Theo lương y Vũ Quốc Trung, củ sâm đất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, làm long đờm..., nhưng với liều cao có thể gây nôn mửa và ra nhiều mồ hôi. Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu uống; lá nấu canh ăn giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan. Canh rau sâm đất ăn có vị ngọt, hơi chua giống như rau mồng tơi, nhưng không có nhớt. Sâm đất có các tác dụng trị liệu, như trong chứng viêm khớp nó giúp giảm viêm sưng và giảm đau. Trường hợp khó tiêu, sâm đất hoạt động giúp làm giảm trừ gaz trong hệ tiêu hóa, giảm đau bụng. Sâm đất còn giúp giảm táo bón. Dùng sâm đất giúp giảm cơn ho và suyễn; dùng cho một số trường hợp nam giới bất lực. Sâm đất được dùng nhiều trong những bệnh về da như ghẻ; dùng làm bài thuốc trị giun sán; dùng trong bệnh sỏi thận, viêm thận; giải độc cho gan. Liều dùng 10-15 gr, dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Có thể tán bột uống; hoặc pha uống như trà (10 gr trong 1 lít nước sôi), nếu pha rượu thì chỉ dùng liều 2-5 gr bột rễ trong 1 ngày. Còn theo lương y Như Tá, bộ phận dùng toàn cây (phần thân trên mặt đất) và rễ. Lá có vị hơi đắng, cay; tính lạnh, có ít độc (gây nôn nếu dùng liều cao). Rễ có vị ngọt, cay, tính mát. Công dụng: thanh nhiệt (hạ sốt), lợi niệu, giải độc. Chủ trị, toàn cây chữa tiểu đường dạng 2. Rễ dùng chữa đau răng, đau bụng, cảm mạo, bệnh gan, cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu. Kinh nghiệm dân gian ở Nam bộ thường dùng củ sâm đất nấu nước uống làm thuốc bổ. Ngoài ra kinh nghiệm dân gian còn dùng sâm đất chữa sỏi thận và sỏi bàng quang. Hạt quả sâm đất khi ngâm nước sẽ tạo ra một thứ keo như thạch có thể dùng đắp mụn nhọt và các vết đứt. Liều dùng 10-25 gr khô/ngày, dạng thuốc sắc.