Hội chứng Cushing

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Hội chứng Cushing

18/04/2015 03:27 PM
343

Hội chứng Cushing là gì? Nguyên nhân gây hội chứng Cushing. Biểu hiện của hội chứng Cushing. Điều trị và phòng ngừa như thế nào.


Nguyên nhân

  • U vỏ thượng thận (u lành hoặc ác tính) một hoặc hai bên.
  • Cường sản vỏ thượng thận một hoặc 2 bên.
  • U tuyến yên (u lành hoặc ác tính thùy trước tuyến yên gây tăng tiết ACTH).
  • Điều trị corticoid liều cao kéo dài.
  • Ung thư nhau thai, ung thư buồng trứng, ung thư tế bào ở phổi, khối u ở đại tràng, u tuyến ức mà bản thân các khối u này tiết một chất giống ACTH (hormon like).

Bệnh tuy có nhiều nguyên nhân nhưng hậu quả là gây cường tiết hormon của vỏ thượng thận, chủ yếu là cortisol, nên lâm sàng chúng ta sẽ gặp bệnh cảnh của hội chứng Cushing ngay khi thăm khám.

Triệu chứng

- Béo phì là triệu chứng thường gặp nhất, bệnh nhân tăng cân nhanh, phân bố mỡ không đồng đều chủ yếu ở mặt làm cho bệnh nhân có bộ mặt “tròn như mặt trăng rằm”, sau gáy có bờm mỡ dưới da trông giống lưng lạc đà, tăng tích mỡ ở ngực, bụng. Ngược lại, chân tay nhỏ, khẳng khiu (mỡ ít tập trung ở vùng này làm cho cơ thể mất cân đối (béo từ mông lên đến mặt, chân tay khẳng khiu). Tuy nhiên có một số trường hợp tăng cân ít hoặc không tăng cân.

- Mụn trứng cá ở mặt, toàn thân.

- Lông nách, lông mu mọc nhiều, ở mặt và toàn thân hệ thống lông cũng phát triển, tóc rậm, đôi khi nữ giới có nhiều ria mép giống đàn ông. Nguyên nhân do tăng tiết nhiều androgen.

- Da khô từng mảng, dễ xuất huyết khi va chạm, vết rạn da màu tím hồng (stria) nằm sâu dưới da, thường xuất hiện ở bụng, dưới vú, mặt trong đùi, ít gặp hơn ở nách và chi trên, mỗi vết rạn rộng khoảng từ 1-2 cm. Đặc biệt các vết xước ở da thường lâu liền do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm.

- Xạm da có thể gặp mà nguyên nhân do tăng tiết kích hắc tố (cường tiết MSH) hoặc gặp ở một số trường hợp ung thư tăng tiết ACTH (hormon like).

- Tăng huyết áp: gặp hầu hết ở bệnh nhân có hội chứng Cushing (chiếm 70-80%) tăng huyết áp thường xuyên, liên tục, cả huyết áp tâm thu và tâm trương, tăng huyết áp lâu ngày nếu không được điều trị tích cực có thể đưa đến các biến chứng mắt, thận, tim, não gây tàn phế và tử vong.

- Uống nhiều, đái nhiều gặp khoảng 10-20% số bệnh nhân có đường máu tăng cao.

- Teo cơ hoặc yếu cơ gốc chi: nguyên nhân của teo cơ do giảm tổng hợp  hoặc tăng dị hoá protit, còn nguyên nhân dẫn đến yếu cơ gốc chi là do hạ K+ máu.

- Đau xương do loãng xương thường thấy ở cột sống, xương sườn và các xương dài, có thể gãy xương bệnh lý ở xương sống hoặc xương sườn, xẹp đốt sống phát hiện được nhờ chụp X quang.
- Tiêu hóa: tăng tiết HCl và pepsin của dạ dày nên thường hay bị loét dạ dày, hành tá tràng (đa toan, đa tiết).

- Hô hấp: do cortisol làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên bệnh nhân dễ bị viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng khó liền, dễ bị nhiễm khuẩn huyết.

- Thận: dễ bị sỏi thận do tăng đào thải canxi qua đường niệu nên dễ gây lắng đọng ở đường tiết niệu dẫn đến sỏi, cơn đau quặn thận có thể gặp.

- Tâm-thần kinh: hay cáu gắt, dễ xúc cảm, bồn chồn, lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, hay quên, có lúc hưng phấn hoặc loạn thần.

- Rối loạn sinh dục: liệt dương hoặc thiểu năng sinh dục ở nam giới; ở nữ có thể gặp rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh.

Điều trị

- Bệnh Cushing ( quá sản thượng thận hai bên do bệnh lý đồi -yên ):

Ngoại khoa:

  • Phương pháp phẫu thuật khối U tuyến yên qua xương bướm là tối ưu nhất. Sau phẫu thuật, chức năng tuyến yên sẽ phục hồi trở lại, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bài tiết hormon CRF phục hồi chậm hơn, khoảng 6 - 36 tháng mới có thể trở về bình thường. Do đó cần phải điều trị thay thế bằng Hydrocortisone.
  • Cắt thượng thận hai bên toàn phần hoặc bán phần.

Tia xạ tuyến yên: Chỉ định trong bệnh Cushing do U tuyến yên. thường phải 06 tháng sau mới có kết quả điều trị.

Nội khoa: Bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật hoặc tia xạ có thể áp dụng điều trị bằng thuốc.

  • Ung thư thượng thận: Phẫu thuật cắt bỏ khối u và phối hợp tia xạ trị liệu.

Phòng bệnh

Không tự mua dùng các thuốc kháng viêm giảm đau không có toa, rõ nguồn gốc (ví dụ: một số bệnh nhân thường hay ra tiệm thuốc Tây khai bệnh và tự mua thuốc giảm đau nhức xương khớp, hoặc thuốc trị cảm ho, sổ mũi, viêm xoang … về uống. Đa phần các loại thuốc kháng viêm, giảm đau mạnh có nguồn gốc từ corticoid. Do đó, nếu dùng một cách tùy tiện không theo sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ, rất dễ gây ra suy tuyến thượng thận và biểu hình Cushing.

- Ngoài ra, trong các loại thuốc gia truyền, thuốc Tàu, thuốc tể, các loại cao (cao hổ cốt …) dùng để trị các chứng bệnh đau nhức xương khớp, hoặc viêm mũi xoang, hen suyễn… vẫn thường trộn thêm Dexa để làm tăng công hiệu.

- Do đó, nếu có bệnh, bệnh nhân không tự ý mua dùng các loại thuốc nêu trên mà nên đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có uy tín.

- Nên dùng thuốc theo toa của bác sĩ.

- Nếu muốn điều trị theo phương pháp y học cổ truyền, thì người bệnh nên đến khám tại các bệnh viện Y học cổ truyền. Lưu ý, không tin theo các thầy lang để dùng các thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần mà rước hoạ vào thân.

- Hiện nay, vẫn có rất nhiều căn bệnh mãn tính cần thiết phải sử dụng lâu dài các thuốc có nguồn gốc từ corticoid để điều trị, ví dụ như: hội chứng thận hư, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống…), hen phế quản… Do đó, nếu đúng là bệnh này rồi, bệnh nhân nên kiên trì điều trị và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ chuyên khoa để được điều chỉnh liều lượng thuốc. Nên nhớ, không nên dùng đi dùng lại toa cũ.

(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý