Cây hoàn ngọc, hay còn gọi là cây lá khỉ, là loại cây có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe con người và dễ kiếm
Cây lá khỉ (xem ảnh) còn có tên là cây hoàn ngọc (xuân hoa), họ Ô rô (Acantaceae). Trong tự nhiên, có hai loại là hoàn ngọc đỏ (Pseuderanthemum bracteatum) và cây hoàn ngọc trắng (Pseuderanthemum palatiferum).
- Mô tả:
Thứ nhất, cây hoàn ngọc đỏ (vì ngọn, lá non và thân có màu đỏ tía còn gọi là hoàn ngọc dương), là cây bụi, cao từ 0,6 đến 1,5m, sống lâu năm. Lúc còn non, thân trơn nhẵn, màu hơi vàng hồng, lá đơn, nguyên, mọc đối, cuống lá dài, phiến lá hình mũi mác. Lá non có vị chát, hơi chua, thường được dùng ăn kèm với thịt, cá như một loại rau gia vị để giúp cho việc tiêu hóa tốt, tránh đầy bụng, sôi bụng, đau bụng. Cây ra hoa vào tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, khi đó người dân cắt lấy phần trên mặt đất, gồm các cành non và lá, rửa sạch phơi khô. Khi dùng cần cắt ra từng đoạn 5 đến 7cm, liều 20 đến 40g/ngày sao vàng, sắc lấy nước uống để chữa bệnh: Đau bụng, quặn bụng, sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân sống nát, trĩ, đi ngoài ra máu. Ngoài ra, lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát đắp và băng chặt vào chỗ vết thương chảy máu có tác dụng cầm máu.
Thứ hai, cây hoàn ngọc trắng (hoàn ngọc âm), cũng thuộc loại cây bụi, phân nhiều cành, có chiều cao khoảng 1- 2m, lá mọc đối, hình mũi mác, đầu lá nhọn, thường xuyên xanh cả hai mặt. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành có màu trắng pha tím. Khi nhấm, lá có dịch nhầy nhớt. Vị thuốc là lá của cây hoàn ngọc trắng. Hoàn ngọc trắng cũng mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc. Hoàn ngọc trắng cũng được dùng để trị các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa... Trên thực tế, hoàn ngọc trắng dùng trị viêm đại tràng thể nhiệt, tốt hơn như táo bón, đau bụng, trĩ xuất huyết. Có thể dùng lá tươi, rửa sạch, ăn sống hoặc sắc lấy nước uống, ngày 8 đến 10g.
- Thành phần hóa học: Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của nhóm tác giả Đỗ Huy Bích... Trần Toàn - Viện Dược liệu, do NXB Khoa học kỹ thuật ấn hành năm 2006 thì, cây Hoàn ngọc chứa sterol, flavonoid, đường khử, carotenoid, acid hữu cơ, 7 chất đã được phân lập, trong đó 4 chất là Phytol, β-sitosterol, hỗn hợp đồng phân Epimer của Stigmasterol và Poriferasterol. Lá tươi chứa diệp lục toàn phần 2,65mg/g, protein hòa tan 25,5mg/g, polysaccharid hòa tan 0,80%, và các chất: Ca 875,5mg%, Mg 837,6mg%, K 587,5mg%, Na 162,7mg%, Fe 38,75mg%, Al 37,5mg%, V 3,75mg %, Cu 0,43mg%, Mn 0,34mg%, Ni 0,19mg%. Lá có enzym với hoạt tính cao ở pH 7,5, nhiệt độ 70oC.
- Tác dụng dược lý: Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy cây Hoàn ngọc có các tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm; có hoạt tính thủy phân protein (nên trong lâm sàng đắp lá tươi Hoàn ngọc làm tiêu mủ và làm tan sẹo lồi); tác dụng ức chế Monoaminoacydase (MAO) và tác dụng bảo vệ gan. Cây không có độc tính.
- Bộ phận dùng
- Lá cây: Dùng tươi (thông dụng nhất) hoặc phơi (trong râm) hay sấy khô.
- Toàn cây tươi giã nát hoặc phơi (trong râm) hay sấy khô.
- Rễ cây: thường phải là cây có từ 7 năm tuổi trở lên mới tốt.
- Công dụng và liều dùng:
Cây Hoàn ngọc không độc, có thể uống trong hay đắp ngoài, dùng tươi hay dùng khô đều được, nhưng dùng tươi tác dụng tốt hơn. Nếu dùng tươi phải nhai chậm để thuốc kết hợp với nước bọt mới phát huy tối đa tác dụng của thuốc.Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, cây Hoàn ngọc dùng để chữa các bệnh sau đây:
- Chữa viêm nhiễm đường tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, tá tràng, trĩ nội...: Nhai mỗi lần 7 – 9 lá tươi, ngày 2-3 lần, dùng liền 5 – 7 ngày.
- Cầm máu: Chữa xuất huyết đường tiêu hóa, chấn thương chảy máu, làm tan máu tụ do chấn thương, trĩ nội, trĩ ngoại ra máu, ho ra máu... Nhai mỗi lần 7 – 9 lá tươi, hay sắc 10g lá khô, uống như nước chè, dùng liền 5 – 7 ngày.
- Chữa lở loét: Lá tươi rửa sạch, liều lượng tùy theo vết thương, cho thêm một dúm muối, giã nát, đắp vào vết thương sẽ làm tiêu mủ, giảm sưng, vết thương mau liền, chóng lên sẹo.
- Chữa sẹo lồi, mụn lồi: Lá tươi rửa sạch, liều lượng tùy theo nhu cầu, cho thêm một dúm muối, giã nát, đắp vào vùng sẹo, mụn lồi, sẽ làm tam sẹo, mụn lồi. Đắp đến khi mặt da phằng thì ngừng thuốc.
Cho đến nay, những ứng dụng chữa bệnh của cây Xuân hoa được nhiều người sử dụng điều trị những bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, viêm đại tràng mạn tính, trĩ nội, cầm máu ngoài da. Ngoài ra, nó còn được dùng hỗ trợ để chữa các bệnh phổi, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mất ngủ, bệnh vẩy nến, v.v... Lá Xuân hoa không có mùi, không vị, hơi nhớt. Khi dùng thì rửa sạch, nhai với mấy hạt muối rồi chiêu nước. Có thể dùng lá đã phơi khô hoặc nấu canh để ăn. Liều dùng tuỳ thuộc vào bệnh, người lớn ăn 7-9 lá, ngày hai lần. Nếu bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, chỉ dùng vài lần là khỏi; bị đái rắt, đái buốt, đái ra máu, thì dùng 3-4 ngày; bị viêm đại tràng co thắt điều trị khoảng hai tuần.