Triệu chứng khi bị AIDS có thể bạn chưa biết

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Triệu chứng khi bị AIDS có thể bạn chưa biết

19/04/2015 11:53 AM
183

Trong vòng 1-2 tháng sau khi HIV xâm nhập vào cơ thể, 40% đến 90% mọi người sẽ trải qua các triệu chứng giống cúm, còn gọi là giai đoạn cửa sổ (ARS). Chúng ta cùng tìm hiểu những triệu chứng khi bị AIDS nhé!


DẤU HIỆU CÓ THỂ BẠN NHIỄM HIV



Nhưng đôi khi các triệu chứng nhiễm HIV không xuất hiện trong nhiều năm trời, thậm chí cả thập kỷ. Vì không thấy triệu chứng, nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Do đó, điều quan trọng là phải xét nghiệm, đặc biệt nếu bạn từng quan hệ tình dục không an toàn với nhiều hơn một người, hoặc tiêm ma túy vào tĩnh mạch.

Dưới đây là một vài dấu hiệu có thể bạn đã dương tính với HIV.

1. Sốt

Dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn cửa sổ có thể là sốt nhẹ, khoảng 38,8 độ C. Sốt, nếu có xảy ra, thường đi kèm với các triệu chứng nhẹ khác như mệt mỏi, sưng tuyến bạch huyết, đau họng.

Ở thời điểm này, virus đi vào trong mạch máu và bắt đầu nhân lên với số lượng lớn. Do đó, nó gây ra phản ứng kích thích ở hệ miễn dịch.

2. Mệt mỏi

Phản ứng của hệ miễn dịch cũng có thể khiến bạn thấy mệt khác thường và buồn ngủ lịm. Mệt mỏi có thể là dấu hiệu sớm hoặc muộn của HIV.

 3. Đau cơ, đau khớp, sưng hạch bạch huyết

Giai đoạn cửa sổ thường bị nhầm với cúm, hoặc các nhiễm trùng khác, thậm chí là giang mai, viêm gan. Điều đó không ngạc nhiên, vì nhiều triệu chứng của các bệnh này giống nhau.

4. Đau họng và đau đầu

Cũng giống như các triệu chứng khác, đau họng và đau đầu có thể nhận ra nếu bạn đang ở giai đoạn cửa sổ. Nếu bạn nhớ gần đây mình có sex nguy cơ không an toàn thì nên đi kiểm tra HIV lúc này. Điều này còn mang lại sự an toàn cho người khác, bởi đây cũng là giai đoạn HIV dễ lây nhất.

Cũng nên nhớ lúc này cơ thể chưa tạo ra kháng thể chống lại HIV, vì thế xét nghiệm kháng thể có thể không thấy. Hãy chọn phương án khác như phát hiện ARN virus, nhất là trong vòng 9 ngày sau khi nhiễm.

5. Phát ban trên da

Phát ban trên da có thể xảy ra ở giai đoạn sớm hoặc muộn của bệnh. Các vết sưng, hồng, ngứa trên da nếu không có lý do thỏa đáng, bạn nên nghĩ tới xét nghiệm HIV.

6. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy

Khoảng 30-60% mọi người có buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy ngắn hạn trong giai đoạn sớm của HIV.

7. Giảm cân

Giảm cân (AIDS wasting) là dấu hiệu bệnh trở nặng, có thể đi kèm với tiêu chảy nghiêm trọng. Khi bạn giảm cân, nghĩa là hệ miễn dịch đang suy kiệt dần, dù bạn có ăn nhiều hết mức. Tuy nhiên, hiện tại, nhờ liệu pháp kháng virus, tình trạng này đã giảm dần.

Một người được xem là giảm cân nếu mất hơn 10% trọng lượng cơ thể và có tiêu chảy, mệt mỏi, sốt trong hơn 30 ngày.

8. Ho khan

Những cơn ho âm thầm có thể kéo dài nhiều tuần (mà kháng sinh, thuốc chống dị ứng, thuốc xông... đều vô tác dụng) là triệu chứng điển hình ở bệnh nhân HIV đã rất nặng.

9. Viêm phổi

Ho và giảm cân có thể là chỉ báo về một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra, mà bình thường nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh bạn không thể mắc.

10. Đổ mồ hôi đêm

Khoảng một nửa bệnh nhân đổ mồ hôi trộm vào ban đêm trong giai đoạn đầu nhiễm HIV. Tình trạng này thậm chí còn phổ biến hơn vào giai đoạn sau, và không có liên quan đến việc tập thể dục hay nhiệt độ trong phòng.

Tương tự như những cơn bốc hỏa ở phụ nữ thời mãn kinh, những cơn đổ mồ hôi trộm này cũng khó mà kiểm soát, có thể gây ướt ga trải giường của bạn.

11. Thay đổi ở móng

Một dấu hiệu khác ở giai đoạn muộn nhiễm HIV là thay đổi ở móng tay chân, chẳng hạn móng dày lên, cong queo, móng bị chẻ, hoặc biến màu (có các sọc đen, nâu nằm dọc hoặc ngang).

Thường thì tình trạng này là do nhiễm nấm. Bệnh nhân có hệ miễn dịch suy kiệt sẽ nhạy cảm hơn với nhiễm nấm.

12. Bệnh nấm

Một loại bệnh nấm khác người có HIV hay gặp ở giai đoạn muộn là bệnh tưa miệng - do nấm Candida gây ra, thường gây khó nuốt.

13. Khó tập trung

Rối loạn nhận thức có thể là một dấu hiệu của chứng mất trí liên quan đến HIV, thường xảy ra muộn trong tiến trình bệnh. Nó còn liên quan đến khả năng ghi nhớ, và các vấn đề về hành vi như giận dữ, cáu kỉnh.

14. Herpes ở miệng hoặc cơ quan sinh dục

Chúng có thể là dấu hiệu của giai đoạn cửa sổ và cả giai đoạn cuối nhiễm HIV. Người mang HIV thường có xu hướng có nhiều đợt bùng phát herpes nghiêm trọng hơn bình thường do HIV làm suy yếu hệ miễn dịch.

Bản thân việc bị herpes cũng là một yếu tố nguy cơ nhiễm HIV.

15. Các cơn đau nhói ở chi 

Nhiễm HIV giai đoạn muộn có thể gây tình trạng tê và đau nhói ở tay, chân. Đó là khi các tế bào thần kinh bị phá hủy.

16. Rối loạn kinh nguyệt

Bệnh khi tiến triển sẽ làm tăng nguy cơ thất thường kinh nguyệt, chẳng hạn số lần có kinh ít hơn, lượng máu kinh ít đi. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là do sự giảm cân hoặc sức khỏe kém ở những người đã vào giai đoạn muộn, chứ không phải do bản thân việc nhiễm virus.

Người nhiễm HIV cũng mãn kinh sớm hơn vài năm.


TRIỆU CHỨNG NHIỄM HIV VÀ DẤU HIỆU CHUYỂN SANG BỆNH AIDS

Hiện nay tình trạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục đã phát triển đáng báo động, trong đó có các trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS. Khi xã hội có hoạt động mở rộng trong các mối quan hệ, các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy chưa thể kiểm soát hết đã làm cho dịch bệnh HIV/AIDS lưu hành và nhiều người bị mắc bệnh. Cần biết triệu chứng nhiễm HIV và dấu hiệu chuyển sang bệnh AIDS để có thái độ xử trí đúng đắn.

HIV và AIDS khác biệt thế nào ?

HIV là chữ viết tắt cụm từ tiếng Anh: Human Immunodeficiency Virus, đây là một loại virus gây ra sự suy giảm miễn dịch ở người. Khi xâm nhập vào cơ thể con người, HIV sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, do đó người nhiễm HIV dễ bị các bệnh nhiễm trùng khác. HIV không chỉ lây truyền theo đường tình dục mà còn có thể lây truyền qua đường máu như tiêm chích, truyền máu, sản phẩm từ máu hoặc lây truyền từ mẹ sang con hay cấy ghép phủ tạng.

AIDS là chữ viết tắt cụm từ tiếng Anh: Acquired Immunodeficiency Syndrome, đây là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, dùng để chỉ giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Các dấu hiệu của AIDS là triệu chứng của những bệnh mắc phải khi cơ thể bị suy yếu. Những bệnh mắc phải này còn được gọi với tên là những bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Nhiễm trùng cơ hội là những nhiễm trùng nhân cơ hội cơ thể suy yếu để xâm nhập và gây bệnh như các bệnh lao, viêm phổi và nấm. Các triệu chứng thường gặp trong các bệnh nhiễm trùng cơ hội như tiêu chảy kéo dài, sụt cân, sốt kéo dài và các nhiễm trùng da.

Triệu chứng nhiễm HIV

Biểu hiện lâm sàng đầu tiên khi bị nhiễm HIV giống như bị cảm cúm thông thường nên làm bệnh nhân không để ý. Sau đó người bệnh trải qua một thời gian dài không có triệu chứng nhưng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác rất cao. Khoảng 3 tháng sau khi bị nhiễm HIV, người bệnh khi xét nghiệm máu có thể cho kết quả dương tính. Trong giai đoạn này, sức chống đỡ của cơ thể còn mạnh nên số lượng HIV trong máu còn thấp, người mang HIV hầu như không có triệu chứng gì biểu hiện ra bên ngoài. Sau đó người bệnh trải qua các giai đoạn nhiễm khuẩn cơ hội, sức khỏe yếu dần, bệnh chuyển sang giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV là AIDS; lúc này hệ thống miễn dịch bị phá hủy trầm trọng, người bệnh sẽ chết do cơ thể suy kiệt và do nhiễm khuẩn cơ hội.

 

ảnh sưu tầm

Dấu hiệu nhận biết nhiễm HIV đã chuyển sang bệnh AIDS

Những người bị nhiễm HIV được xem như đã chuyển sang giai đoạn bệnh AIDS khi người bệnh xuất hiện ít nhất 2 triệu chứng chính và 1 triệu chứng phụ.

Các nhóm triệu chứng chính gồm:

- Sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể;

- Sốt kéo dài trên 1 tháng;

- Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng.

Các nhóm triệu chứng phụ gồm:

- Ho kéo dài trên 1 tháng;

- Nhiễm nấm Candida ở hầu họng;

- Nổi ban đỏ và ngứa toàn thân;

- Nổi mụn rộp và dời leo tái phát;

- Nổi hạch nhiều nơi trên cơ thể.

Người bệnh nên đến cơ sở y tế khi nào ?

Đối với những trường hợp đã được xác định bị nhiễm HIV, người bệnh phải đến khám ở các cơ sở y tế khi thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu như:

- Tiêu chảy kéo dài trên 4 ngày;

- Đau bụng, đi đại tiện ra chất nhầy, có máu;

- Sốt cao hoặc sốt kéo dài;

- Đau ngực, khó thở, ho;

- Ho kéo dài trên 10 ngày;

- Ho ra máu hoặc đờm có máu;

- Có biểu hiện mất nước với triệu chứng khát nước, khô miệng, nước tiểu sẫm màu;

- Viêm nhiễm, mụn nhọt tổn thương các vùng da trên cơ thể;

- Loét miệng nặng, viêm mắt, viêm mi mắt;

- Vết thương có mùi hôi, chảy máu hoặc thâm đen;

- Ban đỏ xuất hiện sau khi dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus;

- Mệt mỏi nhiều, đau đầu hoặc thường xuyên chóng mặt;

- Mất ngủ dài ngày liên tục.

Đối với những trường hợp bị bệnh AIDS, phải được đăng ký điều trị tại các phòng khám bệnh ngoại trú. Một số người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng Retrovirus, một số trường hợp khác sẽ được điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội. Vì vậy tất cả bệnh nhân AIDS khi có bất kỳ một biểu hiện bệnh lý nào đều phải đến khám ngay tại các phòng khám bệnh ngoại trú để được điều trị, tư vấn và giúp đỡ.

Khuyến cáo phòng bệnh

Mọi người cần trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết cần thiết về triệu chứng nhiễm HIV và dấu hiệu chuyển sang bệnh AIDS để nhận thức được sự nguy hiểm của việc lây truyền bệnh nhằm chủ động phòng tránh bằng nhiều biện pháp thiết thực. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể có nguy cơ nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS. Nói một cách khác, HIV/AIDS thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, nó có quan hệ mật thiết với các loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác. Khi nhiễm HIV, hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm và dễ bị lây các loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Ngược lại, các loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS. Muốn phòng tránh nhiễm HIV/AIDS thì phải phòng tránh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như không quan hệ tình dục, chung thủy một bạn tình, sử dụng bao cao su đúng và thường xuyên khi quan hệ tình dục. Ngoài ra cũng cần phải phòng tránh lây truyền qua đường máu và lây truyền từ mẹ sang con.


MỘT SỐ CÁCH ĐIỀU TRỊ LÀM CHẬM SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH AIDS


HIV hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có nhiều cách để làm chậm sự phát triển của bệnh. Làm chậm sự phát bệnh bằng cách nào?
Đối với người nhiễm HIV không triệu chứng thì thuốc làm chậm phát bệnh chính là cách sống của bản thân người nhiễm. Cụ thể đó là:
- Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt đảm bảo đủ vitamin để cơ thể nâng cao sức đề kháng.
- Không uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy.
- Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tập dưỡng sinh nếu có điều kiện.
- Cố gắng thư giãn, tránh căng thẳng thần kinh.
- Không để lây thêm HIV.
- Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng và nếu bị thì phải chữa sớm. Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thì phải tiêm phòng đầy đủ theo lịch chỉ trừ BCG là không tiêm.
 Thuốc gì cần cho người đã phát bệnh AIDS?
Người đã phát bệnh AIDS ngoài việc đảm bảo cách sống nêu trên còn cần sự hỗ trợ của nhiều loại thuốc trong đó quan trọng nhất là thuốc chống HIV (ARV) và thuốc phòng hoặc điều trị bệnh cơ hội, là những bệnh do cơ thể suy yếu mà ra. Ngoài ra người bệnh AIDS có thể được cho dùng các vitamin và các thuốc điều hòa miễn dịch.
Nếu đã biết mình nhiễm HIV thì dù chưa thấy triệu chứng gì thì định kỳ cũng nên đi khám để được xét nghiệm và theo dõi bệnh. Khi dùng thuốc (ARV) cũng gây ra các tác dụng phụ rất khó chịu, chi phí lại tốn kém nên nhiều người bệnh đã bỏ dở điều trị giữa chừng, điều này đã tạo ra các chủng HIV kháng thuốc rất nguy hiểm. Cho nên khi một người quyết định bắt đầu điều trị ARV là phải chuẩn bị tinh thần để chịu đựng các tác dụng phụ đồng thời cũng phải đủ điều kiện cung cấp thuốc men để điều trị liên tục tới cùng. Nếu không đủ những điều kiện đã nêu thì phải cân nhắc xem có nên bắt đầu dùng thuốc hay không.
Cần lưu ý gì khi đang điều trị thuốc chống HIV?
Thuốc chống HIV có thể gây ra một số tác dụng bất lợi như:
- Rối loạn tiêu hóa: nôn ói, ăn không ngon
- Dị ứng: phát ban ngoài da
Khi thấy có những triệu chứng trên, đừng tự ý ngưng thuốc hoặc đổi thuốc mà hãy trở lại cơ sở điều trị cũ để tái khám.
Cũng nên chú ý vì một số loại thuốc khác khi dùng chung với thuốc chống HIV có thể làm giảm hiệu quả hoặc làm gia tăng độc tính của thuốc chống HIV cho nên cần thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn dùng thêm thuốc gì khác.
Phòng và chữa nhiễm trùng cơ hội ra sao?
Người phát bệnh AIDS do hệ miễn dịch đã suy yếu nên dễ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, lao, tiêu chảy, nhiễm trùng da, nấm miệng, zona (giời leo) v.v... Nếu phát hiện bị nhiễm trùng cơ hội thì có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào có nhận chữa những bệnh đó. Thuốc phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội thường sẽ do bác sĩ chuyên về AIDS cho dùng.




Bị nhiễm HIV có nên sinh con?
Triệu chứng bệnh Parkinson
Triệu chứng sau khi bỏ thuốc lá
Triệu chứng của bệnh quai bị
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Triệu chứng của bệnh nấm âm đạo


(st)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý