Hướng dẫn trồng khoai lang cho củ nhiều

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Hướng dẫn trồng khoai lang cho củ nhiều

19/04/2015 11:26 AM
2,893
Cùng tham khảo những hướng dẫn trồng khoai lang cho củ nhiều nhé. Khoai lang có khối lượng đường bột (cacbonhydrat), vitamin A và năng lượng cao hơn so với lúa mì, lúa nước, sắn. Khoai lang được sử dụng củ và lá để làm thức ăn gia súc, chế biến bột, rượu cồn, bánh kẹo và gần đây đang được nghiên cứu để làm màng phủ sinh học (bioplastic).


Kỹ thuật trồng khoai lang


Kỹ thuật trồng khoai lang

Kỹ thuật trồng khoai lang

I.CHỌN ĐẤT TRỒNG KHOAI
 
Đất nào cũng trồng được khoai, nhưng không ai trồng khoai trên đất sét nặng vì khó trồng, khó nhổ, năng suất lại thấp. Trên cao nên chọn đất thịt hoặc thịt pha cát như ở Cù Lao, đất cận giồng hoặc giồng cát. Dưới ruộng, những chân đất hơi thấp còn nhiều chất hữu cơ như vùng An Mỹ, Đại Hải, Ba Trinh thuộc huyện Kế Sách hoặc vùng Tân Thạnh thuộc huyện Long Phú v.v.. đều rất trúng mà tốn ít phân hóa học.
 
II. THỜI VỤ TRỒNG KHOAI
 
Khoai lang có thể trồng được quanh năm, nhưng chỉ trúng khi có nắng nhiều lúc vào củ. Nhiều vùng rất phù hợp trong vụ Đông Xuân sớm như đất giồng cát Vĩnh Châu nhưng bà con lại trồng hành vì lợi nhuận cao hơn. Ở sâu trong đất liền, vùng đất cận giồng có rất nhiều, có thể trồng khoai lang vụ Đông Xuân sớm rất phù hợp như ở vùng Đại Tâm nhưng chưa có mô hình để so sánh với lúa nên bà con nông dân hiện đang trồng lúa. Vài năm gần đây bà con nông dân vùng Cù Lao Dung biết trồng khoai lang sau vụ mía, bắp ( trồng sau mồng 3 tháng 10 khi mùa mưa về cơ bản đã dứt) đạt kết quả cũng khả quan.
 
Ở tỉnh Vĩnh Long có 9.000 ha khoai lang được trồng như vậy cho hiệu quả rất cao. Những năm gần đây từ khi người tiêu dùng có xu hướng đa dạng hóa nhu cầu lương thực, những vùng làm lúa Đông Xuân sớm, khoai lang được trồng từ sau tết Nguyên Đán, thu hoạch sau 3 tháng đạt năng suất cao. Nếu muốn có năng suất cao hơn rải thêm 2kg Furadan/công để ngừa sùng thì đến tháng thứ năm có thể đạt 40tấn/ha hoặc hơn.
 
III. CHUẨN BỊ ĐẤT TRỒNG KHOAI
 
Làm đất là một khâu quan trọng để giúp khoai lang đạt năng suất cao. Vụ Hè Thu ở Vĩnh Châu nông dân chỉ cuốc đất khi mưa đã ướt thấm đất (vùng đất cát). Trái lại ở dưới ruộng có sét nông dân phải giữ ráo để đất trong nhân giồng không bị lầy, sau này củ khó lớn. Rơm, cỏ tươi (nếu có) đều được ốp vào nhân giồng. Trong điều kiện có hữu cơ hoai mục sẵn (càng nhiều càng tốt), chúng ta có thể pha 100gr Tricho vào nước và tưới vào đống phân này sau đó rải lên lớp rơm, cỏ tươi rồi vun luống lấp kín lại trước khi đặt dây thì sẽ tạo được hầm ủ lộ thiên rộng lớn. Sau 50 ngày phân tươi này đã hoai mục cùng lúc củ khoai bắt đầu lớn sẽ đạt năng suất cao đến không ngờ. Ở vùng đất cỏ, có bùn nhân giồng bị ướt từ khi đánh liếp củ khó lớn, nông dân đành phải chọn giống khoai lang trắng củ nhỏ nhưng nhiều củ, khoảng cách giữa hai đỉnh liếp xa nhất ở Vĩnh Châu là 1,4m, nhỏ nhất khi trồng dưới ruộng ở Tân Qưới, Tân Lược là 1m (vụ Xuân Hè nắng nhiều, đất thịt). Chiều cao từ mương đến đỉnh giồng từ 40cm dưới ruộng trên đất thịt ở Tân Qưới, và 60cm ở Vĩnh Châu (cần phải vun cao vì giồng dễ bị sạt ở đất cát).
 
Dầu vun giồng cao hay thấp thì mương rãnh vẫn phải thông vào mùa mưa vì khoai rất sợ bị úng. Nếu củ bị ngập dầu chỉ một đêm là đã giảm năng suất đáng kể. 
 
Tuy rằng ít ai làm nhưng việc phun thuốc cỏ tiền nảy mầm Ronstar trước khi trồng vẫn có hiệu quả đáng kể vì chi phí thuốc chưa đến một công lao động.
 
Trên đất cao, cơ cấu đất nhẹ nông dân chỉ dùng cuốc, trên đất ruộng dùng giá (len), trên đất cỏ nông dân có công cụ chuyên dùng đặc biệt để làm giồng nhanh. 
 
IV. CÁC GIỐNG KHOAI VÀ CHUẨN BỊ  HOM GIỐNG
 
Khoai lang có rất nhiều giống với nhiều đặc điểm thích nghi, màu sắc, hương vị và độ ngọt khác nhau và do vậy giá bán cũng khác nhau. Chỉ một vùng nhỏ ở xã Tân Qưới (Vĩnh Long) đã có gần chục giống như Tím Nhật, Tàu Nghẹn, Bí Đường Xanh, Bí Đường Đỏ, Nghệ Nhật, Viên Ngọc, Khoai Sữa .v.v… Giống do công ty  SAOTA đầu tư có tên là Beniazuma được nhập từ Nhật là giống củ to, dài và số củ trung bình. Giống này có vỏ đỏ, ruột hơi vàng, độ đường cao. Giống khoai này có lá lớn bóng đẹp, dây có khuynh hướng bò nhiều. Đối với giống này cần có biện pháp bón phân sao cho khổ lá không quá lớn.
 
Theo kinh nghiệm dân gian, bà con chọn củ suôn, dài, tròn trịa không trầy xước gác lên giàn để dành làm giống. Bà con thường giâm khoai trước khi trồng 2 tháng để cắt được 3 lứa dây. Lứa đầu tiên ít hom, cắt sau khi trồng 1 tháng có công dụng kích thích dây mọc nhanh. Lứa 2 và 3 cách nhau nửa tháng mới là quan trọng vì thu được hom tốt nhất. Các lần cắt sau hom xấu dần. Đặc tính hom tốt là:
 
- Mập mạnh, nhặt mắt (hom dài 30 - 40cm có 6-8 mắt), (hom trồng dưới ruộng chỉ cắt dài khoảng 25cm là đủ).
- Ít rễ.
- Là hom từ đọt chánh.
- Đặc biệt là hoàn toàn không bị xoăn lá do virus vì sẽ làm củ có xơ.
 
Hom cắt xong được để trong chỗ mát từ 1-2 ngày mới trồng sẽ phát nhanh hơn. Bà con cũng không chất đống cao. Hom được cắt vào buổi chiều sẽ có nhiều nhựa và ít héo hơn buổi sáng.
 
Khoai được trồng theo phương pháp  Thẳng dây – xuôi hàng – nối tiếp nhau – lú đọt. Nên trồng cạn củ sẽ tốt hơn, trồng lấp 3-4 đốt.
 
Do ở Sóc Trăng quen cắt hom dài và làm giồng lớn nên lượng hom cần chỉ khoảng 3.000 hom/công. Trong khi ở Tân Qưới do làm giồng nhỏ và xài hom ngắn nên nhu cầu cao gấp 4 lần ở Sóc Trăng.
 
V. PHÂN BÓN VÀ THUỐC BẢO VỆ 
 
Nếu trồng khoai ở vùng đất cỏ ( đất biền ven sông) hoặc đất có nhiều hữu cơ như ở Ba Trinh, Đại Hải thì chi phí phân bón sẽ thấp hơn là trồng ở đất cao. Trái lại trên đất cao mà thiếu phân ủ thì năng suất sẽ hạn chế.
 
* BÓN LÓT:
1. Đối với đất ruộng có nhiều hữu cơ:
- Pha 100g Tricho-ĐHCT vào bình phun thẳng vào nhân giồng + 50kg NPK 20-20-15 .
- Hoặc nếu tiết kiệm hơn thì 30kg NPK 20-20-15 + 30 kg Super lân (nếu thay bằng phân Indo hạ phèn thì tốt hơn). 
- Nếu mùa khô cần kèm 2kg Furadan/công trong lần bón này.
 
2. Đối với đất ruộng có nhiều rơm cỏ tươi: thì bón 50kg vôi lạt + 50 kg NPK 20-20-15. Đồng thời pha 100gr Tricho-ĐHCT phun vào phân ủ rồi bón (càng nhiều càng tốt cở vài trăm kg/công trở lên).
 
3. Đối với đất cao: bón khi vun giồng nửa chừng, một bao NPK 20-20-15, nếu có xài phân ủ thì mới xài Tricho- ĐHCT.
 
* BÓN THÚC:
Lúc 25-30 ngày sau khi trồng : 5kg Ure + 5kg Kali đỏ ( có 60% K2O). 
 
Dùng cán giá xom lỗ để bỏ phân.
 
* BÓN NUÔI CỦ:
Lúc 50 ngày móc xem rễ củ có tượng hình củ khoai rõ nét chưa. Chỉ bón nuôi củ khi sự tượng củ đã rõ ràng dù củ còn rất nhỏ (bằng chiếc đũa). Xem màu lá để định lượng phân.
 
- Nếu có củ bằng chiếc đũa mà lá vẫn còn khá xanh chỉ bón 10kg Kali đỏ (loại 60% K2O).
- Nếu lá hơi xuống màu, bón thêm 5kg Ure + 10kg Kali đỏ 
Trên đất cao nên pha 100gr Kali trắng (K2SO4)/16 lít nước phun thêm sẽ rất   tốt
- Luôn trộn thêm 2kg Furadan vào phân để bón ngừa sùng vào cử bón này.
 
CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG
 
- Khi nhân giồng có khả năng sinh phèn (có cỏ tươi) thì phải lót vôi.
- Đất đen (có nhiều hữu cơ) chỉ cần thêm Lân.
- Phân Lân đều phải bón lót ở lần đầu tiên.
- Phân Kali xài nhiều nhất ở lần bón nuôi củ. Kali là nhân tố quyết định năng suất khoai
- Bón nuôi củ sai ngày sẽ làm giảm năng suất.
- Khoai quá lứa khoai sùng. Vì vậy muốn neo khoai phải thêm một cử Furadan.
 
VI. CHĂM SÓC 
1. Tưới nước:
 
- Mới vừa trồng cần tưới nước ngay nếu đất thiếu ẩm.
- Trong vụ Đông Xuân sớm cũng cần phải tưới.
- Ở Tân Lược (Vĩnh Long) nông dân làm mương khoảng cách 6m. Họ tưới bằng cách dùng ống có Ø 49mm được xom lỗ phía dưới do hai người cầm ở hai đầu. Nguồn nước được cung cấp từ một thuyền bơm nhỏ. Thuyền bơm vận hành bằng động cơ xăng 4HP. Nhờ hệ thống mương liên thông hai người có thể tưới trên 2 ha/ngày.
- Vào mùa khô năng suất khoai phụ thuộc rất lớn vào nước tưới. Tưới đủ cũng làm giảm thiệt hại do sùng.
 
2. Bấm ngọn:
 
Sau khi trồng khoảng 25 ngày, dây chính mọc dài 30cm, ta tiến hành bấm ngọn để giúp khoai phân nhánh, sớm ra nhiều nhánh mới. Hạn chế dây bò dài là cách làm tăng năng suất.
 
3. Giở dây:
 
Nhằm bớt ra rễ phụ, chừa sức tập trung nuôi rễ củ. Cần giở dây hai lần
- Lần 1 : Lúc trồng khoảng 25 ngày kết hợp với bấm đọt và làm cỏ.
- Lần 2 : Lúc trồng được 50 ngày, cùng lúc với bón phân nuôi củ.
Chú ý : Chỉ giở dây kết hợp với làm cỏ rồi thả trở xuống chớ không lật dây. 
 
VII. THU HOẠCH:
 
1. Thời điểm:

Lúc nào thu hoạch lời nhất là bài toán kinh tế của nông dân. Theo lệ tự nhiên thì củ già khi lá ở gốc xuống màu, có rụng và chẻ củ ra 3 phút mà không đen là khoai đã tới lứa, có thể thu hoạch.
 
Trong hợp đồng với các công ty bà con nông dân cần chú ý bón phân theo hướng dẫn để củ mau lớn, mau tới lứa và phối hợp xác định ngày thu hoạch.
 
2. Công cụ thu hoạch:
 
- Ở Sóc Trăng bà con cuốc giồng lớn nên dụng cụ để thu hoạch là lưỡi hái để cắt dây và cuốc để banh hai mép giồng ra trước khi cuốc lật.Ở Tân Lược họ làm giồng nhỏ nên có thể dùng cào đinh ba loại lớn để lật giồng mà không cần cuốc.
 
3. Cất trại ngoài đồng:
 
- Ở Sóc Trăng qui mô trồng khoai còn nhỏ lẻ nên nhổ xong được thu gom về nhà. Ở Tân Lược do qui mô lên đến hàng ngàn hecta/xã, sản lượng nhiều nên họ phải cất trại để làm vệ sinh và phân hạng khoai tại ruộng. Như vậy sẽ giảm được trầy xước và công cán.
 
VIII. THU NHẬP VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ 
 
Do thói quen tiêu dùng lương thực đang chuyển đổi, khoai lang  có giá trị cao hơn trước kia nhiều. Hơn nữa trồng khoai xuất khẩu, được bao tiêu giá ổn định là một đảm bảo cho nông dân đạt thu nhập ổn định 60-70-80 triệu đồng/ha tùy năng suất đạt được, trong đó lợi nhuận chiếm 50%.
 
Xây dựng các cơ cấu luân canh Hành- Khoai- Hành, Mía-Khoai, Lúa-Khoai-Lúa v.v... Vừa giúp chuyển đổi cơ cấu đất vừa cắt vòng đời sâu bệnh – vừa tạo thu nhập cao – cho nên trong những năm tới KHOAI LANG là một mắt xích quan trọng trong cơ cấu luân canh chớ không chỉ 1000ha/năm với năng suất bình quân 11tấn/ha như hiện nay.

IX. KHOAI LANG TRONG CƠ CẤU LUÂN CANH
 
Trong vụ Xuân Hè 08 ở Tân Quới do trúng mùa, trúng giá bà con trồng lại khoai lang vụ Hè Thu. Theo kinh nghiệm dân gian, năng suất sẽ giảm, chỉ nên trồng tối đa một vụ/năm, vụ sau nên trồng luân canh với cây khác.



Kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai lang Nhật


Hiện nay, khoai lang Nhật được một số nông dân trong tỉnh chọn trồng. Ưu điểm của giống khoai này là năng suất cao, dễ trồng và được thị trường ưa chuộng. Dưới đây là một số phương pháp canh tác giúp cây khoai lang có năng suất chất lượng tốt hơn.

Đặc điểm của khoai lang Nhật là thân to mập, ít phân cành và có màu tím. Khả năng sinh trưởng phát triển mạnh, thời gian sinh trưởng 105 - 120 ngày. Năng suất 9 - 15 tấn/hécta. Dạng củ thuôn dài, vỏ củ nhẵn màu tím, ruột màu vàng đậm. Hàm lượng chất khô 27 - 33%. Phù hợp ăn tươi, chế biến, xuất khẩu.

1/ Chọn giống

- Giống khoai lang để trồng có thể dùng dây hoặc củ. Dây giống phải đảm bảo khỏe mạnh, không sâu bệnh chưa ra rễ và hoa, dây bánh tẻ. Tuổi dây từ 45 - 75 ngày tuổi. Chỉ sử dụng dây đoạn 1 và 2 kể từ ngọn để làm dây giống, độ dài dây giống từ 25 - 30cm.

2/ Thời vụ

- Khoai lang có thể trồng được quanh năm, thích hợp nhất vẫn là trồng vào tháng 2, 3 hoặc tháng 8, 9 hàng năm.

3/ Chuẩn bị đất trồng

- Đất trồng phải được cày bừa kỹ, tơi xốp và làm sạch cỏ, sau đó lên luống rộng từ 1,2 - 1,5m, cao khoảng 35 - 40cm. Lên luống nên chọn hướng Đông Tây là thích hợp nhất.

4/ Cách trồng

- Trồng khoai lang Nhật nên chọn khi đất ẩm, thời tiết mát mẻ.

- Mật độ trồng: thích hợp là từ 38 - 40 ngàn khóm/hécta. Khoảng cách dao động 5 - 6 dây/m chiều dài luống. Trồng hàng đơn, vùi dây giống ở giữa dọc theo luống và nối đuôi nhau. Đồng thời, đoạn dây này song song với mặt luống. Ngọn phải ở trên mặt luống 5 - 10cm (2 đốt), vùi dây độ sâu vùi khoảng 5cm.

5/ Phương pháp bón phân

- Một hécta khoai lang Nhật bón từ 10-15 tấn phân chuồng, 60kg ure, 90kg kali và 30kg phân lân.

- Khi bón phân chia ra thành 3 đợt để cây khoai lang hấp thụ hết lượng phân bón.

- Lần 1: Bón lót tất cả lượng phân chuồng, phân lân và 30% phân đạm, 20% phân kali.

- Lần 2: Bón sau khi trồng khoảng 20 - 25 ngày. Lượng phân bón là 50% phân đạm và 30% phân kali.

- Lần 3: Bón phân sau khi trồng 40 - 45 ngày. Bón tất cả số lượng phân đạm, phân kali còn lại. 

6/ Chăm sóc

- Sau khi trồng khoai lang Nhật được 20 - 25 ngày thì tiến hành xới đất, làm sạch cỏ và kết hợp bón phân lần 2. Đồng thời vun nhẹ vào gốc cho cây khoai lang.

- Sau khi trồng khoai được 40 - 45 ngày,  xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón phân lần 3 và vun nhẹ.

- Thường xuyên giữ đất ẩm, độ ẩm thích hợp khoảng 65 - 80%. Nếu vụ khoai lang gặp khô hạn thì cần phải tưới rãnh cho nước ngập 1/2 - 2/3 luống.

- Sau trồng khoảng 25 - 30 ngày tiến hành bấm ngọn để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá giai đoạn đầu và tăng cường tích lũy chất hữu cơ. Nhấc dây làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng về củ. Nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ không lật dây, tránh gây tổn thương đến thân lá.

- Thường xuyên thăm đồng phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

7/ Phòng trừ sâu hại

- Có 2 loại sâu bệnh hay hại khoai lang Nhật là sùng non và bọ trưởng thành. Để giảm bớt sâu bệnh trên cây khoai lang nên trồng luân canh vụ khoai, vụ lúa, vụ bắp. Sau khi thu hoạch gom toàn bộ dây khoai, đặc biệt là những củ khoai đã bị sùng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để hạn chế bớt mật số sùng ở các vụ sau. Nếu có sẵn nước thì cho nước ngâm ruộng vài ngày diệt sùng, nhộng nằm trong đất. Ngâm hom giống trước khi trồng trong dung dịch thuốc Oncol 20EC (30ml/10 lít nước) hoặc Oncol 25WP (25g/10 lít nước) trong 30 phút, sau đó vớt hom ra để ráo rồi trồng.

- Ở giai đoạn hình thành củ, rắc thuốc hạt Lorsban 15G (6 - 8kg/hécta) kết hợp vun luống khoai cao, phủ kín gốc. Tưới nước sau khi rắc thuốc và thường xuyên tưới đủ ẩm cho luống khoai. Chú ý thời gian cách ly của thuốc Lorsban 15G là 21 ngày.

8/ Thu hoạch

- Khi cây khoai lang có biểu hiện ngừng sinh trưởng, các lá phần gốc ngả màu vàng, bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa thì tiến hành thu hoạch. Thu hoạch vào những ngày khô ráo, không làm tổn thương xây xát, bong vỏ ảnh hưởng đến mẫu mã và làm giảm giá trị sản phẩm.



Quy trình sản xuất khoai lang K51


Nguồn gốc - đặc điểm: - Giống khoai lang K51 được lai giữa giống CN 1028-15 (nhập từ CIP-Philippines) với giống khoai lang số 8.


- Giống K51 có tính thích ứng rộng, trồng nhiều vụ trong năm, nhờ có thời gian sinh trưởng ngắn 70-80 ngày. Ở vụ đông trồng đến giữa tháng 11 hàng năm.
- Giống K51 có thân lá đều xanh đậm, không có vị chát, thích hợp làm rau xanh cho chăn nuôi, đốt thân ngắn, lá hình tim
- Củ K51 hình thành rất sớm và nông từ các đốt thân nằm sát mặt luống. Củ hình thoi, vỏ củ nhẵn màu vàng nhạt, thịt củ màu vàng đỏ.
- Sau khi bảo quản 15-20 ngày trở đi, tỷ lệ chất khô, tinh bột và đường đều tăng dần.

Vị trí giống K51:

- Giống K51 có khả năng trồng 4 vụ liên tiếp trong năm nhằm giải quyết thức ăn cho chăn nuôi, tăng hệ số sử dụng đất, giải quyết công ăn việc làm khi nông nhàn và tăng thu nhập.

- Sản xuất ở điều kiện bình thường, giống K51 cho năng suất từ 16-25 tấn củ và 10 – 15 tấn thân lá trên 1ha trong quỹ thời gian 70-80 ngày. Nếu được thâm canh, trồng đúng kỹ thuật mới và bón phân cân đối NPK nhất là kali, sẽ đạt năng suất cao từ 30-40 tấn củ và 15-30 tấn thân lá trên 1ha.

Kỹ thuật trồng giống K51

Đất:

- Yêu cầu đất thoát nước, vụ đông chỉ nên đánh luống hẹp từ 0,9-1,1m và độ cao như bình thường từ 35-45cm

- Làm đất, bỏ phân, lên luống cần tạo rãnh nông ở giữa luống để trồng dây K51.

Bón phân:

- Mức trung bình: phân chuồng 10tấn/ha; phân hóa học: N: P: K theo tỷ lệ 30: 40: 60 cho 1 ha

- Mức cao hơn: phân chuồng 15 tấn/ha, phân hóa học: N: P: K theo tỷ lệ 60: 80: 100 cho 1 ha, tuỳ loại đất mà điều chỉnh tỉ lệ trên cho thích hợp.

Kỹ thuật trồng:

- Cắt dây chỉ dùng đoạn 1 và 2, dây dài 25-30cm, không có rễ trên dây, khoảng từ 1200-1500 dây cho 1 sào bắc bộ (trồng 5 dây trên 1m dài)

- Cách trồng: phải trồng nông theo kỹ thuật mới (không trồng sâu và áp tư­ờng) là: đặt dây thẳng dọc theo luống, nối đuôi nhau và dùng tay lấp đất, đập nhẹ (đất cát, thịt nhẹ lấp 5-7cm, đất thịt nặng 4-5cm), chú ý giữ phần dây đ­ược lấp ở giữa luống theo rãnh và thẳng không bị cong.

Chăm sóc:

- Tuần đầu sau khi trồng nên t­ới nước giữ ẩm để tỷ lệ cây sống được bảo đảm.

- Chú ý bón thúc sớm ở giai đoạn 30-40 ngày sau trồng và vun cao, lấp kỹ gốc để củ phát triển.

- Sau giai đoạn trên có điều kiện và gặp hạn nhất là vụ đông, cần được t­ới đủ ẩm để kích thích phình to củ. (nước ngập 2/3 luống, củ ngấm và phải tháo nước đi ngay – Không để tràn mặt luống khoai).

Thu hoạch - bảo quản:

- Nếu các vụ có nhu cầu cắt dây cho chăn nuôi, nên cắt dây sau khi thân lá đã phủ luống. Nên cắt tỉa nhánh dây ra trước và nằm sát mặt đất, không tỉa dây chính. Mỗi gốc chỉ nên tỉa từ 1-2 dây nhánh.

- Sau trồng 70-80 ngày ta có thể thu hoạch củ (vụ đông 70-90 ngày). Nếu để quá thời gian trên củ dễ bị nảy mầm trên ruộng.

- Nếu bảo quản củ để ăn dần: dùng cát hoặc tro bếp khô rải đều với củ và phủ lá xoan lên trên để tránh bọ hà phá hoại củ.




Hướng dẫn trồng hoa cảnh trong nhà
Hướng dẫn trồng cây dâu tây năng suất cao
Hướng dẫn trồng cây xương rồng
Hướng dẫn trồng cây ăn trái trong chậu
Hướng dẫn trồng cây xoài đúng kĩ thuật cho quả to
Hướng dẫn trồng quất sau tết


(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý