Khi các nhà khoa học đang cố gắng bóc tách tính năng độc hại từ gỗ Ngọc am qua những cỗ quan tài tồn tại nguyên vẹn hàng ngàn năm tuổi ở Hà Nội, thì cách đó hơn 300 cây số, trên mảnh đất Hà Giang - nơi được mệnh danh là thủ phủ của gỗ Ngọc am, từ bao đời nay, người dân đã sinh tồn cùng loài cây này như một loài thuốc quý, trừ tà, ẩn chứa ma thuật mà không ai lý giải được.
Độc hại hay có lợi cho sức khỏe con người?
Không phải ngẫu nhiên, chúng tôi quyết định trở lại Hà Giang để lý giải “lời nguyền” đã chôn giấu bao đời nay của loài người về loài gỗ quý này, mà còn một nguyên do khác, bởi lời thỉnh cầu của một người đam mê gỗ Ngọc am đến... “quên cả đường về”. Đó là Đại tá Văn Minh Tiến, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang - người rất mê gỗ lũa Ngọc am. Biết chúng tôi lên, Đại tá Tiến xồng xộc đi tìm như thể cánh nhà báo đang nợ ông và người dân một câu trả lời sòng phẳng và rõ ràng nhất về tác hại của gỗ Ngọc am. Thế nhưng khi gặp, ông lại nhoẻn một nụ cười thân thiện: “Nhà báo phải yêu cầu các nhà khoa học chứng minh cụ thể gỗ Ngọc am độc hại hay có lợi cho sức khỏe”. Chúng tôi hiểu, nếu không trả lời được câu hỏi này thì rất nhiều người như ông còn mất ăn, mất ngủ.
Chế tác gỗ Ngọc am
Theo những kiến thức có được sau vài thập niên sống chung với gỗ Ngọc am của Đại tá Tiến: Ở dãy núi Tây Côn Lĩnh thuộc hai huyện Hoàng Su Phì và huyện Vị Xuyên, ngoài ra còn có huyện Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam, ở khu rừng này rất nhiều cây gỗ Ngọc am, sau đó Thực dân Pháp cho khai thác gỗ Ngọc am bán cho các quý tộc ở Trung Quốc để làm quan tài chôn người chết. Nhiều cụ hiện nay cũng chưa nhìn thấy cây Ngọc am như thế nào, nhưng hiện nay chỉ còn những gốc của cây Ngọc am. Theo kinh nghiệm của người dân sử dụng dầu Ngọc am chữa được bệnh đại tràng, cảm cúm, ghẻ lở; chữa dịch cúm ở gà, lợn rất tốt, nhiều nơi dùng thùng gỗ Ngọc am để ngâm chân, chữa bệnh tim mạch, áp huyết, thấp khớt rất tốt. Ngoài ra, qua mạng và tin giao bán gỗ lũa Ngọc am, người thì nói gỗ Ngọc am rất tốt cho sức khỏe và làm đồ trang trí trong gia đình rất đẹp.
Thế nhưng, gần đây, lại có thông tin cho rằng gỗ lũa Ngọc am rất độc cho sức khỏe, đó là điều mà Đại tá Tiến cũng như những người đam mê và đang sống chung với gỗ Ngọc am không thể chấp nhận được. Bởi với họ, bao đời nay, người dân sinh hoạt và gắn bó với loài cây này như một giá trị thiết yếu của cuộc sống thì sao lại có chuyện ngược đời đến vậy. “Trên thực tế, đã có nhiều gia đình gỗ Ngọc am dùng để làm đũa ăn, giường ngủ, ghế ngồi cho đến cái chậu rửa mặt, ngâm chân, rồi bồn tắm... mà vẫn sống lâu đến trăm tuổi, đâu có bệnh tật gì. Thậm chí, người dân còn ví cây này chứa sức mạnh của ma lực tự nhiên mới đem lại nhiều tác dụng đến vậy. Có nơi, người ta để trong nhà với mục đích trừ tà ma, xua đuổi cái xấu”, Đại tá Tiến cho biết.
Hóa ra, thông tin “độc hại” bay đến vũng núi xa xôi này được bắt nguồn từ nhận xét của GS. Nguyễn Lân Cường trên công luận, khi cho rằng: “Những bộ quần áo của xác ướp vườn đào Nhật Tân khi để vào trong phòng kín, chỉ sau một đêm, tất cả muỗi và côn trùng trong phòng chết hết. Điều đó chứng tỏ dầu Ngọc am có tính kháng khuẩn và độc tính cao…”.
Không những thế, một thông tin khác còn giật mình hơn: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản mới đây khi tham gia khai quật các ngôi mộ cổ có xác ướp tại Việt nam, người ta thấy tinh dầu Ngọc am có tính độc đối với tế bào, gây đông vón protein tế bào ở người và động thực vật cho nên gỗ và dầu của nó chỉ thích hợp cho việc bảo tồn tế bào, bảo tồn xác ướp theo kinh nghiệm của người xưa. Vì thế, khuyến cáo được đưa ra: Những đồ vật bằng gỗ Ngọc am ngày xưa người ta không làm vì không để được trong nhà do độc tính cao của nó. Cho nên những người chơi tượng gỗ Ngọc am, gỗ lũa Ngọc am cần thận trọng trong việc để trong nhà vì có thể gây ngộ độc cho trẻ em và nguy cơ ung thư cao cho người già vì khả năng sát khuẩn gây đông vón protein tế bào cực mạnh của nó. Việc tiếp xúc nhiều với tinh dầu trong môi trường khép kín gây cơn động kinh co giật ở chuột nhắt trắng đã được thử nghiệm quan sát thấy trong phòng thí nghiệm.
Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng Đại tá Tiến đang có ý định giải tán ngay vài món đồ trong phòng ngủ của mình có liên quan đến gỗ Ngọc am và thấp thỏm chờ đợi một kết quả nghiên cứu khoa học thực chất nhất về loại gỗ này. Với ông, đó là điều buồn nhất trong cuộc sống nếu thiếu gỗ Ngọc am.
Gỗ Ngọc am còn hay đã mất?
Từ câu chuyện với vị Đại tá biên phòng, chúng tôi quyết định du hành một chuyến vào “trung tâm” của loại gỗ quý này. Cách Tp. Hà Giang hơn 20 km, theo Quốc lộ 2, huyện Thanh Thủy hiện diện trong vai trò của một khu kinh tế cửa khẩu, nhưng ẩn chứa sự buồn tẻ. Biết chúng tôi háo hức muốn tìm gỗ Ngọc am, Thiếu tá Nguyễn Đình Quảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh Thủy, phải thốt lên: “Nếu nhà báo muốn thử sự mạo hiểm đến tính mạng thì vào Lao Chải với cơn mưa rừng đang trút nước thì được mãn nhãn, ở đó nghe nói người dân vẫn đi kiếm tìm gỗ Ngọc am”. Chẳng biết có hay không, nhưng với cái cách mô tả của thiếu tá Quảng, muốn vào Lao Chải cũng phải qua 15 km đường rừng khó đi nhất của vùng Tây Bắc. Ngày khô còn khó đi, huống chi trong tiết trời sụt sùi từ sáng đến chiều với cơn mưa nặng hạt của những ngày cuối tháng chín thì đến con trâu cũng chịu.
Nói là vậy nhưng Thiếu tá Quảng cũng phải thừa nhận rằng, gỗ Ngọc am bây giờ làm gì còn, may ra chỉ còn những gốc, rễ cây còn sót lại. Cách đây hàng chục năm, biết vùng này có nó, các thương lái Trung Quốc đã sang thu mua gần hết rồi. Ngày đó, cả Thanh Thủy cuộn mình trong dòng chảy gỗ Ngọc am, đâu đâu cũng thấy người dân săn tìm, như giấc mơ của sự đổi thay cuộc sống. Nhưng lùng mãi rồi cũng hết, bây giờ thật giả khó lường, nếu không am tường ắt mua phải đồ giả.
Tuy nhiên, để “mục sở thị” cửa khẩu vốn được nhắc đến như một trung tâm thương mại Ngọc Am trước đây, chúng tôi quyết định ra cửa khẩu Thanh Thủy mong kiếm tìm một chuyến hàng gỗ Ngọc Am còn vương lại, nhưng không có. Nhiều người dân ở đây cho biết, cách đây chừng chục năm thì nhiều, người ta đánh qua bên Trung Quốc bán hết, giờ muốn tìm gỗ Ngọc am chỉ có cách là vào nhà nào khá giả, may ra họ còn để lại một hai khúc trong nhà để giữ sức khỏe.
Một nguồn tin cho biết, trên đường từ Thanh Thủy về, đầu Tp. Hà Giang có một cơ sở chuyên sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ được chế xuất từ gỗ Ngọc am. Quả không sai, trên đường Nguyễn Trãi, Tp. Hà Giang, cơ sở gỗ mỹ nghệ Tuấn Anh đã thể hiện đẳng cấp cho thương hiệu bằng một mùi thơm hắc, quyến rũ đến lạ của gỗ Ngọc am bốc hương ngay từ đầu đường. Bên trong dinh cơ, ngổn ngang các loại gốc cây xếp hàng chờ dựng tượng. Để chứng minh cho khách chất lượng gỗ, bên một gốc cây khô khốc được gọi là Ngọc am, anh thợ khẽ nhỏ vài giọt nước, tức khắc một mùi thơm ngào ngạt đặc trưng của loài gỗ này tỏa ra. Theo những người thợ ở đây thì số “hàng” phơi ở sân đã được gom từ nhiều năm nay, cơ bản vẫn là mua lại từ những người dân khai thác được hoặc đã sử dụng từ hàng chục năm trước.
Quay trở lại Tp. Hà Giang, trong hành trình cố gắng kiếm tìm lời giải ẩn chứa “ma thuật” của loài gỗ Ngọc am, điều khiến cánh phóng viên bất ngờ là việc gỗ Ngọc am được người dân nơi đây sử dụng một cách khá thông dụng. Từ phòng làm việc, phòng khách đến đồ trang trí trên tường..., gỗ Ngọc am hiện diện như chứng minh sự gắn bó hữu cơ với con người. Rất nhiều cách lý giải về tác dụng của gỗ Ngọc am như: khử mùi hôi thuốc lá trong phòng, mùi thơm kích thích sức khỏe, làm giấc ngủ sâu, khơi gợi sự sáng tạo và trừ tà ma độc khí, đón rước may mắn và tài lộc... càng khiến cho khái niệm “độc hại” đã kéo tôi lên Hà Giang... mất dần tác dụng.