Rất nhiều chị em có triệu chứng đau lưng sau khi sinh xong. Vậy cách điều trị và phòng chống như nào chị em cùng tìm hiểu dưới đây nhé!
Sinh xong, sao đau lưng thế!
Ngay từ ngày mới sinh nở, Lam (Từ Liêm, Hà Nội) đã được mẹ cảnh báo không được cầm đồ nặng, không được ngồi nhiều và không được ngồi cho con bú… vì rất dễ gây ra chứng bệnh đau lưng sau sinh. Mẹ chị bảo bà đẻ càng kiêng được nhiều càng tốt. Vì sau sinh nở cơ thể phụ nữ còn rất yếu. Nếu có thời gian để nằm nghỉ ngơi được là tốt nhất.
Vậy nhưng chỉ sau sinh nở hơn chục ngày, cô thấy sức khỏe của mình hồi phục đáng kể. Lam kể rằng: “Cơ thể em phục hồi nhanh lắm. Chỉ sau sinh gần 2 tuần, sức khỏe của em đã trở lại bình thường. Em đã tự giặt đồ cho con, tự chăm sóc con một mình và còn tự nấu nướng được nữa. Chồng em thì cứ thắc mắc bảo chẳng có bà đẻ nào khỏe như em. Nhưng nói thật là khi đẻ, con nhỏ nên em không mất nhiều sức. Em chỉ mất 3 giờ đau đẻ. Có lẽ vì vậy nên em phục hồi nhanh”.
Mẹ chồng và mẹ đẻ Lam đều ở quê nên không có nhiều thời gian chăm sóc cô. Chỉ sau sinh 1 tháng, Lam đã tự chăm sóc em bé và lo cơm nước gia đình vì chồng cô đi làm từ sáng đến tối. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ nhưng cô bảo từ hồi sang tháng thứ 3, tự nhiên thấy sức khỏe yếu quá đặc biệt là thấy xuất hiện triệu chứng đau lưng. Ban đầu đó chỉ là những cơn đau nhói nhẹ và ngày đau 1,2 lần. Thế nhưng càng lâu, chứng đau lưng càng hoành hành ác liệt. “Đến giờ con mới được 7 tháng mà nhiều lúc em không bế nổi bé vì lưng đau quá. Có lẽ vì em không kiêng cữ được sau sinh nên lưng đau thế. Con em lại khó nết nên em hay phải thức đêm lắm, mà toàn phải ngồi cho con bú nữa. Giờ em thấy hối hận vì đã không nghe lời mẹ. Em cậy có sức khỏe mà chủ quan quá.”, Lam chia sẻ.
Trường hợp đau lưng sau sinh nở như của Lam không phải là hiếm gặp. (ảnh minh họa)
Vì sao sau sinh lưng lại đau?
Trường hợp đau lưng sau sinh nở như của Lam không phải là hiếm gặp. Theo thống kê, có khoảng 50% chị em gặp phải vấn đề này. Nguyên nhân của triệu chứng đau lưng được cho là do trong thời gian bầu bí, tử cung của chị em mở rộng, làm suy yếu cơ bụng và làm thay đổi tư thế. Khi đó cột sống sẽ bị kéo về phía trước khiến lưng bị căng và cong hơn. Ngoài ra, sự tăng cân quá nhiều khi mang thai cũng khiến cho cơ bắp cũng như các khớp căng thẳng, chịu nhiều áp lực.
Sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian bầu bí cũng là tác nhân gây ra chứng đau lưng. Sự thay đổi này sẽ làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối với xương chậu, cột sống, khiến cho chị em cảm thấy kém ổn định hơn và gây đau khi đi, đứng, ngồi trong thời gian dài, hoặc nằm trên giường, ngồi ghế thấp, cúi xuống hay nâng vật gì đó.
Một nguyên nhân nữa được các nhà khoa học chỉ ra là do chị em cho con bú sai tư thế. Việc người mẹ thường tìm cách để bé bú thoải mái đã vô tình khiến cơ thể mình phải gập người, gồng người lên hết cỡ để nhìn con làm căng cơ cổ và lưng. Nguyên nhân này là khá phổ biến với hầu hết mẹ mới sinh con trong 1-2 tháng đầu.
Làm thế nào đây?
Khi bị đau lưng, chị em đừng có gắng chịu đựng vì như thế không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn không thể chăm sóc con yêu. Sự đau đớn đôi khi còn tạo ra tâm lý nặng nề, căng thẳng. Vậy có cách nào giúp chị em không?
Chọn tư thế cho con bú
Việc đầu tiên các mẹ có thể làm để giải quyết trước mắt vấn đề đau lưng sau sinh là chọn đúng tư thế khi cho con ‘tu ti’. Khi bế bé, các mẹ nhớ để bé nằm sát người mình để tránh tạo áp lực cho lưng phải cúi xuống. Bạn cũng đừng xoay vặn cơ thể sẽ càng làm cho lưng đau hơn.
Khi cho bé bú thì mẹ nên ngồi thẳng lưng, kể cả khi cho bé bú bình hay làm vệ sinh. Khi ngồi nên đặt chân trên một chiếc ghế nhỏ. Ngồi trên những chiếc ghế mềm mại thoải mái có tay vịn và lót một chiếc gối sau lưng. Mẹ cũng nên linh hoạt cho bé bú ở nhiều tư thế khác nhau. Nếu có thể, hãy nằm cho bé bú để được thoải mái nhất cho cả mẹ và con.
Tập thể dục giúp chị em giảm đau lưng sau sinh. (ảnh minh họa)
Tập thể dục
Sinh nở xong, bạn bận túi bụi với sữa, bỉm thì làm gì có thời gian tập thể dục? Nhưng bạn có biết rằng như thế là bạn hại chính mình không? Mỗi ngày, hãy dành ra nửa tiếng để tập thể dục giúp hồi phục sức khỏe bạn nhé. Ban đầu, các mẹ hãy chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội. Mức độ tập sẽ tăng dần khi sức khỏe các mẹ được hồi phục hẳn.
Hãy chăm chỉ tập luyện thể thao hàng ngày sẽ giảm đến mức tối đa chứng đau lưng đấy!
Không nâng vật nặng
Trong 8 tuần đầu sau sinh, các mẹ cần đặc biệt chú ý không nâng đỡ vật nặng. Ngay cả việc bế con cũng cần hạn chế và nên nhờ sự giúp đỡ của người thân nhé.
Chườm nóng
Dùng khăn ấm hoặc quấn khăn vào chai nước nóng rồi chườm nhẹ lên vùng lưng bị đau. Mỗi ngày làm đều đặn như thế khoảng 20-30 phút cũng giúp chị em giảm chứng đau lưng hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng phương pháp massage, dùng hai tay vuốt nhẹ từ hông dọc theo sống lưng đến phần cuối lưng cũng là cách được nhiều mẹ thực hiện.
Lưu ý: Một thông tin tốt lành cho chị em là chứng đau lưng sau sinh khá phổ biến đặc biệt là với những mẹ sinh mổ. Thông thường, cơn đau sẽ dịu dần và kết thúc sau một vài tháng nhưng cũng có thể kéo dài hơn tùy cơ địa từng người.
Nếu chứng đau lưng kéo dài sau một thời gian dài chăm sóc hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng (cơn đau kéo dài và ngày một tệ hơn; mất cảm giác ở chân, móng, vùng sinh dục; khó đi tiểu hoặc đi tiểu không kiểm soát được…), chị em hãy gọi bác sĩ nhé!
Đi bộ
Trong những tuần đầu cơ thể bạn còn yếu, chỉ nên đi lại trong phòng. Đi bộ sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn giúp giảm đau lưng.
Massage
Nằm nghiêng, dùng hai tay vuốt nhẹ từ hông dọc theo sống lưng đến phần cuối lưng.
Đứng thẳng, hai tay nắm hờ, tay trái vỗ vùng bụng, hông phải nhẹ nhàng , đổi bên.
Tắm nước nóng
Ngâm mình trong nước nóng giúp tăng tuầnhoàn máu và giảm đau.
Lời khuyên: Dù bạn bắt đầu bằng bài tập nào thì cũng cần lắng nghe cơ thể bạn. Nếu một vị trí hoặc hoạt động nào khiến bạn khó chịu thì hãy dừng lại ngay.
Bài tập đẩy lùi đau lưng sau khi sinh
Động tác 1: Giãn lưng
Động tác giúp đẩy lùi cảm giác mỏi khi phải bế em bé suốt ngày.
Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, tay gần vai, lòng bàn tay úp xuống sàn, khuỷu tay cong. Duỗi thẳng hai cánh tay nâng thân trước lên trong khi hông vẫn ép sát sàn. Đưa cằm hướng lên trần nhà. Giữ tư thế này trong 5 giây. Làm lại động tác 30 lần.
Động tác 2: Dựa tường
Củng cố sức khỏe vùng cơ đùi tham gia vào quá trình nâng bế bé.
Đứng tựa lưng vào tường, chân dang rộng bằng hông, hai chân trước mặt. Ép bụng, từ từ hạ người xuống sao cho đầu gối cong một góc 45 độ. Giữ 5 - 10 giây, sau đó từ từ nâng người lên vị trí ban đầu. Thực hiện động tác 30 lần.
Động tác 3: Đẩy tường
Phát huy tác dụng tốt với cánh tay và vùng lưng trên, nhóm cơ bạn cần tới khi nâng và bế em bé.
Đứng cách tường vài bước chân, tay ngang vai, khoảng cách hai tay rộng bằng vai, lòng bàn tay chống tường. Giữ lưng và chân thẳng, từ từ cong khuỷu tay, hạ người vào phía tường
Sau khi giữ ở vị trí thấp vài giây, đẩy người về trạng thái cũ. Thực hiện động tác 30 lần.
Động tác 4: Tập xương chậu
Ổn định khối cơ vùng xương chậu
Nằm ngửa, cong gối, lòng bàn chân áp sàn. Ép chặt cơ bụng, nâng cao vùng xương chậu, lưng giữ chạm sàn. Giữ vài giây rồi thả lỏng. Cố gắng tập 30 lần, chia 3 đợt.
Ngừa đau lưng sau sinh
Hiệp hội Các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Mỹ đưa ra những lời khuyên sau: Bắt đầu tập thể dục ngay khi có thể sau sinh. Cố gắng lấy lại cân nặng trước khi mang thai trong vòng 6 tuần sau sinh. Khi bồng em bé đừng xoay vặn cơ thể bạn, giữ bé gần với bạn, gập đầu gối lại, ngồi xổm xuống và nâng bé với trọng lực dồn vào đôi chân. Dùng dây đai địu em bé, không nên bồng nách trẻ. Khi cho trẻ bú, nên ngồi ghế dựa lưng, ôm trẻ đến sát ngực thay vì cúi người về phía trẻ.
(St)