Trước khi nghỉ việc cần làm gì

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Trước khi nghỉ việc cần làm gì

18/04/2015 10:14 PM
404

Khi suy nghĩ đến nhảy việc thì bạn đã có hàng tá những lý do và những mong muốn mới. Nhưng bạn đã thực sự chuẩn bị cho mình “hành trang nhảy việc” chưa? Đừng làm theo "hứng" bởi phần thiệt thòi, đôi khi mất mát lại thuộc về bạn đấy. Dưới đây là những việc bạn nên tìm hiểu trước khi nghỉ việc.


Cân nhắc trước khi nghỉ việc


Bạn không hài lòng với công việc hiện tại và muốn tìm cho mình một công việc mới. Nhưng trước khi quyết định nghỉ việc, bạn đã cân nhắc đến những vấn đề sau chưa?

1. Bạn nghỉ việc vì không hài lòng với công việc hiện tại?


Đừng vì một phút bốc đồng nóng giận với sếp mà nghỉ việc. Có thể bạn rất yêu thích công việc mình đang làm, với đồng nghiệp xung quanh đấy chứ. Và môi trường làm việc hiện tại vẫn là nơi bạn rất hài lòng? Còn ngược lại, bạn đã làm hết sức để cải thiện công việc, môi trường làm việc và các mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp chưa? Bạn đã cân nhắc về môi trường mới với những đồng nghiệp và ban lãnh đạo mới chưa? Bạn sẽ làm gì sau khi thay đổi công việc?

2. “Cỏ ở đồng bên xanh hơn”?


Rất nhiều người đang có một công việc tốt và ổn định nhưng bị hấp lực của một công ty khác to lớn hơn, “hoành tráng” hơn quyến rũ mà quên đi yếu tố quan trọng “Liệu tôi có phù hợp với vị trí mới này, ở công ty mới này không?” Để rồi khi nghỉ việc và chuyển sang công ty mới, họ ngỡ ngàng vỡ mộng vì công ty mới có nhiều đồng nghiệp chẳng thân thiện tí nào, vì khối lượng công việc ngập đến cổ đến nỗi họ không còn thời gian dành cho gia đình, vì sếp mới quá khắt khe và không cảm thông như thời ở công ty cũ…

3. Công việc nào thực sự phù hợp với bạn?


Nếu bạn muốn đổi việc, phải xác định đâu là niềm đam mê và động cơ thúc đẩy bạn làm việc tốt nhất. Bạn đánh giá cao những giá trị nào: sức khỏe, tiền bạc, cơ hội thăng tiến, sự ổn định hay mối quan hệ gia đình? Điều gì trong công việc mới sẽ làm bạn hài lòng? Nếu bạn xác định tiền bạc là mục tiêu chính, bạn sẽ tìm cho mình công việc lương cao, nhưng hãy nhớ lương cao đồng nghĩa với khối lượng công việc đồ sộ đi kèm. Bạn có chắc mình sẽ đảm nhận nhiều trọng trách hơn không? Hay bạn muốn đổi việc sang một lĩnh vực hoàn toàn khác với công việc hiện tại? Nếu vậy bạn phải chấp nhận đi lên từ những bậc thang thấp hơn.

4. Bạn đã có kỹ năng phù hợp với công việc mới chưa?


Để chuyển sang công việc mới, bạn cần những kỹ năng và năng lực nào? Bạn có thể phát huy hết năng lực của mình ở môi trường nào? Bạn hãy nhớ công việc mới đòi hỏi nhiều kỹ năng mới và cách thức làm việc mới mà bạn cần cập nhật và áp dụng thành công. Nhiều người khi chuyển việc không chú ý đến yếu tố này, và họ đã phải vất vả lắm mới theo đuổi kịp đồng nghiệp.

5. Bạn đã thảm khảo với người cố vấn của mình chưa?
Trước khi nghỉ việc, bạn nên trò chuyện với bạn bè hay những đồng nghiệp mà bạn tin cậy và có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực mà bạn đang nhắm đến. Họ sẽ cho bạn những tư vấn quý giá nhất như góp ý về kế hoạch công việc của bạn, cho bạn những lời khuyên để tìm được công việc mới phù hợp nhất. Đó là trường hợp của Nam. Trước khi nghỉ việc cậu đã tâm sự với một đồng nghiệp thâm niên trong công ty về 2 khả năng công việc mới của mình. Một bên là việc làm báo ở một tờ báo tên tuổi và một bên về mảng giao tế của một công ty PR tiếng tăm. Cuối cùng Nam đã nghe lời khuyên của người đồng nghiệp này về đầu quân với tờ báo vì vốn dĩ cậu rất yêu viết tin thời sự nóng hổi và giao tiếp với các bạn bè trong báo giới

Nếu không có những định hướng và kế hoạch rõ ràng trước khi nghỉ việc, bạn sẽ dễ bị hụt hẫng và rơi vào tình huống khó khăn. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia:

Đừng bỏ việc theo cảm hứng

Quyết định nghề nghiệp rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn, do đó không nên vội vàng bỏ việc theo cảm hứng. Thay vào đó, hãy dành khoảng vài tuần để cân nhắc, suy nghĩ trước khi có quyết định.

Có định hướng rõ ràng

Hãy tĩnh tâm lại trước khi quyết định bỏ việc, bởi có thể khi bất mãn với công việc vì một yếu tố nào đó, bạn muốn nhanh chóng rũ bỏ nó cho khỏi vướng bận. Thế nhưng bạn cần trả lời các câu hỏi sau: Bạn thật sự muốn một công việc khác? Điểm cộng và điểm trừ của công việc bạn đang làm là gì? Liệu bạn có thể kiếm được một công việc mới tốt hơn công việc hiện tại? Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi thế nào khi từ bỏ công việc này?...

Việc đưa ra đáp án chính xác cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn định hướng cần làm gì tiếp theo. Chúng cũng sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro khi bỏ việc và không nuối tiếc với quyết định này.

Đừng “đứng núi này trông núi nọ”

Nhiều người thường cảm thấy ghen tị với người khác khi công việc của họ có những điểm không được như ý muốn. Thế nhưng đừng xem đây là lý do để bỏ việc, vì thật ra một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt, công việc cũng vậy.

Thay vì “đứng núi này trông núi nọ”, hãy kiểm chứng công việc mới xem nó có thật sự tốt và phù hợp với bạn không, vì thực tế có những công việc chỉ phù hợp với người này mà không hợp với người kia. Nếu quyết định vội vàng và nhảy sang một công việc không phù hợp, tình hình sẽ càng tệ thêm với bạn.

Thử sức với công việc mới nếu có thể

Khi có cơ hội, bạn đừng ngần ngại thử sức với công việc mới nếu nó mang đến cho bạn nguồn thu nhập cao hơn, chính sách đãi ngộ tốt hơn, môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn… Thế nhưng bạn cần cân nhắc mình có khả năng chịu được áp lực công việc đó? Trình độ của bạn có đáp ứng được yêu cầu công việc không? Công việc mới có khơi gợi cho bạn niềm đam mê và cảm hứng không?... Những điều này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng sống còn đến việc bạn có gắn bó lâu dài với công việc mới hay không.

Xem xét vấn đề tài chính

Từ bỏ công việc hiện tại tức là bạn sẽ mất đi một khoản thu nhập nhất định. Do vậy, nếu bạn chưa thể tìm ngay cho mình một công việc mới để thay thế công việc hiện tại, bạn cần thống kê mọi nguồn tài chính của mình để đảm bảo rằng bạn không rơi vào tình thế khó khăn sau khi bỏ việc.

Nếu thu nhập của bạn còn bấp bênh và không ổn định, bạn nên cố gắng gắn bó với công việc hiện tại thêm một thời gian nữa cho đến khi tìm được nguồn thu nhập mới.


Những điều cần làm trước khi nghỉ việc


1. Tìm hiểu về Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN)

Việc này là điều cần thiết bởi nếu không tìm hiểu về thời gian để đăng ký trợ cấp thất nghiệp, bạn sẽ không nhận được quyền lợi của mình.



nghỉ việc



Hãy tìm hiểu về bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Ảnh: internet

Một số thông tin cho bạn:

- Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động:

Thời gian hưởng BHTN

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

3 tháng

Đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng

6 tháng

Đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng

9 tháng

Đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng

12 tháng

Từ đủ 144 tháng trở lên.


Thủ tục hồ sơ

- Đơn đề nghị hưởng BHTN theo mẫu do Bộ LĐTB&XH quy định (được phát tại nơi đến đăng ký BHTN).

- Bản sao hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật.

- Sổ BHXH hoặc giấy xác nhận của đơn vị về người lao động đã đóng BHXH, BHYT và BHTN.

- Người lao động bị thất nghiệp phải nộp đủ hồ sơ hưởng BHTN trong thời gian 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.

2. Trách nhiệm thể hiện sự chuyên nghiệp

Đó là việc bạn cần thể hiện qua quá trình bàn giao công việc. Sẽ không một tổ chức nào “welcome” bạn, khi bạn trốn tránh trách nhiệm bàn giao công việc cho người ở lại. Hãy đặt mình vào vị trí tiếp tục công việc bạn đang phụ trách, bạn sẽ hiểu được hoàn cảnh, tất cả những gì bạn để lại họ phải “hứng”. Chính vì vậy bạn phải có tinh thần hợp tác, tích cực giải quyết các công việc cần bàn giao. Điều đó thể hiện cho sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của bạn trong công việc. Nó luôn được đánh giá cao ở bất cứ nơi đâu.



mối quan hệ

Hãy giữ lại các mối quan hệ là một điều bạn cần làm trước khi nghỉ việc. Ảnh: internet

3. Giữ lại các mối quan hệ bạn có

Bạn có nghĩ rằng, các mối quan hệ bạn có ở những nơi đã từng làm việc chính là “mạng lưới nghề nghiệp của bạn”? Đừng vì bất kỳ lý do nào đó mà để những người ở lại có những ấn tượng không tốt về bạn. Hãy giải quyết tất cả các khúc mắc với các đồng nghiệp, bạn bè ở công ty sắp nghỉ bằng những cuộc hẹn, nói chuyện trực tiếp, thân mật trên tinh thần chia sẻ, xây dựng. Bởi vì có thể chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trên từng chặng đường phía trước.

Bạn nên nhớ rằng, coi sự im lặng ra đi là một thông báo không phải là một giải pháp tốt trong bất kỳ trường hợp nào, với bất kỳ lý do nào.

4. Gửi email thông báo tới người liên lạc trong hồ sơ mới

Khi bạn tìm việc mới, điều bắt buộc cần có trong CV (Curriculum Vitae) là phần liên lạc với một số người làm việc ở những nơi bạn vừa mới nghỉ việc. Chính vì vậy trước khi nghỉ, hãy gửi một email tới những người này, thông báo cho họ biết rằng, bạn để email và số điện thoại của họ trong CV mới của mình. Để một ngày nào đó có cuộc gọi đến từ Nhà tuyển dụng của bạn, họ không cảm thấy bị bất ngờ hoặc phiền.

5. Dọn sạch đồ cá nhân khi nghỉ việc

Trong khi làm việc, bạn có thể mang theo một số vật dụng cá nhân của mình đến nơi làm việc, hoặc bài trí góc làm việc bằng phong cách, cá tính của bạn. Điều đó hoàn toàn bình thường khi bạn còn làm việc tại nơi đấy. Nhưng khi bạn nghỉ, bạn phải chủ động dọn dẹp sạch sẽ tất cả những gì mang dấu ấn cá nhân của mình. Điều đó không chỉ tốt cho sự chỉn chu, cẩn thận của bạn mà còn giúp đỡ được bộ phận hành chính của công ty khi muốn sắp xếp chỗ cho người thay thế bạn.

Làm gì để sếp quý

Thăng tiến trong công việc

Giảm áp lực công việc

Để công việc hiệu quả khiến sếp luôn hài lòng về bạn

Đam mê công việc

Nghệ thuật thăng tiến trong công việc


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
xin chao. toi co lam tai mot cong ty tu nhan. truoc khio viet don truoc nghi viec toi co viet don truoc 1 thang va duoc chap thuan. toi co hoi ban giao cong viec cho ai thi nguoi phu trach bao cho tuyen duoc nguoi. roi 1 thang cung qua. nguoi phu trach cung khong tim nguoi va khong chi dinh toi phai ban giao cho ai ca.Bay gio do nhu cau hoc tap voi cong viec moi toi khong the o lai. Vay toi co duoc nghi cong viec hien tai cua toi khong. toi cam on
hơn 1 tháng trước - Thích (5) - Trả lời
Bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc vì đơn đã được chấp nhận và hết thời gian bàn giao công việc rồi. Việc chưa tìm được người là do bên công ty không sắp xếp được công việc thôi
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý