Bạn về nhà với cơ thể rã rời sau một ngày làm việc căng thẳng và chào đón bạn là bức tường trắng tinh nay đã đầy những hình vẽ nghuệch ngoạc. Cơn nóng giận đã bốc lên ngùn ngụt và bạn sắp sửa trút hết lên con trẻ dù đã cố bình tĩnh. Đây có phải “kịch bản” rất quen thuộc trong gia đình bạn không? Nếu có, bạn cần một cách hiệu quả hơn để kiềm chế sự tức giận trước con.
Viết để “xả” giận
Bạn đã từng thử “xả” giận bằng cách viết ra những điều bực bội thay vì quát nó vào mặt trẻ hay chưa? Bạn có thể thoải mái thể hiện mọi nỗi niềm ra trang giấy mà không sợ làm tổn thương ai cả. Đây là một cách để “chuyển hướng” cơn giận rất hiệu quả đấy.
Không hành động khi nóng giận
Cho dù bằng lời nói hay hành động, cần cố hết sức không phản ứng với trẻ khi bạn đang nóng giận. Ngay khi cảm thấy không thể kiểm soát cơn giận của mình, bạn cần tách khỏi trẻ trong vài phút để lấy lại bình tĩnh. Bạn có thể uống một ly nước lạnh, đi rửa mặt hoặc làm gì đó khác để hạ hỏa. Khi bạn cảm thấy mình không còn bị cảm giác tức giận thôi thúc, bạn sẽ đủ tỉnh táo để kỷ luật và dạy dỗ con theo một cách thích hợp.
Bạn có biết rằng viết lách là một cách hay để trút giận?
Nhớ rằng bạn chính là tấm gương cho con
Khi bạn la hét hoặc đánh trẻ, bạn đã vô tình dạy cho con rằng việc làm tổn thương người khác về tinh thần hoặc thể chất là điều bình thường. Trong trường hợp tiêu cực, trẻ sẽ phản ứng ngược lại theo cùng một cách, đó là hét trả lại bạn. Mọi chuyện sẽ trở nên tệ hơn nữa.
Và bạn có muốn rằng sau này khi con của bạn lớn lên, lập gia đình và có con, chúng cũng sẽ dạy dỗ con cái theo cách mà bạn đã thực hiện? Đây quả là một vòng lẩn quẩn mà tốt nhất bạn không nên là người bắt đầu.
Không đe dọa
Những lời răn đe này sẽ chỉ hiệu quả nếu bạn chắc chắn có thể theo sát chúng. Nế không, chính bạn là người hạ thấp giá trị lời nói của mình. Hầu hết những lời dọa được thốt ra trong lúc tức giận nên thường khá vô lý, do đó, tốt nhất là bạn tránh xa những câu nói kiểu như: “Nếu con cứ bày bừa như vậy, mẹ sẽ…”
Tránh xa hành vi bạo lực
Khi cảm thấy muốn “động thủ” với con, tốt nhất nên rời khỏi phòng. Một cái tát có thể trở thành một trận đòn dữ tợn. Bất kể con phạm lỗi nghiêm trọng đến thế nào, việc đánh đập con cái không đem lại điều gì tốt đẹp cả. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy bản thân chạm tới giới hạn chịu đựng và sẵn sàng đánh con, bạn nên suy nghĩ lại và đặt ra giới hạn mới.
Khi trẻ vừa bắt đầu gây ra phiền phức, bạn nên nói cho con biết thay vì cố chịu đựng. Bởi vì bạn càng ráng nhịn, kết quả sẽ chỉ là một cơn bùng nổ khi bạn không thể chịu được nữa. Trong trường hợp bạn không kiểm soát được mình và đánh trẻ, bạn nên thẳng thắn xin lỗi trẻ vì hành vi làm tổn thương tinh thần và thể xác này. Đây cũng là lúc bạn nên xem lại cách kiềm chế cơn tức giận của mình.
Bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt
Bạn không cần phải thể hiện vai trò của người làm cha mẹ mọi lúc mọi nơi. Có những chuyện nhỏ nhặt bạn có thể bỏ qua thay vì tranh luận với con để bùng nổ cuộc chiến. Bạn chỉ cần đứng ra khi thật sự cần thiết, lúc đó tiếng nói của bạn sẽ có trọng lượng hơn nhiều.