những vết cắn của côn trùng tưởng như vô hại nhưng lại gây ngứa, sưng, viêm tấy và gây ra một số bệnh ngoài da, đặc biệt là đối với làn da mỏng manh của trẻ nhỏ. Chúng ta hãy cùng nghe bác sĩ Vũ Hồng Thái – Giám đốc Bệnh viện Da Liễu tư vấn về những bệnh ngoài da có thể gặp.

Làm gì khi trẻ bị côn trùng đốt? - 1

Da tại vết cắn/châm đốt thông thường bị ngứa, cảm giác bỏng rát, có khi sưng lên thành những sẩn. Ở một số người nếu không được bôi thuốc đúng và kịp thời, vết cắn có thể gây nên những tác hại trên da như:

1. Nhiễm trùng thứ phát do gãi:

Khi côn trùng cắn, chúng sẽ phóng ra “nọc” độc là một vật thể lạ đối với cơ thể (yếu tố dị nguyên) xâm nhập vào máu. Cơ thể có sự đáp ứng của hệ miễn dịch – dị ứng tạo ra các histamine gây ngứa. Ngứa có khi thoáng qua nhưng ở một số người nhạy cảm sẽ bị ngứa rất nhiều. Chúng ta thường phản ứng lại bằng cách gãi, làm cho làn da bị tổn thương (trầy xước, rách da). Và nó sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiễm khuẩn, làm cho sưng lên và có mủ.

2. Sẩn ngứa, chàm hóa:

Đối với người có cơ địa dị ứng, chất tiết của côn trùng sẽ là tác nhân tạo ra đáp ứng miễn dịch. Ngứa có thể phát triển toàn thân và dẫn tới sẩn ngứa (nhiều sẩn u lên có khi thành cục kèm với ngứa tại vết cắn).

Ngứa gãi sẽ tạo thành tổn thương của bệnh chàm (chàm hóa): da tại vùng chàm có biểu hiện là những dát viêm đỏ kèm các mụn nước li ti. Ngứa nhiều, bệnh nhân gãi lâu ngày vùng da bị tổn thương dày lên, tăng sừng, xuất hiện các vết nứt, việc điều trị trở nên khó khăn.

3. Mất thẩm mỹ da:

Nếu có nhiễm trùng thứ phát không điều trị, hay điều trị không đúng, các tổn thương lâu ngày trở nên chàm hóa, có khi gây ra sẹo lồi (ở những người có cơ địa sẹo lồi). Ngoài ra, còn bị các vết thâm do hiện tượng tăng sắc tố sau viêm; dày da, tăng sừng.

4. Để giảm thiểu các tác dụng có hại từ vết cắn do côn trùng và các bệnh do chúng gây ra, chúng ta cần tuân thủ các bước:

• Phòng bệnh (ngừa không để côn trùng cắn): Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ. Cần mang theo các chai xịt chống, xua đuổi côn trùng; nhất là khi có trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng. Nếu ngủ đêm ngoài trời phải có túi ngủ, mùng.

• Điều trị (khi đã bị côn trùng cắn):

o Trước tiên, chúng ta phải tránh gãi vì sẽ làm độc tố phát tán rộng, cũng như làm da bị chấn thương, trầy xước.

o Trường hợp sưng đỏ và ngứa khu trú tại vết cắn của côn trùng: rửa sạch vết cắn sau đó bôi thuốc trị côn trùng cắn có tác dụng chống ngứa và kháng viêm.

o Trường hợp sưng phù lan rộng kèm theo cảm giác ngứa, bỏng rát:

- Lấy ngòi độc ra nếu có. Rửa sạch vùng da bị cắn với xà bông và nước. Có thể chườm nước đá quấn trong khăn hoặc vải mỏng trong khoảng 10 phút, nghỉ 10 phút rồi lặp lại qui trình.

- Dùng thuốc thoa có tác dụng giảm ngứa, kháng viêm tại chỗ. Hiện nay, có một số loại thuốc với công thức cải tiến antedrug, ngoài hiệu quả kháng viêm, giảm ngứa, sưng tấy do côn trùng đốt còn hạn chế tác dụng phụ so với các loại corticosteroids thông thường.

- Nếu tổn thương vẫn kéo dài nhiều ngày bạn nên đến khám tại bác sĩ Da liễu.

o Trường hợp nọc độc gây ra sốc, đe dọa tính mạng: nên buộc garo vùng chi đó và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Xử trí khi bé bị côn trùng cắn

Phản ứng khi bị côn trùng cắn (đốt) sẽ khác nhau, tùy vào từng loại côn trùng và cơ địa của bé.

Khi bị côn trùng cắn (hoặc đốt), cơ thể sẽ xuất hiện những phản ứng tức thời. Nếu bị muỗi hoặc một số loài nhện đốt, bé sẽ bị ngứa và hơi sưng ở chỗ bị đốt. Nếu bị ong, kiến lửa đốt, bé sẽ bị sưng đau, ở mức trung bình đến nghiêm trọng.

Phản ứng khi bị côn trùng cắn (đốt) sẽ khác nhau, tùy vào từng loại côn trùng và cơ địa của bé. Một số ít trường hợp, khi bị côn trùng cắn, bé sẽ bị dị ứng nặng, có thể ảnh hưởng đến não.

Sau khi bị côn trùng cắn, nếu bé xuất hiện một số triệu chứng dưới đây, cha mẹ nên đưa bé đi khám:

- Thở khò khè hoặc khó thở.

- Nôn (trớ).

- Nổi ban ở một vài vùng khác nhau trên cơ thể.

Cần xử trí kịp thời cho bé tránh nhiễm trùng.

- Nhịp tim đập nhanh.

- Sưng phù ở môi hoặc cổ họng.

- Ngủ li bì, mất nhận thức, có dấu hiệu bị shock.

- Nốt bị côn trùng cắn có dấu hiệu nhiễm trùng, đặc biệt khi bé gãi vào chỗ da đó; vùng da quanh nốt cắn trở nên sưng và tấy đỏ hoặc bé bị sốt.

Cách xử trí bình thường

Nếu vết đốt trên da bé do côn trùng có vòi (ngòi) như ong và muỗi, có thể dùng móng tay của mẹ, khẽ cậy nhẹ vòi (ngòi) ong (muỗi) còn sót lại trên vết cắn. Tiếp đến, rửa sạch vùng da bị thương của bé với xà phòng và nước. Có thể bọc viên đá vào một chiếc khăn sạch và chườm vào vùng da đau, ngứa cho bé. Hoặc cha mẹ nên dùng kem bôi da chuyên dụng dành cho bé.

Theo M&B/Birth

Mẹo hay khi bị côn trùng đốt

Mỗi khi bị muỗi đốt hay kiến cắn bạn đều phải chịu đựng cảm giác đau đớn, khó chịu. Một vài sơ cứu và những mẹo nhỏ, đơn giản sau đây sẽ giúp bạn nhanh chóng loại bỏ những cảm giác khó chịu đó.

Sơ cứu
Trước khi áp dụng các mẹo vặt sau, khi mới bị côn trùng cắn bạn nên nhanh chóng sơ cứu theo cách dưới đây để loại bỏ được những nọc độc của chúng.

- Đối với vết cắn côn trùng
Đầu tiên hãy nhanh chóng tránh xa khu vực có côn trùng. Sau đó dùng xà bông ( nếu là xà bông diệt khuẩn thì càng tốt) cùng nước rửa vào vùng da bị tổn thương. Có thể lấy đá để chườm vào vùng da này, sẽ đem lại cho bạn cảm giác dịu mát hơn

- Khi bị ong đốt
Vết ong đốt gây đau nhức và nặng nề hơn trong tất cả những loại côn trùng. Dưới đây là một cách xử lý đơn giản và rẻ tiền, bạn có thể áp dụng trong trường hợp vô tình bị ong đốt với những đồ dùng tại nhà.

- Đầu tiên, rửa sạch vùng bị chích bằng nước sạch hay bằng oxy già.
- Sau đó, lấy một cái tô nhỏ và nung 1 thìa canh sô-đa trong đó. Cho thêm một chút nước và trộn đều thành một hỗn hợp nhão.
- Cuối cùng, đắp hỗn hợp này lên vết ong đốt và nằm nghỉ. Khi vết ong đốt đã hết đau, rửa lại bằng nước sạch.

- Nếu bị vài con đốt thì tránh nặn vết đốt, nhẹ nhàng lấy ngòi, chườm đá, tốt nhất là bôi calamin, kem corticoid như cortibion, hydrocortison, betamethason hoặc dexamethason, kem chống dị ứng như phenergan, kháng histamin H1 làm dịu.

Mẹo nhỏ mách bạn

- Nếu bạn là người rất hay bị muỗi đốt, bạn hãy dùng 1 thìa dầu cây oải hương và cây hương thảo trộn lẫn với nhau và thoa lên da trước khi đi ra ngoài.

- Khi bị côn trùng như ong, kiến hay muỗi đốt, bạn hãy dùng nước bọt trộn lẫn với ruột thuốc lá để đắp lên vùng bị sưng tấy cũng rất hiệu nghiệm.

- Hãy dùng viên kháng sinh, nghiền thành dạng bột và đắp lên vùng bị côn trùng cắn, đợt cho tới khi khô, sẽ giúp bạn nhanh chóng giảm được hiện tượng bị sưng phồng.

- Đơn giản bạn chỉ cần dùng nhựa của cây lô hôi, nước soda, tinh dầu tỏi, mật ong, hay dấm để thoa lên vùng da bị tổn thương cũng sẽ đem lại hữu ích.

- Dùng kem đánh răng thoa lên nốt bị côn trùng đốt.

- Trộn lẫn 1 thìa dầu cây oải hương với 1 thìa dầu rau và thoa lên vùng da bị côn trùng đốt.

- Trộn bột ngô với nước và thoa lê vùng da bị tổn thương. Cách làm này có tác dụng loại bỏ được phần lớn chất độc của côn trùng, và cũng giảm cảm giác đau rát, sưng phồng.

- Dùng một miếng bông gòn, thấm nước cốt chanh và thoa đều lên da.

- Bạn cũng có thể thoa rượu lên những nốt côn trùng cắn.- Dùng bùn ướt sạch đắp lên da cho tới khi khô.

- Nên dùng bột yến mạch để tắm sẽ có tác dụng giảm sưng phồng và tấy rát.

- Dùng vỏ chuối để trà xát lên vết cắn của côn trùng.

- Trộn dầu oliu với dấm để thoa lên da.

Cách diệt côn trùng

- Diệt kiến

Vắt chanh tươi vào tổ kiến hay chỗ kiến tập trung hoặc rắc vỏ chanh băm nhỏ lên đó thì đàn kiến sẽ tự tan rã và bỏ đi. Ngoài ra người ta còn rắc lên tổ kiến bã cà phê, bột than củi, phấn rôm hoặc tiêu bột.

- Ve và bọ chét

Trên các con vật nuôi trong nhà có rất nhiều ve và bọ chét. Chúng có thể đốt người và truyền một số bệnh. Do đó, bạn nên dùng các loại xà bông và dầu gội đầu diệt trùng để “tắm” cho vật nuôi. Mùi hương của vỏ cam cũng có tác dụng xua đuổi ve và bọ chét.

- Muỗi

Bạn cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không để ẩm ướt. Có thể phun thuốc diệt muỗi, nhưng nhớ là hãy làm đúng theo chỉ dẫn ghi bên ngoài vỏ hộp. Không dùng nhiều chung vai, bình chứa nước xung quanh nhà. Nên nuôi cá để tiêu diệt bọ gậy và loăng quoăng.

Lưu ý:

Một số mẹo nhỏ trên chỉ có thể giúp bạn trong những tình huống bị côn trùng, kiến cắt nhẹ và những loại ong không có nhiều nọc độc, khi bị đốt ít.

Tuyệt đối không nên tự điều trị nếu bị nhiều nốt côn trùng đốt, với những loại côn trùng và ong được liệt vào danh sách nguy hiểm ( như ong đất, ong bò vẽ, ong rừng...). Thay vào đó hãy nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời được cấp cứu trước khi quá muộn.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
cháu năm nay lên 8 tuổi cháu bị sưng đỏ ở chân trái như bị côn trùng đốt đỏ và rất rộng lan tỏa sau 3 ngày có mủ ra rất nhiều máu đen và mủ xin hỏi bác sĩ cháu có phải bị con gì đốt hay bị làm sao không a
hơn 1 tháng trước - Thích (7) - Trả lời
Trời, chị nên cho bé đi khám ngay để điều trị, không nên chần chừ nữa. Tội nghiệp bé quá!
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý