Nguyên nhân gây bệnh: Tai giữa có một ống nhỏ thông với mũi họng gọi là vòi tai. Khi ta nuốt hay ngáp, ta thấy có tiếng động nhỏ ở tai do lỗ vòi tai được mở ra để thực hiện thông khí với bên ngoài, bảo đảm cho chức năng dẫn truyền âm thanh từ tai ngoài qua màng nhĩ, hòm tai vào đến bộ phận thần kinh tiếp nhận nghe ở tai trong. Khi lỗ vòi tai bị tắc (trong bơi lội do bị sặc nước lâu hay do lặn sâu...), chức năng nghe sẽ bị ảnh hưởng.
Viêm tai giữa ứ dịch không có triệu chứng cấp tính; ngay cả nếu được khám tai cũng thấy màng tai có vẻ bình thường, không thủng, chỉ hơi lõm vào. Do đó, bệnh thường dễ bị bỏ qua, nhất là với trẻ em hoặc khi chỉ bị một bên.
Tuy âm ỉ nhưng bệnh này có thể dẫn tới các biến chứng như nghe kém tăng dần, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nghe kém nặng, điếc, rất khó xử lý. Do đó, khi trẻ đang tập bơi hoặc bơi lội, nếu thấy có các dấu hiệu đã nêu trên, cần cho trẻ nghỉ một vài ngày; hướng dẫn trẻ tự làm thông vòi tai bằng cách: Lấy ngón tay bịt chặt 2 lỗ mũi, nuốt nước bọt để tạo áp lực mở vòi. Thử làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần nuốt vài lượt. Nếu thấy tiếng động trở lại ở tai thì có thể làm ngược lại, bịt chặt 2 lỗ mũi, phòng mồm, mím miệng chặt thổi hơi để hơi đẩy qua lỗ vòi lên tai (thấy tiếng động rõ hơn, có thể có ù tai nhẹ một lúc). Khi lỗ vòi tai thông, tiếp tục làm thêm vài lần để các triệu chứng khó chịu ở tai hết hẳn.
Nếu sau 1-2 ngày, lỗ vòi tai không thông trở lại, các triệu chứng vẫn tồn tại, đặc biệt nghe kém, ù tai tăng (nếu chỉ bị một tai cần thử bằng nghe tín hiệu pít, pít... ở điện thoại lần lượt từng tai để so sánh), cần đến thầy thuốc tai mũi họng khám để xác định bệnh, đo thính lực, nhĩ đồ để xem mức độ và có biện pháp xử lý. Nếu đến sớm, chỉ cần thực hiện bơm hơi vòi tai vài ngày sẽ khỏi.