Chăm con

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Chăm con

18/04/2015 10:39 AM
167


I. SỰ CHĂM SÓC CỦA CHA

Người cha trong gia đình sẽ trở thành một người phụ giúp chính trong nhiều công việc nhà. Có một số ông chồng ngay lập tức tự mình thấy có trách nhiệm chăm sóc vợ và con, nhưng lại cũng có một số người cần được chỉ vẽ cho những công việc như thế.

Trong thời gian này, điều bạn cần từ người bạn đời hơn bất kỳ thứ nào hết là sự hiểu biết, sự cảm thông và sự nhiệt tình sẵn lòng điều chỉnh công việc thường nhật của anh ấy để hoà hợp với bạn và bé sơ sinh. Cả hai vợ chồng cần thảo luận nghiêm túc trước ngày sinh. Bằng không chồng bạn sẽ thấy khó mà thích ứng và còn cảm thấy bị quên lãng cũng như không đủ năng lực hoàn thành công việc hoặc không được bạn quan tâm và yêu thương.

Bạn cũng có lợi khi chia sẻ công việc nhà với chồng. Điển hình như anh có thể lo liệu việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ và giặt giũ để bạn rảnh rỗi tập trung chăm sóc bé và bản thân. Hoặc đơn giản là các bạn chia nhau mọi công việc nhà.

II. SẮP XẾP CÔNG VIỆC CHĂM SÓC BÉ

Vào các tuần cuối của thai kỳ, cả hai vợ chồng nên dành thời gian bàn bạc và đặt kế hoạch cho các công việc thường nhặt trong gia đình một khi bạn từ bệnh viện phụ sản trở về cùng với bé trong tay. Nếu chồng bạn có khả năng và có ý muốn đảm đương toàn bộ công việc thì bạn sẽ không phải bận tâm với các khó khăn đang chờ bạn, nhưng nếu không thì bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của người nào đó, nhất là trong vài tuần lễ đầu tiên.

Những ngày đầu tiên nuôi con sẽ khó hơn là bạn vẫn tưởng. Đau bụng và sinh nở là việc tiêu hao sức lực và cảm xúc; bạn sẽ có cảm giác là mình còn rất ít năng lượng dự trữ trong cơ thể và rất mệt mỏi. Một khi bạn đã về nhà cùng với bé, bạn sẽ thấy các công việc hay hoạt động bắt buộc phải xong tiếp nối nhau hết cái này đến cái kia không dứt, và bên cạnh tất cả các công việc này, bạn vẫn đang phải học cách làm mẹ. Ngay cả khi đã đọc qua mọi cuốn sách nói về trẻ em rồi, bạn vẫn nhận ra rằng việc chăm sóc bé không tuân thủ theo một lịch trình hay một kế hoạch cơ bản nào cả, và vì thế bạn buộc phải để toàn bộ cuộc sống của mình xoay quanh hoạt động thường nhật của bé. Việc cố gắng áp đặt nề nếp cho bé chỉ tạo ra cho bạn nhiều công việc hơn thôi. Bạn cần phải dẫn dắt công việc theo bé. Về chuyện ngủ, bạn cần phải ngủ mỗi khi bạn có thời gian để ngủ - các trẻ mới sinh không biết được thế nào là đêm, thế nào là ngày và vì thế chúng cần đến sự lưu tâm của chúng ta đêm cũng như ngày.

Trong suốt những tuần lễ đầu ở nhà cùng với bé, bạn nên cố gắng nhờ ai phụ cho một tay trong công việc nhà, hoặc chỉ đơn giản giảm bớt đến mức tối thiểu công việc làm vừa đủ cho đến khi nào bạn quen với lịch trình của bé.

III. NHỮNG NGUỒN GIÚP ĐỠ

Nếu bạn không muốn bị kiệt sức, thậm chí còn bị trầm cảm và hay buồn khổ, thì bạn nên nhờ người giúp đỡ, tối thiểu là một vài ngày đầu tiên; và nếu có thể được thì tỏng một tuần hoặc hơn nữa là tốt nhất. Bạn đừng nên ngần ngại khi hỏi người khác hoặc nhận sự giúp đỡ. Nếu bạn quá e dè, bạn sẽ hối hận đấy, vì nhận được sự giúp đỡ của người khác không làm cho bạn bớt đi thiên chức làm mẹ đâu. Giải pháp tối ưu cho bạn là điều chỉnh cuộc sống theo sự giúp đỡ của người khác để mọi việc ăn khớp với nhau, theo cách này, tối thiểu là bạn có thể bảo đảm được thời gian nghỉ ngơi và lưu tâm đến việc ăn uống của mình nhiều hơn.

1. Gia đình và bạn bè

Mẹ ruột và mẹ chồng của bạn rất có thể là những người bạn tin tưởng nhất trên cõi đời này trong việc chăm sóc bé. Hai bà đã từng có con và có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ em, do vậy họ sẽ giúp bạn được nhiều điều cũng như cho nhiều lời khuyên quý báu. Vậy, bạn nên nhờ một trong hai người mẹ của bạn hoặc một người bà con thân thuộc nào đó biết uyển chuyển trong công việc và có thời gian đến ở nhà bạn lúc bạn sắp sửa sinh. Như thế, bà sẽ tự sắp xếp để đến ở nhà bạn, và sẵn sàng đón bạn ngay lúc bạn trở về với bé trên tay.

Một người phụ giúp như thế thật vô giá. Bạn sẽ cảm thấy tin tưởng rằng công việc nhà đang diễn tiến một cách rất bình thường. Bà sẽ điều hành tất cả và để ý giúp bạn các bữa ăn, việc giặt ủi, đi chợ. Điều này cũng giúp cho chồng bạn vơi đi một số trách nhiệm của mình, do đó cả hai vợ chồng đều có thêm nhiều thời gian để ý đến bé. Hơn nữa nếu người ấy đã có gia đình và có con thì bà ta sẽ cho bạn rất nhiều thông tin và lới khuyên hữu ích.

2. Người vú em

Người vú em có thể ở luôn tại gia đình bạn hoặc ngày nào cũng đến giúp việc. Nếu bạn quyết định sẽ nhờ người làm vú em, hãy cố gắng sắp xếp cho bà ấy ở chung với gia đình trước khi con bạn chào đời. Điều này rất hay vì bạn và bà vú sẽ tìm hiểu lẫn nhau. Khi gia đình có một trẻ sơ sinh đó là một sự kiện gian lao cho nên có thêm được một bà vú quen với nếp sống thường ngày là điều quan trọng đối với bạn. Bạn cũng nên có một niềm tin vững vàng vào khả năng của người giúp việc và cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy mối dây liên hệ của bà với con mình.

Bạn có thể tìm thấy một người vú em qua sự giới thiệu, quảng cáo hay một tổ chức đáng tin cậy, và thà rằng bạn sẽ phải trả một số tiền hoa hồng cho dịch vụ giới thiệu để tìm đúng được người vú có kinh nghiệm, hoặc đã qua huấn luyện còn hơn là bạn thuê một người không biết nhiều hoặc làm rất ít, khiến bạn bị phiền hà.

Dù bạn thuê người vú ra sao, điều quan trọng là bạn phải gặp và nói chuyện với người ấy tối thiểu hai lần trước khi thuê người ta, cũng như tham khảo kỹ thông tin từ những người quen biết bà ấy và dễ cho bạn quyết định nhờ hay không nhờ. Lần đầu khi gặp người ấy bạn có thể nói chuyện trong khi cùng uống trà hay dùng cơm, hoặc rủ bà ấy cùng đi mua đồ với bạn. Lần sau vào một dịp khác, bạn có thể chính thức hỏi han người ấy chi tiết, kỹ lưỡng hơn để nắm rõ nhiều thông tin về người bạn muốn nhờ. Trước khi đưa ra quyết định sau cùng bạn và chồng nên trao đổi ý kiến với nhau vì các bạn có thể sẽ thấy được nhiều mặt khác nhau về tính tình người ấy trong lúc bàn bạc.

Sau khi đã đồng ý thuê người giúp việc, bạn hãy soạn một bản hợp đồng làm việc, trong đó miêu tả công việc chính và trong đó có bao gồm tất cả công việc bạn muốn bà đảm nhiệm. Người vú em này nên thử việc trước xem có phù hợp với công việc không. (Đây chỉ là ý kiến để bạn tham khảo, ở Việt Nam ta không nhất thiết phải viết hợp đồng như thế khi thuê người làm, nhưng tất nhiên cũng phải có cách giao hẹn). Nên nhớ rằng bạn là chủ và như thế bạn phải có trách nhiệm với bà ấy vì bà có quyền được làm việc và hưởng lương như một người lao động bình thường khác ngoài xã hội.

3. Giúp việc để được nuôi con

Đây là chuyện thường gặp ở nước ngoài. Những phụ nữ trẻ (đôi khi cũng có thanh niên) từ nước khác đến giúp việc. Những người này giúp bạn và đứa con bạn để có được một phòng ở trọ và thường lương của họ khá thấp. Thuê họ làm việc không tốn nhiều tiền như thuê người vú em nhưng đa số họ không qua huấn luyện chăm sóc trẻ em và chỉ nói được một chút ít tiếng nước sở tại. Một người giúp việc như vậy thường được đối xử như một thành viên trong gia đình chứ không công bằng với người làm công. Chúng ta không nên (và cũng không công bằng với người đó) để cô ta một mình trông nom bé trong một thời gian dài. Bổn phận duy nhất của người này là trông em và làm những công việc nhà nhẹ nhàng. Bạn cũng nên cho người này có thời gian đi học, giao lưu với các bạn trẻ kháccũng như có cuộc sống ngoài xã hội bình thường, và bạn nên biết đó cũng là một phần lý do họ đến sống chung với bạn.

IV. TRƯỜNG HỢP THAM KHẢO

Hoa đã quyết định tiếp tục làm việc khi có đứa con thứ hai. Vì thế, chị buộc phải giải bài toán rắc rối trong việc sắp xếp tất cả các hoạt động trong cuộc sống của chị lại cho khớp với nhau, bao gồm: thời gian đi làm, lúc về nhà, chăm sóc con cái, lo cho gia đình và chăm sóc sức khoẻ cho riêng mình. Chị muốn thành một người đảm đang và đứa con nhỏ của chị được ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ kế hoạch.

1. Tình hình công việc của chị hoa

Tất cả đồng nghiệp và cấp trên của Hoa đều là đàn ông. Chị sợ họ sẽ phật ý về việc chị nghỉ dài ngày trước hoặc sau khi sinh. Tôi đã khuyên chị nên báo với cấp trên là chị đã có thai và nên định với họ một thời gian nào đó trong vòng 3 tháng tới để cùng bàn tính khi nào chị có thể nghỉ được và khi nào chị có thể đi làm lại. Tôi cũng khuyên chị nên bảo đảm việc ăn uống của mình để có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng mà chị cần để tiếp tục làm việc trong khi đứa con trong bụng tiếp tục phát triển. Chị cũng sẽ cần nghỉ ngơi thêm và do đó, nếu có thể được, chị nên ngủ trưa vào mỗi đầu giờ chiều hay là tối thiểu nghỉ ngơi đôi chút với đôi chân gác lên cao (do phải ngồi làm việc lâu).

2. Khi nào thôi việc?

Không bao giờ có hai kỳ thai nghén giống nhau, vì vậy Hoa không thể biết trước được lần này chị sẽ ra sao. Tôi khuyên chị không nên tiếp tục làm việc quá tuần thứ 32 của thai kỳ, tuy vậy, chị vẫn có thể sắp xếp để tiếp tục làm việc nếu chị cảm thấy còn khoẻ.

3. Khi nào đi làm lại?

Đây là quyết định phức tạp hơn, vì có quá nhiều vấn đề cần được cân nhắc. Chu kỳ kinh nguyệt của Hoa chỉ mất 3 tháng để trở lại mức bình thường trong khi cơ bắp và các cơ quan nội tạng cần thời gian lâu hơn. Tiến trình tổng cộng phải mất một năm. Hoa buộc phải lập kế hoạch đặc biệt để cho con bú nếu chị muốn đi làm lại trước khi con chị được 4 tháng tuổi. Bởi chị muốn cho con bú sữa mẹ nên phải năm sữa ra để sẵn trong tủ đông. Hoa sẽ cần có thời gian để dự trữ sữa của mình, rồi sau đó cần thêm 6 tuần nữa để con của chị làm quen với việc bú bình.

Tôi đề nghị chị có thể chọn một ngày tạm thời để chị trở lại làm việc, dặn chị ghi nhớ là cơ thể chị có thể khác đi sau khi sinh song và chị nên hỏi ý kiến bác sĩ khi sắp đến ngày đi làm lại.

4. Chọn một người chăm sóc bé

Khi chọn một người chăm sóc bé, chị sẽ cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng các lựa chọn có sẵn, thí dụ các nhóm trẻ gia đình, người giữ em, người vú em làm ban ngày, cho tới khi nào chị tìm ra được một người chăm sóc thích hợp nhất cho bé.

5. Thu xếp thời gian

Một khi chị đã đi làm trở lại đồng thời phải hoàn thành đủ các việc coi sóc nhà cửa, săn sóc gia đình và nuôi bé sơ sinh, Hoa khi ấy sẽ cảm thấy rằng thì giờ quả thật rất quý giá và cảm thấy rằng thì giờ quả thật rất quý giá và cảm thấy chị không đủ thời gian lo liệu hết các công việc.

Hằng ngày chị phải có một khoảng thời gian ở riêng với em bé và Dũng - đứa con trai đầu lòng của chị - cũng cần được trấn an nhiều trong giai đoạn này. Phương cách tốt nhất cho Dũng là dành cho nó một ít thời gian ở riêng cùng chị để nó không cảm thấy bị bỏ quên. Hoa còn muốn dành thời gian cho chồng mình, anh Phúc, để tình vợ chồng vẫn êm đềm tốt đẹp. Ngoài ra, chị và Phúc, lúc có cũng như không có các con, cũng muốn dành thời gian cho chính mình, ngay cả chỉ cần một tuần được rảnh một giờ thôi. Có rất nhiều bà mẹ cảm thấy mình có lỗi khi dành thời gian cho riêng bản thân, nhưng thật ra việc đó rất cần thiết để người mẹ được thư giãn và hạnh phúc.

6. Định ra một nề nếp thường nhật

Tôi nói rằng Hoa sẽ cảm thấy đỡ bị bối rối hơn và những người còn lại trong gia đình cũng sẽ cảm thấy sung sướng hơn nếu ngày giờ của họ được quy định rõ ràng. Thí dụ: thời gian của Hoa dành cho bé là khi đi làm về. Chị có thể nhờ Phúc hoặc con trai đem cho mình một ly nước mát, và để chị thoải mái một thời gian ngắn. Sau đó, họ để Hoa ở lại với bé rồi đi chỗ khác. Thời gian của chị đặc biệt dành cho đứa con trai lớn là giờ đi ngủ, lúc ấy có thể chi đọc truyện cho nó nghe và lắng nghe con mình kể lại chuyện trong ngày của nó. Sau đó, chị và Phúc có thể cùng nhau dùng bữa tối và trò chuyện trước khi bé đòi bú cữ ban đêm.

7. Nặn bớt sữa ra

Yếu tố chính để duy trì được một nguồn sữa mẹ tốt là lấy bớt sữa của chị ra, một là bằng cách cho bé bú, hai là nặn bớt sữa ra. Nguồn sữa tồn trong hai vú sẽ làm tiết chế việc sản xuất sữa và nguồn cung cấp sữa đó cũng nhanh chóng bị giảm đi. Hoa cảm thấy chắc chắn sẽ có đủ nguồn sữa để chị có thể nặn bớt ra một số, ngay sau khi đã cho bé bú để chị có thể từ từ trữ được đủ lượng sữa dùng cho lần sau.

8. Tại cơ quan

Chị thấy căng sữa hai lần trong ngày, vì vậy chị phải dành thời gian để nặn bớt sữa ra khi làm việc tại sở.

Hoa nói với tôi chị dự định dùng dụng cụ vắt sữa và mặc dù trong công ty của chị toàn là nam giới, nhưng cũng có một phòng vệ sinh với tiện nghi dành cho nữ để chị có thể vào đó mà nặn lấy sữa của mình, rồi sau đó cho vào tủ lạnh của công ty đến khi chị về nhà vào buổi chiều tối. Như vậy có một số vấn đề chị cần lưu ý: các bình chứa sữa đều phải được khử trùng và sữa không thể giữ quá 48 tiếng trong tủ lạnh (nếu chứa trong tủ đông thì được hơn 6 tháng).

Trong lúc Hoa suốt ngày làm tại sở, người chăm sóc bé có bổn phận rã đông số sữa của chị nặn ra mỗi ngày. Để nhanh chóng rã đông, ta có thể ngâm bình sữa trong nước ấm cho sữa trở lại nhiệt độ bình thường. Lượng sữa dư ra cần được đổ đi chứ không nên cho bé dùng lại.

9. Con của Hoa

Khi người mẹ đang đi làm thì bé cũng sẽ phải tự điều chỉnh cho hợp với nề nếp hằng ngày.

Bé sẽ được bú bình (sữa này Hoa đã nặn sẵn trước cho bé). Bé sẽ thấy dễ bú bình hơn nếu bé làm quen với cách này trước khi bé được 5 tuần tuổi.

Nếu bé cứ từ chối không chịu bú bình, hãy thay núm vú khác cho bé.

Sáu tuần trước khi Hoa đi làm trở lại, bé sẽ không được bú mẹ ban ngày. Từ lúc ấy trở đi, mỗi lần bé bú vào ban ngày, bé sẽ được bú bằng bình cho đến khi quen được với cái bình sữa.

Bé cũng sẽ chấp nhận một người lạ chăm sóc cho bé suốt ban ngày trong lúc mẹ bé làm ở cơ quan.

Bé sẽ quen thuộc với người chăm sóc bé, người mà từ lúc này sẽ trở nên quan trọng trong cuộc sống của bé. Nhưng cũng không ảnh hưởng đến mối dây ràng buộc của bé với cha mẹ của mình.

Thời gian mà bé thích thú nhất là lúc Hoa đi làm về, lúc đó ngực mẹ bé đang căng đầy sữa và bé sẵn sàng được thưởng thức nguồn sữa thật ấm áp từ cơ thể của mẹ.

Bé sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mẹ bé suốt đêm ở với bé và sẽ rất tỉnh táo vào ban đêm.

10. Ngủ cho đủ

Ngủ cho đủ giấc vào ban đêm là một trong những ưu tiên hàng đầu của bạn trong giai đoạn cuối thai kỳ.

Mặc dù rất muốn ngủ đủ 8 giờ đồng hồ ban đêm, nhưng bạn cũng có thể bị chứng mất ngủ gây bực dọc bởi vì trong khi biến dưỡng của cơ thể bạn bị chậm lại thì sự biến dưỡng của thai nhi cứ tiếp tục diễn ra suốt đêm. Nếu bạn không ngủ được, hãy thử một số phương pháp để giảm bớt đi sự khó chịu này.

Tắm bằng nước ấm (không phải nước nóng) trước lúc đi ngủ sẽ giúp cho bạn được thư giãn và sau đó khiến bạn buồn ngủ và hết căng thẳng.

Một món uống nóng có thêm sữa (hoặc sữa nóng) cũng giúp bạn dễ buồn ngủ. Bạn cũng nên đọc sách, nghe nhạc nhẹ hoặc xem các chương trình dở tệ trên ti vi để gây buồn ngủ.

Hãy tập hít thở sâu hoặc thực hành các bài tập thể dục giúp thư giãn. Tất cả đều là những bài trị liệu rất có hiệu quả cho chứng mất ngủ. Do đó hãy chọn cho mình một bài tập đáng tin cậy để thực hành trước giờ ngủ.

Thay vì trằn trọc mãi mà vẫn chưa ngủ, hãy thức dậy và tìm cái gì đó để làm, chẳng hạn hoàn tất mọi việc gì đó đang làm dở dang hoặc dọn dẹp căn phòng của bé lại cho gọn gàng.

Nếu vẫn còn nhiều điều bận tâm khiến bạn không tài nào chợp mắt được, hãy tưởng tượng ra từng điều một, vẽ hoặc viết vào một mảnh giấy, sau đó vò nát và quẳng đi.


V. CHĂM CON LỚN KHI CÓ ĐỨA THỨ HAI

1. Tại sao phải chăm con lớn?

Bất cứ đứa trẻ nào đã được hưởng sự quan tâm trọn vẹn của cha mẹ trong một thời gian dài, chẳng hạn cả năm trời hợc hơn, đều sẽ trải qua điều mà các nhà tâm lý học về trẻ thơ gọi là "sự truất ngôi" của trẻ khi em của nó ra đời. Điều này không đơn giản là trẻ phải xuống hàng thứ nhì hoặc chịu đựng việc ít được cha mẹ quan tâm hơn trước đây, mà chính là cảm giác bị mất chỗ và bị bỏ rơi. Hầu như tất cả các trẻ em mới biết đi chập chững đều có một cảm giác sâu sắc là không còn được bố mẹ thương nữa khi đứa em chào đời. Người ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy sự xáo trộn tâm lý hiện rõ trong cách cư xử của chúng.

Việt ra đời của một đứa bé sẽ làm anh hoặc chị của nó bị hụt hẫng khi mất ngôi vị hạng nhất của mình. Từ việc được xem là cục cưng và được chăm chút từng tí một mà nay không còn gì cả. Trong thâm tâm, đứa trẻ sẽ cảm thấy việc mất thứ hạng này rất nặng nề, và lẽ dĩ nhiên nó sẽ phản ứng lại theo kiểu trẻ con là vận dụng tất cả mọi cách mà nó nghĩ ra để giành lại tình thương và sự quan tâm của bố mẹ.

Kết quả có thể là "sự thụt lùi", tức là việc lùi lại thời gian hạnh phúc trước kia, lúc mà nó không biết ăn một mình, hoặc lúc tã bị bẩn hoặc đẫm nước tiểu cần được thay ngay, hoặc là lúc trước khi bập bẹ tập nói.

Mặc dù việc này diễn ra dưới mắt người lớn như là một sự chống đối, nhưng bạn phải hiểu rằng một đứa trẻ nhỏ như vậy không thể làm gì khác hơn. Do đó, bạn hoặc cha của bé sẽ rất sai lầm khi trừng trị hay đánh đập bé bởi những hành động như vậy. Thật ra, ta phải làm ngược lại vì điều đó rất cần thiết - cha mẹ nên dành thêm thời gian riêng cho con, chăm sóc con một cách đặc biệt, khen thưởng cho con lúc nó làm điều gì tốt, và để ý nhiều đến thể chất của nó, vuốt ve âu yếm con và chọc cho con cười, cùng đùa giỡn vui vẻ.

Bạn đã biết cách đứa con lớn của mình phản ứng với sự hiện diện của em nó ra sao, thì có thể lập kế hoạch chuẩn bị để giúp cháu dịu đi và vượt qua thời gian đầy khổ sở này của cháu.

2. Những cách chuẩn bị tâm lý cho con lớn

Cho cháu lớn tham dự vào việc mẹ sắp sinh em bé

Bạn nên thành thật với con mình ngay lúc đầu. Hay nói cho bé biết bé sẽ có một đứa em gái hay một đứa em trai bé tí tẹo. Bạn cũng có thể gợi ý bé đặt tên cho em và khi nói chuyện với bé hãy nhắc đi nhắc lại cái tên này.

Bạn cũng nên khuyến khích bé đặt tay lên bụng bạn để bé thấy em đạp trong bụng của mẹ như thế nào. Bạn cũng có thể nói với bé rằng em rất thích được nghe giọng nói của bé và hãy áp sát bé vào bụng bạn để bé nói chuyện với em, ca hát cho em nghe. Đây không phải là nói cho vui vì bé trong bụng đang phát triển sẽ nhớ được những giọng nói chung quanh nó. Do vậy khi đã được nghe giọng nói của anh chị một cách đều đặn trong suốt thời gian còn ở trong bụng mẹ thì lúc chào đời, bé sẽ đáp ứng với các giọng cười nói ấy ngay lập tức. Có một cách để giúp cho đứa con lớn của bạn hiểu được những gì đang diễn ra trong bụng mẹ mình tháng này qua tháng khác là về các bức tranh mô tả những gì đang xảy ra trong cơ thể của bạn một cách đơn giản nhưng rõ ràng. Theo từng bức tranh, hãy chỉ cho con xem, đứa em trong bụng đang phát triển ra sao, rồi dán các bức vẽ ấy lên tường ngang tầm nhìn của con để bé có thể dễ dàng theo dõi. Bạn cũng có thể dựng thành những câu chuyện nhỏ cho từng chu kỳ phát triển của bé, chẳng hạn "đây là lúc trái tim nhỏ bé đang đập" và "đây là lúc bé đang dùng tay và chân đạp trong bụng mẹ", "đây là lúc bé đang mút ngón tay của nó" và "đây là lúc bé chuẩn bị ra đời"...

Bạn có thể hay dùng từ "bé của ba mẹ" để nói chuyện với con, điều này khiến cho con bạn sẽ nghĩ rằng nó không được đề cập trong từ đó. Do đó, nó có cảm nghĩ là mình bị gạt ra ngoài. Vì điều này, bạn cũng nên khuyến khích con gọi em bằng từ như "bé của con" hay "em của con" để tạo cho nó cảm giác chung phần sở hữu em của mình, và như thế nó sẽ cũng ước muốn được chăm sóc đứa em tương lai.

Con bạn sẽ cảm thấy mình cũng có bổn phận nếu bạn nhờ nó giúp một tay để chuẩn bị gian phòng cho em bé của nó, như nhờ nó mang hộ món này món kia vào phòng hay sửa soạn cái nôi cho em nó. Cũng có thể bạn gợi ý cho con tắm thử đầu tiên trong chậu tắm của bé để nó biết sau này em bé của nó sẽ tắm như thế đó. Tất cả các trẻ con đều thích được giúp bạn và chúng haybắt chước các hành động của bạn, vậy thỉnh thoảng bạn hãy giao cho con các công việc nho nhỏ để làm và hãy tỏ ra cảm kích trước sự siêng năng và cố gắng của con mình. Bạn cũng nên cho con xem những bộ quần áo bé xíu của em và kể cho nó nghe trước đây lúc còn bé xíu như thế, bé cũng đã mặc tất cả các quần áo đó để thấy mình đã lớn phổng như thế nào.
 

Cho bé gặp em càng sớm càng tốt

Sau khi sinh mà bạn phải ở lại bệnh viện dăm ba bữa, hãy cố gắng sắp xếp cho đứa con lớn đến thăm mẹ và em bé của nó càng sớm càng tốt.

Lúc con bạn đến thăm, bạn hãy để ý đến nó. Lúc ấy có thể con bé đang ngủ và bạn nên để tâm tới mình nó cho đến khi nó hỏi về em bé. Rồi bạn nhẹ nhàng cho nó đến gần xem bé một chút thôi, không cho nó động đến bé vì sẽ làm bé giật mình. Bạn chỉ cần cho nó thăm em nó một tí là đủ, sau đó nhờ người đưa nó về nhà.

Giúp con lớn làm quen với em bé

Hãy cố làm cho đứa con lớn được an tâm và hoà hợp với bé ngay.

Khi bạn mới về nhà, hãy nhờ ai ẵm em bé để bạn được rảnh tay, hỏi han, vuốt ve và âu yếm nó.

Hãy chú ý đến nó nhiều ngay khi đặt chân về nhà.

Hãy cho nó một món quà nào đó của bé, một vật gì đó mà nó thật thích.

Trong vài tuần đầu, bạn hãy dành riêng ra một thời gian cho nó để bạn và con có thể gần gũi với nhau mà không bị quấy rầy.

Hãy giao cho nó chút công việc, khi bạn tắm cho em bé, thay quần áo, tã lót và lúc cho em bé ăn, nó sẽ hăng hái phụ bạn một tay.

Hãy dạy cho nó bắt chước bạn cách thỏ thẻ với em bằng những lời dịu dàng. Đôi lúc bạn cũng nên diễn tả cho nó hiểu các cử chỉ hay hành động của em bé muốn nói lên điều gì để con có thể hiểu và tạo sự liên hệ mật thiết với em của nó.

Trẻ lúc mới sinh thường hay có phản xạ nắm chặt lấy gì mà nó đụng vào. Do vậy bạn cũng nên cho phép con đưa ngón tay cho bé nắm, cử chỉ gần gũi này sẽ vun đắp tình yêu thương giữa anh chị em chúng với nhau.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý