Bí quyết làm giàu của doanh nhân Việt Nam

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Bí quyết làm giàu của doanh nhân Việt Nam

18/04/2015 04:18 PM
554
Thời gian qua, nhiều doanh nhân thành đạt và nổi tiếng của Việt Nam đã chia sẻ với báo giới những bí quyết làm giàu.


Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết từ chỗ hiểu rõ bản chất của từng ngành kinh doanh, không mấy khó khăn để chớp lấy thời cơ.

Ví dụ, với cao su, cách đây 5 năm, khi cao su chưa đạt giá trị xuất khẩu 6.000 USD/tấn, ông Đức đã bắt đầu trồng và nhìn ra nguồn thu khổng lồ từ ngành này trong tương lai. Hiện nay, với lượng cao su của mình, Bầu Đức ước tính đạt lợi nhuận 653 triệu USD mỗi năm.

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khởi nghiệp với việc buôn đồ điện tử. Một người từng làm ăn với ông thời kỳ đó kể, ông Hiển đã thể hiện sự linh hoạt, nhanh nhạy trong kinh doanh.

Tuy nhiên, bước ngoặt trong sự nghiệp kinh doanh của ông Đỗ Quang Hiển là việc thành lập Công ty T&T đặt tại Hưng Yên, rồi đầu tư vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy với quy mô thuộc loại lớn lúc ấy. Khi đó, thị trường xe máy dù còn rất nhiều tiềm năng song lại có rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Sản phẩm xe máy do T&T sản xuất được tung ra thị trường năm 2003, có tỉ lệ nội địa hóa 90% nhưng giá rẻ chỉ bằng 1/3 xe ngoại. Đánh trúng vào phân khúc xe máy bình dân tại các vùng quê, xe máy T&T làm đến đâu bán hết đến đó.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phát Đạt, ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: "Tôi phớt lờ tin đồn và giữ tinh thần thép để tỉnh táo tìm cơ hội trong khủng hoảng".

Bị tụt hai bậc trong Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam 2011, song ông Nguyễn Văn Đạt khẳng định kinh doanh bất động sản phải có tinh thần thép, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đi xuyên qua khủng hoảng để vượt khó. Năm 2012, ông lựa chọn những dự án bỏ ra ít tiền, thu được nhiều lợi nhuận để tập trung thực hiện.

Trong khi đó, doanh nhân Lý Quí Trung - Giám đốc Điều hành Nam An Group (bao gồm cả chuỗi nhà hàng Phở 24) chia sẻ rằng ông từng thi trượt đại học và phải đi làm phục vụ bàn.

Kinh doanh phở, Lý Quí Trung tạo nên sự khác biệt nhờ 24 gia vị khác nhau trong một tô phở đi kèm với các giá trị dịch vụ, đó là giá bán – phong cách phục vụ cho tới chất lượng của bát phở ở tất cả các cửa hàng trong chuỗi Phở 24 đều phải giống nhau.

Những tính toán của Lý Quí Trung đã phát huy hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của những người lạc quan nhất trong giới kinh doanh ẩm thực.

Chủ nhân của thương hiệu Phở 24 chia sẻ r��ng, trước khi nỗ lực trở thành doanh nhân, các bạn trẻ hãy làm việc để được trải nghiệm và thu lượm càng nhiều kiến thức càng tốt, bởi mỗi người có một thế mạnh và để thành công không nhất thiết là phải làm chủ.


Con đường làm giàu của Đoàn Nguyên Đức, người giàu nhất Việt Nam


1.Cậu bé Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962 (năm Nhâm Dần) từ vùng quê Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định nghèo lắm! Một thời chiến tranh, đạn bom quân thù cày xới trên quê hương thật dữ dội. Năm 1965 cả gia đình cha mẹ di cư lên An Phú, Pleiku, Gia Lai sinh sống. Lúc ấy cậu bé Đức mới lên 3 tuổi. Nhớ về kỷ niệm một thời lam lũ ở quê nghèo, Ba Đức nói: “Nhà nghèo nên đời mình từ khi nhỏ cái gì khổ cũng kinh qua hết”. Gia đình rời quê Bình Định chuyển lên Tây Nguyên cũng làm ruộng, làm thuê nên Ba Đức càng thêm vất vả. Là con trai thứ 3 trong gia đình, một phần lo miếng cơm, manh áo, phần lo gánh gồng gần 10 đứa em lít nhít. Khi mới lên tám tuổi nhưng sáng phải nhịn đói đi chăn bò. Lũ trẻ chăn bò thường chọc Đức là “beo”, vì nhỏ con đen óm. “Hồi ấy nghèo khổ, nhưng mình mê đánh banh lắm!” - Ba Đức kể.

Có lẽ sớm ý thức được chuyện phải thay đổi cuộc đời làm nông nghèo khổ như cha mẹ mình nên ngay từ nhỏ Ba Đức đã cố gắng học tập. Như bao chàng trai thời đó, Đoàn Nguyên Đức mong muốn thi đỗ đại học cho con đường khởi nghiệp và phải đến lần thứ 3 “dùi mài kinh sử” mới đậu. Nhưng rồi “tính khí bất thường” đã khiến sau một năm học ở Đại học Nông Lâm, Ba Đức bỏ đi làm thợ cưa thuê cho một số chủ gỗ, sau đó biết nghề lại quay về nhà mở một xưởng mộc nho nhỏ ở quê chuyên đóng bàn ghế cho học sinh. Một dịp nọ khoảng năm 1991, tình cờ Ba Đức gặp một chuyên gia người Đài Loan đi tìm hiểu thị trường đầu tư kinh doanh mặt hàng gỗ ở Gia Lai và ông ta muốn hợp tác đầu tư liên doanh. Bên người khách Đài Loan cung cấp máy móc, thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật, còn Ba Đức chịu phần sản phẩm gỗ, quản lý lao động sản xuất. Năm 1992, Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Sau bốn năm hợp tác làm ăn với chuyên gia Đài Loan, Ba Đức đã “Thối” lại hết nợ và toàn quyền quản lý khối tài sản máy móc thiết bị nhà máy. Lấy đà đi lên từ đó, Ba Đức mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp…
Giai đoạn năm 1997, trong bước đà đang tăng trưởng đi lên thì Hoàng Anh Pleiku cũng gặp khó khăn chung là Chính phủ cấm xuất khẩu các mặt hàng gỗ, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ lao đao. Trong lúc khó khăn ấy nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ xuất khẩu chuyển nghề nhưng Hoàng Anh Pleiku vẫn duy trì hoạt động của mình nhờ làm chủ được thị trường trong nước. Đúng một năm sau, Chính phủ cho phép xuất khẩu mặt hàng gỗ trở lại, Hoàng Anh Pleiku có điều kiện thuận lợi tung mạnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài và giữ uy tín lớn đến bây giờ. Cũng với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu gỗ, bắt đầu từ những năm 2000, Hoàng Anh Pleiku mở rộng hoạt động kinh doanh như sản xuất đá granit, chế biến mủ cao su, sản xuất bao bì, đầu tư kinh doanh dịch vụ khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản… và chuyển thành Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu từ đây trải dài trên cả nước và đang mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Điều mà Hoàng Anh Gia Lai lợi thế cạnh tranh là tận dụng được ưu thế tác động hỗ trợ giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với nhau. Hoàng Anh Gia Lai đã đạt được giải thưởng Sao Đỏ năm 1999, hàng Việt Nam chất lượng cao 2003, Sao Vàng Đất Việt 2004… Đặc biệt, năm 2001, Ba Đức quyết định đầu tư cho bóng đá với ý nguyện để xây dựng một “thương hiệu” Gia Lai trong tầm nhìn quốc tế. Ba Đức kể: “Có lần tôi đi công tác ở các nơi, có người hỏi Pleiku, Gia Lai có điện không, hay chỉ có rừng, rẫy…?”. Thật khó chịu với những câu hỏi ấy, nhưng sau hai năm đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đạt đỉnh vinh quang các giải trong nước, nhiều người càng hiểu hơn về Gia Lai và điều ấy cũng đã giúp cho thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai trong hoạt động kinh doanh. 
Năm 2008 là thời điểm gặp khá nhiều khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai do thị trường chung đi xuống, đặc biệt là bất động sản, trong khi đó, Tập đoàn phải tập trung vốn để đầu tư vào các lĩnh vực dài hạn. Để vượt qua cái khó, Tập đoàn đã làm một cuộc “đại cách mạng” về giá nhà đất để vực dậy thị trường. Đó là việc hạ mức giá căn hộ Hoàng Anh Riverside (quận 2, TP Hồ Chí Minh) từ 2.500 USD/m2 xuống còn 1.100 USD/m2, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 50%... Theo báo cáo kết quả tình hình kinh doanh tài chính năm 2009, lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai trên 1.700 tỷ đồng. Không chỉ trong nước, Hoàng Anh Gia Lai cũng tài trợ và thi công Làng vận động viên SEA Games 2009 và hướng nhiều hoạt động khá “màu mỡ” ra các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á…
Nỗi khổ người giàu
Năm nay Đoàn Nguyên Đức đang ở tuổi 48, nhưng nhìn người anh già dặn hơn tuổi khá nhiều. Người nhỏ nhắn, ốm chắc và lạnh le chứ không bệ vệ như các giám đốc, đại gia chúng ta thường gặp. Có điều lạ, Ba Đức đi nhiều, giao du nhiều nhưng đặc biệt rất ít ăn nhậu và uống bia rượu. Hình như Ba Đức không có thời gian dành cho quán xá. Với mức lợi nhuận đạt hàng năm khá cao, bất chấp ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, Đoàn Nguyên Đức là một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2009, với giá trị số cổ phiếu mà ông đang nắm giữ ở mức 11.500 tỷ đồng. Thế nhưng gặp anh Ba Đức lúc nào cũng có vẻ như khổ sở lắm, luôn gắn mình trong phong cách của chiếc quần jean, áo sơmi, giày thể thao… Biết tính Ba Đức nên khi được gặp tôi cũng hay “kích”, anh Ba là đại gia mà sao khổ thế. Rồi tôi chỉ những chuyện đại gia làm không giống người khác như câu chuyện mua chiếc máy bay cá nhân đầu tiên tại Việt Nam năm 2008 (chiếc Beechcraft King Air 350), trị giá 7 triệu USD, mỗi tháng anh dành 300 triệu đồng giao Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) lo trọn gói; xây dựng Học viện bóng đá và có lúc đòi mua cả câu lạc bộ Arsenal… Ba Đức cười và bảo anh Ba làm cái gì cũng tính đến chín mười bước chứ không phải một hai bước, tuy nhiên không phải lúc nào sự mạnh mẽ, táo bạo cũng được ủng hộ, sự tiên phong ấy đôi lúc nhận được nhiều lời chỉ trích hơn là hưởng ứng, thậm chí kèm theo đó là hàng loạt những thị phi. Nhưng thực tế nếu không có quyết định táo bạo thì khó thành việc lớn. Tuy nhiên, chiến lược của Hoàng Anh Gia Lai những năm tới tập trung vào 4 ngành mũi nhọn là: bất động sản, khoáng sản, cây công nghiệp và thuỷ điện. Ngay ngày mùng 6 đầu năm anh đã họp kín cả ngày và triển khai nhanh những kế hoạch trong nước và điều quân đi nước ngoài…

Với Đoàn Nguyên Đức, được thua hay danh vị không phải là mục tiêu cuối cùng. Con người anh bôn ba thương trường nhiều năm, thành công có, thất bại không phải ít, nên Ba Đức nghiệm ra nhiều thứ, đặc biệt là chuyện giàu có như anh không hề sướng chút nào. Có lần gặp Ba Đức tôi hỏi, đại gia như anh thì sướng lắm, thiếu gì tiền mà vất vả? Ba Đức cười và bảo: “ Càng là đại gia càng khổ, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hưởng thụ mà phần lớn dồn sức vào công việc”. Phần lớn buổi tối nào cũng 8 – 9h đêm Ba Đức mới ngồi vào bàn ăn. Đi công tác cũng khá bất chợt, đột xuất, không khi nào rảnh đôi chân thoăn thoắt của mình. Nếu tính bình quân, mỗi ngày đi kiểm tra một cơ sở kinh doanh thì Ba Đức phải đi hơn cả tháng trời vẫn không đều khắp trong và ngoài nước. Vậy anh quản lý bằng cách nào cho đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt? Ba Đức trả lời nhanh: “Mỗi nơi tôi đều có cán bộ quản lý tốt nên không cần thị dát tận nơi mà điều hành từ xa là ổn. Hàng tháng, hàng quý mà phát hiện các cơ sở kinh doanh không hiệu quả thì người đứng đầu phải nhận lương thấp, thậm chí sẽ chuyển đổi công tác ngay…”. Ba Đức bảo: “Lợi nhuận của công ty gắn liền với quyền lợi của anh em nên không ai ỷ lại, làm lấy lệ cho xong chuyện mà đều nhiệt tình và sáng tạo. Tôi luôn sòng phẳng với anh em, luôn để lợi ích chung và riêng gắn bó chặt chẽ với nhau”. Người làm việc cho Ba Đức không sợ không công bằng, chỉ sợ anh không giỏi, năng lực yếu kém không trụ được với thời buổi kinh doanh hiện đại này. Vì cơ chế rõ ràng, sòng phẳng và ưu ái cho người làm tốt nên phần lớn những người “đầu quân” cho Ba Đức đều nhiệt tình và giỏi. Đã giỏi, làm tốt thì Ba Đức gắn nhanh cho quyền lợi nhất định. Ngoài lương, thưởng hàng tháng còn có cả những chiếc phong bì riêng, được tạo điều kiện mượn vốn mua ôtô, xây nhà… vì thế nên Ba Đức luôn giữ chân được những người tài giúp mình.

Ba Đức luôn tâm niệm, Hoàng Anh Gia Lai “phất” lên và giữ được “phong độ” trong cơ chế kinh doanh mới là nhờ biết dùng và trọng dụng những người tài. “Vậy có người cho rằng, giàu có bây giờ là nhờ buôn gian, bán lận, Ba Đức nghĩ sao?”. Nghe câu hỏi của tôi, Ba Đức cười và bảo: “Bây giờ cuộc sống xã hội, dân trí ngày càng cao, pháp luật cái gì cũng rõ như ban ngày không giấu đút, che đậy được đâu, làm ăn gian lận thì giàu nhanh nhưng chết cũng nhanh”. Vì vậy nên Ba Đức luôn nghĩ rằng, khó lắm mới gây dựng được cơ đồ như hôm nay, đã thành danh rồi thì dại gì đánh đổ nó đi mà làm bậy. Trong cuộc sống kinh doanh, tranh giành thị trường chỉ cần sơ xuất một chút là dễ gặp tai hoạ. Ba Đức đã từng gặp chuyện ấy, từng đau khổ vì chuyện cạnh tranh không lành mạnh ấy thấm thía lắm.

Bên chuyện kinh doanh, bóng đá là thứ mà Ba Đức mê nó như lẽ sống riêng của tâm hồn mình. Nhưng cũng quanh chuyện bóng đá, có lẽ Ba Đức cũng không giấu được lỗi buồn. Câu chuyện bầu Đức bị đề nghị khởi tố có lẽ mãi là một câu chuyện, một bài học mà cả đời Ba Đức thấm thía, đau đớn. Nhớ chuyện hôm ấy cả phố núi, rồi cả trong và ngoài nước râm ran không ngớt chuyện bầu Đức bị đề nghị khởi tố. Hàng chục ngàn công nhân của Hoàng Anh Gia Lai cũng bất ngờ và mất ăn, mất ngủ. Trong mỗi cuộc chơi bao giờ cũng có sự trả giá, cái gì quá trớn cũng sẽ ân hận. Ba Đức tâm niệm rằng kinh doanh phải biết tính lời, lỗ, nhưng đạo đức kinh doanh sẽ giúp anh đi dài và xa hơn. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đang vang xa cả thế giới hôm nay không phải ngẫu nhiên mà phải nói là trải qua một quá trình xây dựng từng “viên gạch” một.

Tôi hỏi Ba Đức, người ta thường nghĩ rằng là đại gia phải biết ăn chơi và có sự đam mê những điều xưa nay thiên hạ hay nhắc đến với người giàu có như cờ bạc, trai gái…? Ba Đức cười bảo: “Trời cho tôi cái tính không đam mê những thứ ấy, nếu có chắc chết lâu rồi” (cười). Cuộc đời có lắm nỗi đam mê, cám dỗ tầm thường nếu mình không giữ, không tránh được thì chết. Triết lý của đạo Phật cũng đã chỉ ra cho chúng ta, con người khổ là vì lòng tham, sân si… lòng tham vô đáy sẽ tự đánh mất mình và làm khổ mình.
Ba Đức quan niệm, làm doanh nghiệp không chỉ đóng góp cho quốc gia bằng nguồn nộp thuế mà phải làm rạng danh cho quốc gia, dân tộc bằng cả thương hiệu, sự uy tín và lớn mạnh của mình… Quốc gia có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân làm ra của cải vật chất nổi tiếng thì quốc gia ấy sẽ trở nên cường thịnh, giàu có và lớn mạnh. Hy vọng rằng, đất nước Việt Nam chúng ta ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp làm nên sự nghiệp lớn bằng trái tim và khối óc chân chính của mình để giúp ích cho quê hương, đất nước.


Các doanh nhân châu Á làm giàu bằng cách nào:


Doanh nhân hàng đầu châu Á là ai, bí quyết thành công của họ là gì? Tuần báo TIME ấn bản châu Á vừa có loạt bài giới thiệu các doanh nhân có đóng góp lớn trong 60 năm qua.

Từ những thanh niên nghèo khó ở các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh và thù hận, họ đã vươn lên trở thành những doanh nhân tầm cỡ trên thương trường thế giới, không chỉ có tài sản hàng tỉ đô la mà còn tạo công việc làm và cuộc sống cho hàng triệu người. Bí quyết của họ là gì?

Đối với ông Li Ka-shing, người Hồng Kông giàu nhất châu Á với tài sản 18 tỉ đô la Mỹ, nhạy bén trong kinh doanh có lẽ là phẩm chất hàng đầu. Ông cho rằng quan trọng nhất là bán cái người ta cần, mua cái người ta bỏ đi, nhưng phải chọn đúng thời điểm với tầm nhìn xa. Từ một nhà máy nhựa và 30 năm kinh nghiệm, năm 1979 ông thâu tóm Công ty Hutchinson Whampoa của Anh tại Hồng Kông lúc đó đang thua lỗ trầm trọng. Ông đã biến Hutchinson Whampoa thành một tập đoàn đa ngành, kinh doanh từ cảng biển, bất động sản, bán lẻ đến viễn thông; lĩnh vực nào cũng thành công.

Năm 1991, ông mua Công ty Dầu mỏ Husky Oil của Canada và chịu lỗ nhiều năm, bây giờ khi giá dầu cao ngất ngưởng thì nó trở thành con gà đẻ trứng vàng. Năm 1999, ông bán Công ty Điện thoại Orange cho tập đoàn Mannesmann của Đức, thu về 14,6 tỉ đô la lợi nhuận và chỉ một năm sau, sự suy thoái của các công ty viễn thông đã chứng tỏ ông dự đoán đúng. Thành công của ông Li còn do sự ủng hộ của công chúng vì ông làm ra tiền không chỉ cho riêng mình mà còn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ; họ tự hào về ông - một doanh nhân địa phương đã có khả năng đánh bại những ông lớn ngay trong kinh doanh quốc tế. Năm nay 78 tuổi, ông Li quyết định dành một phần ba tài sản cho quỹ từ thiện, trở thành nhà từ thiện rộng rãi nhất châu Á.

Năm 1944, một sĩ quan trẻ trong hải quân Hoàng gia Nhật cùng một kỹ sư nhỏ hơn mình 13 tuổi làm việc cho một dự án về vũ khí. Chiến tranh kết thúc, nước Nhật tan hoang, hai người hợp tác cùng nhau xây dựng một thương hiệu mang tính biểu tượng về phép lạ kinh tế Nhật Bản. Thiên tài của Akia Morita và Masaru Ibuka- hai người sáng lập Sony, là nhận biết đâu là sản phẩm mà xã hội cần vào lúc nào đó. Radio dùng transistor, máy ghi âm, ti vi màu, máy nghe nhạc bỏ túi… - mặt hàng nào của Sony cũng gây sốt trên thị trường toàn cầu và mở đường cho các doanh nghiệp khác noi theo. Sự nhạy bén kinh doanh của Akia cộng với tài năng công nghệ của Masaru là cốt lõi đằng sau thành công của Sony cho đến tận bây giờ dù hai ông đã tạ thế.

Cũng trong lĩnh vực điện tử, Stan Shih của hãng Acer (Đài Loan) đưa ra một ý tưởng sản xuất mà nhờ đó chiếc máy vi tính cá nhân (PC) chỉ có giá 1.000 đô la thay vì 10.000 đô la. Phương pháp của ông là tối ưu hóa dây chuyền cung cấp linh kiện; mỗi công ty thay vì sản xuất toàn bộ chiếc máy tính thì chỉ chuyên sản xuất một số loại linh kiện nào đó theo những tiêu chuẩn công nghệ nghiêm ngặt - nhà sản xuất cuối cùng chỉ việc lắp ráp các linh kiện vào nhau. Năm 1986, Acer đưa ra thị trường chiếc máy PC sử dụng bộ xử lý Intel 386 chỉ một tháng sau Compaq, nhưng là công ty đầu tiên sản xuất bằng cách “lắp ráp”.

Stan Shih không chỉ tạo ra một thương hiệu máy tính toàn cầu mà còn kích thích sự bùng nổ công nghiệp điện tử của Đài Loan - nơi sản xuất và cung ứng phần lớn linh kiện cho các công ty máy tính toàn thế giới - và đem lại cảm hứng cho một thế hệ các nhà kinh doanh Đài Loan. Cũng người Đài Loan, chàng sinh viên Đại học Stanford, Jerry Yang khởi sự một ý tưởng đơn giản là lập thư mục tất cả các trang web để giúp sinh viên dễ tìm tài liệu tham khảo trên mạng. Thế là Yahoo! ra đời năm 1995. Nhìn thấy triển vọng lớn lao từ ý tưởng đơn giản này, hãng truyền thông khổng lồ America online đã đặt giá mua Yahoo! song Jerry Yang từ chối. Thay vì vậy, anh vay tiền của quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển sáng kiến của mình; bây giờ thì với doanh số hàng năm 6 tỉ đô la, Yahoo! đã là “ông khổng lồ” trên Internet.

Không đi vào lĩnh vực công nghệ cao, năm 1958 Momofuku Ando, người Nhật sinh trưởng ở Đài Loan, khởi nghiệp trong cái bếp sau nhà ở Osaka bằng một sản phẩm đơn giản: mì ăn liền. Lúc đầu, mì ăn liền bị coi là món ăn xa xỉ, không có khả năng cạnh tranh với thức ăn tươi vừa phong phú vừa rẻ tiền. Nhưng Ando tin rằng thế giới có hàng triệu người lao động mỗi ca chỉ có 10 phút nghỉ ăn cơm, hàng triệu nhân viên văn phòng phải làm việc qua trưa hoặc suốt đêm... họ chính là khách hàng mà ông hướng tới. Để thêm thuận tiện, năm 1961 Ando cho ra đời loại mì đựng trong tô giấy. Và dự báo của ông thật chính xác; năm 2005 nhân loại tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền; bình quân mỗi người tiêu thụ mỗi tháng một gói mì ăn liền! Từ tô mì đầu tiên trong gian bếp của Ando năm 1958 đến 85 tỉ gói mì bây giờ là con đường dài nhưng thật ấn tượng của một ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh.


(St)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
em muon kinh doang nhung chua biet kinh doanh mat hang nao bay gio cho nhanh giau
hơn 1 tháng trước - Thích (1) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý