Chăm sóc miệng cho trẻ sơ sinh

seminoon seminoon @seminoon

Chăm sóc miệng cho trẻ sơ sinh

19/04/2015 12:33 AM
3,326

Khi đứa trẻ sinh ra trong miệng của bé chưa có 1 chiếc răng nào, nướu (lợi) răng còn mềm. Vào khoảng 3 tháng tuổi, nướu răng của bé bắt đầu cứng dần, sau đó có màu đỏ và phồng lên, và khoảng 6 – 8 tháng tuổi sẽ có một chấm trắng xuất hiện đánh dấu vị trí chiếc răng đầu tiên xuất hiện.



Tuy nhiên cũng có những trường hợp bé mới 1 – 2 tháng tuổi, trên vùng nướu răng của bé có những nốt nhỏ nhô lên (dân gian gọi là nanh sữa) màu sắc bình thường, không đau. Đây không phải là hiện tượng mọc răng. Trong quá trình hình thành xương ở răng (xương sẽ bao xung quanh răng khi mọc ra) và mô nướu có thể tạo ra những nốt nhô, nó không gây trở ngại trong ăn uống của bé. Đến tuổi mọc răng những nốt nhô này có thể sẽ mất đi.

Chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh - Chăm sóc bé - Chăm sóc trẻ sơ sinh

Bé tuy còn nhỏ nhưng nên vệ sinh trong miệng của bé sau khi bú bằng cách:

- Cho bé uống 1 – 2 thìa nhỏ nước sạch sau khi bú.

- Dùng miếng vải sạch nhỏ tẩm nước sạch lau nhẹ ở nướu và lưỡi sau khi bú nhất là ở vùng có nanh sữa, tránh đi sâu vào vùng đáy lưỡi vì sẽ gây kích thích co bóp các cơ ở hầu họng làm cho trẻ bị nôn nhất là lúc vừa ăn no.

- Có thể làm sạch phía trong lưỡi lúc bé bụng đói, không được cho bé nằm ngửa lúc vệ sinh miệng, phải bế bé sao cho đầu thấp lúc vệ sinh miệng để tránh chất nôn chảy ngược vào khí quản gây nguy hiểm.

Cách chăm sóc tốt cho trẻ sơ sinh

Dù là người phụ nữ lần đầu hay lần thứ hai làm mẹ cũng đều bỡ ngỡ, hồi hộp khi chăm sóc con vì mỗi trẻ sinh ra có những đặc điểm khác nhau.

Bài viết dưới đây của BS. Lê Thu Hương sẽ cung cấp cho các mẹ, các bạn cách chăm sóc, theo dõi trẻ sơ sinh tốt nhất.

Chăm sóc mắt

Sau khi ra đời, do bị ép trong sản đạo, do sự kích thích của nước ối mà mắt bé có thể bị sưng đỏ, do vậy khi mới ra đời, các bác sỹ sẽ dùng thuốc nhỏ mắt để xử lý. Sau khi về nhà, mắt bé phải được giữ sạch sẽ, hàng ngày dùng tăm bông hoặc khăn mềm chấm mắt cho bé. Nếu phát hiện thấy kết mạc mắt của bé bị sung huyết, dử mắt nhiều thì phải nhỏ mắt cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ánh sáng trong phòng bé không nên quá mạnh, nhất là vào ban đêm. Ban ngày, nếu bé ngủ cũng phải kéo rèm cửa để có lợi cho sự nghỉ ngơi của mắt bé.

Ánh sáng ở hai bên đầu giường phải đều nhau, nếu một bên mạnh hơn, mắt bé sẽ có phản ứng tự bảo vệ, bên mắt đó sẽ nhắm lại. Thời gian đồng tử thu nhỏ lâu có thể làm sụp mí mắt, sự điều tiết giữa hai đồng tử không hài hoà, từ đó ảnh hưởng đến thị lực.

Chăm sóc tai

Đường tai của bé thường khô, không có chất bẩn tiết ra, không cần phải chăm sóc đặc biệt, không cần phải dùng tăm bông để ngoáy tai cho bé. Để phòng ngừa nước sữa hay dịch thể khác chui vào tai bé, khi cho bé ăn tốt nhất phải che tai bé lại, nhất là khi cho bé bú bình. Nếu không làm như vậy, sữa từ miệng bé trào ra rất dễ chui vào tai gây viêm tai giữa.

Khi bé bỗng thấy bứt rứt, khó chịu, khóc nhiều, sốt nóng thì nên kiểm tra hai tai xem bé có bị đau không. Sau khi bé đã ngủ, nếu chạm vào tai mà bé giật mình thức dậy, hoặc là khi cho bé bú, một bên tai bị chèn và bé không chịu ăn thì chứng tỏ tai bé đã bị đau, mẹ cần đưa bé đi khám sớm.

Chăm sóc mũi

Khoang mũi của bé ngắn và nhỏ, đường mũi hẹp, nhiều mạch máu, khả năng thích ứng kém, chỉ hơi bị lạnh thôi là có thể bị ngạt mũi, bé phải thở bằng mồm nên việc bú sữa rất vất vả. Khi bé bị ngạt mũi, phải kịp thời áp dụng các biện pháp sau: nhỏ một chút nước muối sinh lý vào khoang mũi của bé, chờ sau khi gỉ mũi mềm ra, thì lấy tăm bông kích thích vào mũi để bé hắt xì và làm bắn gỉ mũi ra, hoặc dùng tăm bông nhúng nước sạch lau dần khoang mũi của bé cho đến khi sạch hết gỉ. Chú ý động tác phải nhẹ nhàng, không được mạnh tay làm tổn thương đến niêm mạc mũi, làm mũi bé chảy máu. Các trường hợp nặng phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc miệng

Niêm mạc khoang miệng của trẻ sơ sinh rất nhẵn, bé lại chưa có răng nên thức ăn không có chỗ mắc lại, hơn nữa khoang miệng cũng sản xuất ra một số lượng lớn nước bọt nên tính chuyển động lớn tạo nên tác dụng làm sạch khoang miệng, khiến cho các vi khuẩn gây bệnh không dễ gì dừng lại và sinh sôi nảy nở ở đó. Do vậy thông thường không cần phải lau rửa miệng cho bé. Nhưng với các bé nuôi bộ thì phải chú ý, khi cho ăn nhiệt độ sữa không được quá nóng để tránh làm tổn thương niêm mạc khoang miệng của bé.

Có những bé ở trên lợi hay ở hàm trên xuất hiện những hạt nhỏ như hạt vừng màu trắng hoặc hơi vàng, gọi là “nanh sữa”, đây không phải là răng thực sự, cũng không phải là bệnh, mà là do các tế bào thượng bì tích tụ lại trong thời kỳ phôi thai tạo thành, sau một thời gian nó tự rụng và không để lại dấu vết, do vậy không phải xử lý gì cả. Một số nơi, vẫn có người “nhể nanh sữa”, tức là dùng kim để nhể và lấy nanh sữa đó ra, cũng có người quấn khăn vào tay chà xát vào nanh sữa để nó rụng ra, điều này rất nguy hiểm, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn.

Tư thế ngủ tốt cho bé

Khi bé nằm trên giường, mẹ phải thỉnh thoảng giúp bé thay đổi tư thế, không nên để bé nằm ngửa hoặc nghiêng quá lâu. Do xương sọ của trẻ chưa khép kín hoàn toàn, nằm mãi một tư thế thì xương sọ sẽ bị biến hình. Dù là cho bé nằm ở tư thế nào thì cũng không được quấn bé quá chặt để tránh làm cản trở đến hoạt động tứ chi và vận động ngực của bé. Thông thường sau khi bé ra đời một ngày, nên để cho bé nằm ngiêng, đầu thấp hơn chân một chút để tiện cho việc bé có thể nôn ra được các chất dịch mà bé đã có thể hít phải trong lúc được sinh ra.

Ngày thứ hai, có thể đặt cho thân trên của bé cao hơn một chút so với thân dưới, thường không cần dùng gối, nếu có gối chỉ cần gối mỏng 3-4cm. Sau mỗi lần cho bé ăn sữa nên cho bé nằm nghiêng về bên phải để không bị trớ, đồng thời để khi bị trớ, sữa không tràn vào đường hô hấp gây ngạt thở cho bé./.



 
Vệ sinh đúng chuẩn cho trẻ sơ sinh 


Chăm sóc thiên thần nhỏ thực sự là một “nghi lễ” đối với những ông bố bà mẹ trẻ.


Chăm sóc những thiên thần bé nhỏ thực sự là một “nghi lễ” đối với những ông bố bà mẹ trẻ. Bởi đó không chỉ là công việc vệ sinh thông thường mà còn là những khoảnh khắc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.

Cách giúp bé tránh bệnh ngoài da

Tắm là một trong những chăm sóc đơn giản nhất ngay từ khi bé cất tiếng khóc chào đời. Bạn nên chuẩn bị cho bé một chậu tắm bằng nhựa, một ghế gập nhỏ bằng vải xốp để đặt bé khi tay mẹ mỏi. Nước cho bé tắm dù mùa hè hay đông nên duy trì ở nhiệt độ 37 độ C, nếu nước nóng quá sẽ gây ra các vết bỏng rát trên da bé. Thời gian tắm bé không quá 5 phút.

Khi bôi sữa tắm lên da bé, mẹ dùng lòng bàn tay xoa nhẹ. Chú ý, các khăn tắm phải sạch sẽ, nếu không đó sẽ là nơi cung cấp mầm gây bệnh ký sinh. Đối với tóc, cần dùng dầu gội hàng ngày trong 4 tháng đầu tiên để nhằm loại bỏ lớp da cáy. Xoa nhẹ nhàng đầu bằng dầu gội thích hợp rồi dùng vòi nước hoa sen có nước ấm hay dùng cốc nhựa nhỏ dội thật nhẹ, từ từ lên đầu bé.

Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, quấn bé vào trong khăn tắm mềm, lau sạch mọi kẽ da để sự ẩm ướt không lưu lại, tấn công làn da nhạy cảm của bé.

Vệ sinh đúng chuẩn cho trẻ sơ sinh - 1
Chăm sóc những thiên thần bé nhỏ thực sự là một “nghi lễ” đối với những ông bố bà mẹ trẻ. (Ảnh minh họa).

Vệ sinh 'vùng kín'

Vệ sinh mông luôn đi kèm với việc thay đồ cho bé. Việc vệ sinh vùng này thường xuyên là rất tốt, giúp bảo vệ da của bé, bởi trong phân và nước tiểu có chứa axít và các vi khuẩn gây hại.

Cần chú ý làm khô da bé với khăn tắm thấm nước bằng những cái vỗ vỗ nhẹ liên tiếp, đặc biệt chú ý đến những nếp gấp ở bẹn. Cơ quan sinh dục của bé cũng cần được chăm sóc kỹ lưỡng.

Đối với một bé gái, sử dụng miếng gạc hay vải cotton ướt không có xà phòng vệ sinh trong mọi nếp gấp (kể cả những mép âm đạo) và theo hướng từ âm hộ xuống hậu môn.

Đối với bé trai, rửa sạch với một miếng gạc hay vải cotton ướt không xà phòng là sạch dương vật cũng như phần đầu của quy đầu. Làm thật nhẹ nhàng, không quá mạnh, tránh vén bao quy đầu khi bé chưa được 4 tháng tuổi.

Trong trường hợp có những nốt đỏ và tấy rát, hãy dùng thuốc mỡ hay nước rửa vệ sinh để bảo vệ và làm dịu các biểu bì ở mông. Nên dùng cho bé tã giấy chất lượng cao để có thể yên tâm hoàn toàn về làn da bé ở những vùng nhạy cảm nhất của cơ thể.

Thay quần áo

Công việc này phải thực hiện 6-10 lần/ngày trong những tháng đầu tiên với các thao tác thuần thục.

Quần áo, bao tay, bao chân, tã giấy... cần thiết phải được chuẩn bị đầy đủ và ngay cạnh nơi mẹ thay đồ cho bé. Đặt nhẹ nhàng bé nằm duỗi thẳng trên giường hay bàn quấn tã, ở dưới lót một chiếc khăn vệ sinh sạch. Mở từng lớp tã, đầu tiên là vệ sinh phần mông rồi gấp tã lại đặt dưới mông. Sau đó lấy tã bẩn đi, thay bằng tã sạch.

Chú ý khi buộc tã, nút buộc phải cao hơn rốn, với bé trai, cần để "trái ớt" của bé phía dưới nút buộc để không bị dịch chuyển lên phần trên khiến bé đau. Trong khi thay tã, không được rời bé một giây và 1 tay luôn giữ bé để phòng những tình huống rủi ro như bé ngọ nguậy rồi ngã....

Vệ sinh đúng chuẩn cho trẻ sơ sinh - 2
Tắm là một trong những chăm sóc đơn giản nhất ngay từ khi bé cất tiếng khóc chào đời. (Ảnh minh họa).

Vệ sinh cuống rốn

Cuống rốn sẽ tự rụng trong khoảng từ 5-15 ngày. Rất nhiều bác sĩ khuyên các bà mẹ cần chú ý vệ sinh đến vùng nhạy cảm, luôn để thoáng khí để cuống rụng nhanh. Chú ý khi quấn tã, không động đến vùng này và khi cuống rốn rụng, vết sẹo nhỏ sẽ nhanh chóng liền lại. Nhưng khi thấy có các biểu hiện bất thường như cuống rốn tấy đỏ thì cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.

Vệ sinh mắt

Khi mới sinh, đôi mắt của bé rất yếu ớt, lông mi thường bị dính vào buổi sáng. Dùng một miếng gạc (bông) tiệt trùng tẩm huyết thanh sinh học (nước muối sinh lý) để lau sạch mắt cho bé, mỗi bên một miếng riêng biệt. Bắt đầu từ vùng sạch nhất để tránh giây ghèn mắt ra các khu vực khác.

Bạn đừng quá lo lắng khi thấy ghèn mắt màu trắng, đôi khi có kèm với ít máu, đó không phải là triệu chứng của nhiễm trùng. Nguyên nhân là do việc giảm progesteron lấy từ cơ thể mẹ khi còn trong bụng mẹ nên hiện tượng này sẽ tự biến mất. Để yên tâm hơn, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.

Vệ sinh mũi

Thường xuyên lau mũi cho bé bằng những miếng bông nhỏ khử trùng, tẩm huyết thanh sinh học (nước muối sinh lý) mỗi bên lỗ mũi dùng một miếng bông vệ sinh riêng. Hết sức cẩn thận khi đưa miếng bông vào sâu trong cánh mũi, ngoáy thật nhẹ để lấy đi hết các chất nhớt. Các bé không hề thích thú với hành động này đâu.

Vệ sinh tai

Đối với tai, không được sử dụng các dụng cụ có đầu nhọn để làm sạch vành và tai giữa. Chọn một miếng bấc bằng cô-tông khô, làm thật khéo, nhẹ nhàng để không làm thủng màng nhĩ của bé. Khi thao tác, bạn cần giữ đầu của bé thật chắc để tránh bé ngọ nguậy, khiến việc vệ sinh không an toàn.

Vệ sinh móng tay

Kiểm tra tình trạng móng tay của bé nhiều lần trong tuần và chỉ khi bé tròn 1tháng tuổi thì mới được cắt móng tay. Nếu chúng quá dài hay bị gãy thì cần sửa móng tay của bé ngay. Sử dụng những chiếc bấm móng tay thật sắc, đầu tròn phù hợp, tránh để lại những miếng mẩu móng tay thừa ở hai bên móng, đó có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm và đặc biệt không nên cắt móng tay quá ngắn.



Cách tắm cho bé sơ sinh chưa rụng rốn
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh
Bé sinh thiếu tháng
Mẹo giúp bé ngủ ngon giấc cực kì đơn giản
Vết bớt, chàm ở trẻ sơ sinh
Tắm rửa và làm vệ sinh cho bé sơ sinh
Giữ ấm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông


(st)



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý