Làm chà bông không khó, chỉ cần áp dụng theo những bước dưới đây, bạn sẽ có được món chà bông ngon và hợp khẩu vị.
Chà bông (hay còn được gọi là ruốc) là một món ăn sẵn vô cùng tiện lợi. Buổi sáng, ấm lòng khi có chén cháo trắng lá dứa ăn kèm chà bông, lỡ bữa thì chén cơm nguội với miếng chà bông cũng qua ngày. Với những bé còn ăn cháo, cháo chà bông với rau củ là một món ăn lạ miệng và bổ dưỡng cho bé.
Khéo léo và sáng tạo một chút nữa, bạn có thể đưa chà bông vào nhiều món ăn khác để tạo thêm hương vị và hình thức hấp dẫn như: rau cần trộn dầu giấm chà bông, cơm/xôi cuộn chà bông, bánh bông lan trứng muối chà bông…
Chà bông làm sẵn hiện đang được bán nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu tự làm lấy ở nhà, vì như vậy bạn sẽ yên tâm khi kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm và có được thành phẩm hợp khẩu vị. Bạn không phải lo đâu vì làm chà bông cũng rất đơn giản.
Chọn thịt
Bạn có thể chọn thịt heo hoặc gà. Chà bông làm từ thịt heo và chà bông làm từ thịt gà đều ngon và cách làm cũng tương tự nhưng chà bông thịt heo thì phổ biến hơn. Thịt heo làm chà bông là thịt thăn (thịt cốt lết bỏ xương), chọn phần cứng, thịt chắc (phần mềm chỉ dùng cho món nướng, hay ram). Thường 1kg thịt thì làm được khoảng 300-400g chà bông.
Tuy nhiên, nếu làm để ăn trong gia đình, bạn không nên làm nhiều một lần vì công đoạn xé thịt và sao thịt rất mất thời gian, chỉ nên làm mỗi lần một ít khoảng 300g thịt cho khoảng 100g chà bông thành phẩm.
Sơ chế
Thịt mua về lóc bỏ phần mỡ thừa, phần da bên dưới rồi rửa sạch với nước muối. Để có được những sợi chà bông dài bạn nên cắt thịt thành miếng to hình chữ nhật theo chiều dọc.
Đặt một nồi nước sôi, cho thịt vào luộc sơ trong khoảng 2-3 phút, vớt thịt ra, rửa sơ lại với nước lạnh rồi để ráo. Ướp thịt với 4,5 muỗng canh nước mắm ngon và 1/2 muỗng cà phê đường trong 30 phút cho thịt thấm.
Ram thịt
Phi vàng 3-5 củ hành xắt mỏng, khi hành đã vàng, vặn bếp nhỏ lửa vớt củ hành ra (dùng cho món ăn khác) cho thịt heo cùng phần nước ướp vào chảo dầu đã phi hành rồi ram thịt cho đến khi phần nước thấm hết vào miếng thịt, tắt bếp. Với cách làm này, chà bông sẽ thơm ngon hơn là chỉ kho thịt với nước mắm.
Đập và xé thịt
Ngay lúc thịt vẫn còn nóng, (nếu để nguội thịt sẽ cứng lại), dùng dụng cụ đập thịt đập nhẹ nhiều lần cho sớ thịt tơi ra. Nếu không có dụng cụ này, có thể dùng chày. Đập xong, dùng tay xé thịt thành từng sợi nhỏ, lưu ý là không cần xé thịt vụn.
Sau khi thịt tơi hoàn toàn bạn có thể ăn thử xem độ mặn đã được chưa, nếu nhạt có thể nêm thêm chút mắm cho vừa khẩu vị.
Sao thịt
Cho thịt vào một cái chảo sạch (đáy bằng, dày càng tốt, không sử dụng chảo chống dính), bắc lên bếp với lửa thật nhỏ rồi dùng đũa sao thịt cho đến khi thịt khô. Lưu ý là để lửa thật nhỏ, nếu không thịt sẽ cháy sém. Công đoạn này sẽ mất khoảng 30-45 phút và không thể nhanh hơn.
Chà bông
Sau khi sao khô, thịt trong quá trình được đảo trong chảo đã bông lên một phần do đó bạn đã có thành phẩm chà bông và đã dùng được. Tuy nhiên, chà bông lúc này vẫn còn cứng.
Muốn chà bông ngon hơn, mềm hơn, bạn có thể dùng 5 đầu ngón tay sạch bốc từng nhúm thịt đã sao khô chà đi chà lại nhiều lần lên mặt trong của một cái rổ tre hoặc bất kỳ dụng cụ nào có dạng đan lưới càng khít càng tốt. Khi chà như vậy, bạn sẽ thấy thịt được bông lên không khác gì bông gòn nên ăn sẽ rất mềm.
Nếu không có thời gian, bạn cũng có thể làm cho thịt bông lên và mềm (dĩ nhiên là không bông bằng lúc chà lên rổ) bằng cách ngay trong quá trình sao thịt, thay vì dùng đũa, khi thịt còn ướt, bạn hãy dùng một cái vá dẹt bằng gỗ chà xát thịt nhiều lần xuống đáy chảo. Như vậy, sớ thịt cũng sẽ bông lên rồi cuộn lại từng sợi nên cho ra thành phẩm chà bông cũng rất đẹp và mềm.
Ngoài ra, sau khi thịt được sao khô, bạn có thể dùng máy xay cầm tay để xay. Cho từng ít thịt vào chén/tô và bật máy chạy vài giây là thịt sẽ bông, mềm, rất phù hợp cho người lớn tuổi và em bé.
Chà bông làm xong để thật nguội rồi mới cho vào hủ đậy nắp kín và bảo quản ở nhiệt độ phòng. Nếu dùng lâu thì nên trữ trong ngăn mát tủ lạnh để tránh mốc.