Hướng dẫn học khối C hiệu quả

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Hướng dẫn học khối C hiệu quả

19/04/2015 01:33 PM
252

Thường những kỳ thi đại học, rất nhiều thí sinh dự thi khối C phải thi hai ba năm mới đỗ, còn những thí sinh thi năm đầu phần lớn là rớt. Nguyên nhân là do đâu? Cùng tham khảo những hướng dẫn học khối C hiệu quả nhé.


Kinh nghiệm ôn thi các môn khối C hiệu quả


Chia sẻ về phương pháp học, kinh nghiệm ôn thi và làm bài thi các môn khối C, Nguyễn Thế Hưng thủ khoa khối C kỳ tuyển sinh năm 2012 của Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, không nên nghĩ khối C cần ít tư duy hơn các khối khác; việc nắm vững cách ôn tập, học đúng cách sẽ giúp các thí sinh dễ dàng vượt qua các môn học này.
Ôn thi các môn khối C hiệu quả

Ôn thi các môn khối C hiệu quả

Ôn toàn diện, phân bố lịch học ôn hợp lý                        

Bạn Nguyễn Thế Hưng cho rằng, nếu vừa trải qua kì thi tốt nghiệp, thời gian ôn thi không còn nhiều, ôn thi như thế nào là một điều rất quan trọng. Cần nhận thức được điều này để việc ôn thi hiệu quả nhất. Sau đây là chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi của Nguyễn Thế Hưng

Nguyên tắc đầu tiên của việc ôn thi, nhất là khối C, đó là cần ôn toàn diện với một lịch học hợp lí, phân bố lịch học là điều quan trọng đối với khối C. Đừng quá lao vào những môn mình thích và bỏ bê các môn còn lại (tất nhiên việc đặt kế hoạch cần đi kèm với thực hiện kế hoạch). Các bạn không nên có suy nghĩ môn học nào sẽ gỡ điểm cho môn học nào, kiểu học thụ động không thể đem đến một kết quả khả quan.
        
Với môn Văn, theo Hưng, nên học Văn từ việc nắm vững bố cục, kết cấu, nội dung và nghệ thuật chính của tác phẩm. Hãy viết điều đó vào tờ giấy đề cương, nắm thật vững chúng trước khi làm bất cứ điều gì khác. Nhiều bạn chỉ chăm đọc những bài phân tích ở sách này sách kia nhưng đến bố cục cũng không biết, điều này sẽ làm cho việc phân tích từng đoạn (điểm trọng tâm của dạng đề thi ĐH) gặp khó khăn. Ngoài ra, đối với mảng đề thi Nghị luận xã hội, các bạn cần có ý thức tìm và sưu tập dẫn chứng từ các phương tiện truyền thông. Hiện tượng dùng trùng lặp dẫn chứng sẽ khiến người chấm nhàm chán. Dẫn chứng luôn phong phú trên internet. Các bạn hãy sưu tập, chọn lọc và học thuộc thường xuyên để có thể vận dụng vào bài thi một cách linh hoạt.

Môn Sử thường bị các bạn ngại học nhất, tuy nhiên ít ai nghĩ rằng môn Sử là môn có thể đạt được điểm cao nhất. Vì vậy đừng ngại học Sử, đừng coi nó là một môn học thuộc. Nên học Sử qua “3 bước vàng” mà cô giáo hồi cấp III đã dạy tôi: 1. Đọc nội dung trong sách giáo khoa. 2. Tự tóm tắt bài học ra giấy nháp. 3. Đọc lại sách và sửa lại. Khi các bạn làm tốt hai bước đầu, hãy ôn liên tục ở bước thứ 3. Ôn tập dựa vào những từ khóa và khắc ghi nó trong đầu dựa vào những dấu hiệu đặc biệt. Có một cách hiệu quả là liên kết sự kiện. Ví dụ, khi học về sự kiện ngày 12/3/1945 là ngày Hội nghị Ban thường vụ mở rộng của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chúng ta có thể “gợi nhớ” đến một ngày tương tự là 12/3/1947, hội nghị Truman ở phần Lịch Sử thế giới chẳng hạn. Việc liên hệ các sự kiện sẽ giúp chúng ta ôn bài hiệu quả, giúp việc nhớ không bị lẫn lộn.

Môn Địa là môn thiên hướng tự nhiên nhất (cần đến tính toán). Hãy ôn tập theo dạng bài. Viết thành từng dạng cụ thể theo từng chương. Ví dụ như phần “Tự nhiên” có những câu nào thuộc dạng giải thích, dạng chứng minh, dạng trình bày, dạng nêu điều kiện…, phần “Dân cư”, phần “Vùng” cũng làm tương tự như thế. Để làm được điều này, cần có một sự linh hoạt trong việc hiểu nội dung từng chương, tìm mối liên hệ giữa các bài. Việc ôn tập theo hệ thống là nên, ví dụ khi học phần dân số, cũng cần nhớ tới số liệu từng vùng. Để nhớ số liệu, hãy gán cho một điều đặc biệt gì đó đối với bạn cho dễ nhớ (ngày sinh người bạn chẳng hạn). Các bạn nên luyện vẽ biểu đồ nhiều lần, vẽ sao cho đúng và đẹp. 

Phương pháp làm bài thi

Môn Văn: Việc lập dàn ý là điều mà nhiều bạn bỏ quên khi làm bài Văn. Hãy tập thói quen làm dàn ý trước khi thi bởi một trong những nguyên tắc quan trọng của một bài văn đạt điểm cao đó là viết văn có luận điểm. Một khi không lập dàn ý, bài văn không thể đạt kết quả cao do người viết tùy hứng, không có luận điểm. Một lưu ý đối với các bạn, đừng để mất điểm ở những lỗi không đáng có: không có phần giới thiệu tác giả, tác phẩm (phần này được 0,5 điểm trong câu 5 điểm nhưng nhiều bạn bỏ qua); trình bày không đúng cách (thụt vào đầu dòng không đều nhau hoặc viết quá liền cũng như quá xa lề, trích dẫn chứng không cân xứng ở giữa trang giấy)… Về nội dung làm bài, tôi chỉ xin lưu ý các bạn ở phần Nghị luận xã hội, cần viết Văn trên tư cách là một công dân nhỏ tuổi quan tâm đến các vấn đề xã hội, đừng cố gượng giọng như một nhà chính trị, bài của bạn chắc chắn sẽ gây mất thiện cảm với người chấm. Nhớ rằng giọng điệu của mình khi viết Văn là rất quan trọng.

Môn Sử: Các bạn nên trình bày bài Sử như một bài Văn (có mở, thân và kết). Trình bày một cách khoa học, tách ý như trong sách giáo khoa. Chỉ như vậy người chấm mới có cảm tình, những bài có ý nhưng rối rắm, xuống dòng không đúng chỗ sẽ bị mất điểm. Khi làm bài thi môn Sử, cần làm một cách khách quan, không đưa ý kiến cá nhân vào, bởi đó là việc của các nhà sử học.

Môn Địa: Đối với môn Địa, việc làm như Văn và Sử sẽ phản tác dụng. Hãy gạch từng ý rõ ràng và rành mạch, ý nhỏ hơn nên thụt vào một khoảng nhất định. Trình bày một cách rõ ràng sẽ gây thiện cảm với người chấm. Đối với kiếu bài vẽ  biểu đồ, nên nắm vững các dạng biểu đồ qua từ khóa để nhận dạng cho đúng. Ví dụ như có “tỉ lệ” thì các bạn cần nghĩ ngay đến biểu đồ tròn, miền hoặc cột chồng, sau đó cần xem số lượng nằm trong dữ liệu để chọn cho đúng. Biểu đồ chiếm tới 3 điểm, ranh giới giữa đỗ và trượt nằm ở đây, do đó, lời khuyên của tôi là bạn nên bấm máy 3 lần trước khi điền vào bài thi. Tránh việc nhầm lẫn đáng tiếc về số liệu trong khi còn thừa thời gian hoang phí để rồi khi thi xong mới nuối tiếc “biết thế mình tính lại”…

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn đó là tâm lí một số bạn thi khối C lo là “liệu giọng Văn của mình có hợp với người chấm hay không?”. Các bạn hãy yên tâm về vấn đề này, việc chấm bài thi ĐH là một việc quan trọng, có nhiều giáo viên sẽ cùng chấm bài của các bạn, nó hoàn toàn khách quan. Điều quan trọng giữ tâm lí thật thoải mái khi làm bài, làm xong một môn nào đó hãy bình tĩnh làm những môn tiếp theo bởi đơn giản kết quả thi ĐH là kết quả của ba môn chứ không phải một hay hai môn. Với tư cách một người bạn đã trải qua những ngày tháng khó khăn của kì thi và đã vượt qua nó, tôi chúc các bạn vượt vũ môn thành công vào cánh cổng trường ĐH mà các bạn mong muốn.


Điều cần quan tâm đối với học sinh thi khối C

Thường những kỳ thi đại học, rất nhiều thí sinh dự thi khối C phải thi hai ba năm mới đỗ, còn những thí sinh thi năm đầu phần lớn là rớt. Nguyên nhân là do đâu?

Thực tế cho thấy nhiều học sinh có ý định thi đại học khối C nhưng lại không tập trung việc học cho khối C mà phần lớn thời gian các em dành cho việc đi học thêm các môn Toán, Lý, Hoá, Anh.

Chỉ sau khi thi tốt nghiệp, khoảng thời gian hơn 1 tháng các em mới tập trung “cày” các môn Văn, Sử, Địa. Như thế học làm sao kịp, và làm sao có hiệu quả? Vậy nên, điểm thi đại học khối C thấp và nhiều em thi năm đầu “trượt vỏ chuối” cũng là điều dễ hiểu. Còn những em thi năm 2, suốt cả năm trời chỉ tập trung đầu tư cho 3 môn, thậm chí nhiều em đến các lò luyện nên kiến thức vũng chắc và kết quả là thi đỗ.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Việc học sinh thi đại học khối C nhưng phần lớn thời gian đi học thêm các môn Toán, Lý, Hoá không hẳn là do các em học yếu môn tự nhiên. Điều này theo tôi nghĩ là do sức ép bài tập của các môn tự nhiên, (ngày nào cũng có nhiều bài tập, nếu không làm được ngoài việc bị điểm kém còn rất xấu hổ với bạn bè, thế nên các em có nhu cầu đi học thêm để đối phó) và tâm lý thích đi học thêm để cho vui (nhiều em đến lớp học thêm chỉ để chơi), để chứng tỏ mình cũng không thua bạn kém bè, cũng đi học thêm như ai.

Vì vậy, thiết nghĩ cần phải có sự định hướng cho các em. Lâu nay, vì nhiều lý do hầu như điều này không được chú trọng. Tôi nghĩ, các thầy cô dạy môn tự nhiên, biết các em thi đại học khối C thì cũng không nên yêu cầu cao quá, (khiến nhiều em sợ và phải đi học thêm để đối phó),chỉ cần các em nắm kiến thức cơ bản đủ thi đỗ tốt nghiệp là được rồi. Với các em dự thi khối C thầy cô nên định hướng cho các em tập trung đầu tư học nhiều, học chắc, học hiểu các môn Văn, Sử, Địa, tránh suy nghĩ sai lầm chỉ cần “học thuộc lòng” là làm bài được. Nên nhớ rằng trong vài năm trở lại đây, đề thi đại học khối C đã có nhiều thay đổi, yêu cầu học sinh phải biết phân tích, tổng hợp, khái quát mới làm được. Tất cả thí sinh thi đỗ đại học khối C những năm gần đây đều là những người có “tố chất”, biết tư duy và có sự đầu tư đúng hướng.

Vì thiếu sự định hướng, thiếu sự đầu tư cần thiết dẫn đến thi rớt và số phận nhiều em đã rẽ sang một con đường khác, chông gai hơn, vất vả  hơn, bởi không phải ai cũng đủ ý chí, nghị lực và bản lĩnh để ôn thi lại. Nếu như thầy cô tư vấn, định hướng cho các em một hướng đi đúng đắn thì số phận nhiều em đã khác…Bởi vậy, cần làm tốt việc hướng dẫn cho học sinh với tất cả tấm lòng và kinh nghiêm của người thầy thì sẽ giúp học sinh rất nhiều trong việc chọn đúng ngành hợp với năng lực để thi cũng như cách tập trung ôn luyện thi cho tốt.

Phạm Được (Đà Nẵng)

LTS Dân trí - Đúng là nhiều em bị trượt oan do không được các thầy cô và cha mẹ đóng góp ý kiến cho việc chọn ngành nghề thích hợp cũng như việc tập trung ôn luyện những môn cần thiết để thi đại học. Thật ra việc học những môn văn, sử, địa đâu có khó đến mức không tiếp thu được, mà học sinh thi trượt chủ yếu vì không biết cách học và cách tập trung ôn luyện, cho nên việc chọn đúng thầy để được hướng dẫn cách thức ôn luyện cũng là điều cần thiết để thi đỗ vào khối C.
Điều cần quan tâm đối với học sinh thi khối C 10 6 3246

Khối C: xem thời sự, đọc báo để cập nhật thông tin

 Bạn Võ Thị Hường - thủ khoa khối C ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2011 chia sẻ “bí quyết” với những thí sinh dự thi khối C trong kỳ thi ĐH năm 2013.

Bạn Võ Thị Hường - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thi khối C, đó không phải là sự lựa chọn của nhiều bạn bởi ngành học ít và nặng kiến thức học bài. Hãy mạnh dạn nói rằng mình là “dân” khối C bởi không phải bạn thi khối nào mà quan trọng bạn sẽ làm gì trong tương lai. Bạn lo lắng, hồi hộp, nhưng điều quan trọng là cần chuẩn bị những gì?

Môn văn là môn khó kiếm điểm và cũng khó học nhất của khối C. Đầu tiên, đừng nghĩ bạn có thể học tủ, hãy học cả thơ và văn xuôi, cả kiến thức lớp 11 và 12. Chọn học kỹ phần được xem là thế mạnh của mình. Đối với câu 2 điểm, bạn không nên bỏ qua vì đây là phần tái hiện kiến thức, dễ kiếm điểm và sẽ ảnh hưởng đến điểm toàn bài nhưng đừng quên trình bày bài dưới dạng bài văn.

Đối với câu 5 điểm, nên “tủ” cho mình sẵn phần mở bài với việc nắm chắc phần tác giả, tác phẩm. Dù đề thi sẽ trích cho bạn phần thơ nhưng hãy học thuộc cả thơ, nắm ý chính của truyện và tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm. Việc này sẽ giúp bạn không bị thụ động khi vào phòng thi, gặp những đề mà mình chưa từng gặp. Mỗi tác phẩm hãy học theo đề và theo dàn bài, điều đó giúp bạn củng cố kiến thức và thuận lợi cho việc ôn tập sau này.

Câu nghị luận xã hội là câu ít được đầu tư nhất bởi kiến thức khá rộng nhưng hãy nắm chắc những yêu cầu mà một bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống. Thường xuyên xem thời sự và đọc báo sẽ giúp bài văn của bạn sâu sắc và đậm chất hiện thực. Chương trình bổ trợ kiến thức văn hóa của các thầy cô, các giáo sư trên truyền hình sẽ giúp bạn học và ôn dễ dàng hơn.

Còn lịch sử, đây được xem là môn khó học và khó đạt điểm cao bởi sự kiện khá nhiều. Các bạn thường rơi vào tình trạng “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hãy gắn sự kiện lịch sử với những sự kiện hay ngày có ý nghĩa. Ví dụ ngày Valentine là ngày thành lập trung đội Cứu Quốc Quân I (14-2-1941)… Các bạn thường chú trọng lịch sử VN mà xem nhẹ phần thế giới. Nhưng đây là câu dễ lấy điểm trọn vẹn nhất vì phần này phần lớn yêu cầu bạn tái hiện kiến thức.

Địa lý được xem là môn cứu vãn tình thế. Cố gắng lấy điểm từ phần biểu đồ, xem cuốn hướng dẫn giải các bài tập địa lý của PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hoa, Bùi Bích Ngọc và Đỗ Ngọc Tiến… Hãy kết hợp sách giáo khoa với Atlat và bản đồ địa lý VN trong quá trình học bài.

Dù học khối C nhưng việc thường xuyên giải đề từ những năm trước, những bộ đề thi sẽ giúp bạn củng cố kiến thức và thuận lợi cho việc ôn tập. Hãy hình dung những câu mà đề cho ra định hướng và giải quyết vấn đề. Hãy ôn dàn trải chương trình, tránh học dồn và nhất là hãy tập trung cao độ vào tháng thi cuối cùng. Việc học kèm, thầy cô sẽ giúp bạn định hướng nhưng đừng nên học nhiều thầy cô cho cùng một môn.

Tài liệu ôn thi đại học trên thị trường có rất nhiều nhưng hãy tìm đọc những sách do các tác giả có uy tín, tài liệu thầy cô hướng dẫn. Ví dụ môn lịch sử có sách Bộ đề thi môn lịch sử của tác giả Trương Ngọc Thơi, hay chuyên đề ôn tập và luyện thi của Bộ GD-ĐT, môn văn có tác giả Khuất Thế Khoa, địa lý của Đỗ Ngọc Tiến…

Bạn cũng cần quan tâm đến sức khỏe. Đừng lạm dụng chất kích thích để hạn chế giấc ngủ vì sẽ dẫn đến những tác dụng phụ.

Ngoài ra, tâm lý thi tốt góp phần không nhỏ vào việc bạn có làm bài tốt không. Nên có tâm lý vững vàng khi vào phòng thi gặp đề không như bạn mong đợi. Lúc đó hãy tập trung cao độ vận dụng những gì đã học để định hướng và tiến hành giải quyết. Hãy dành 15 phút cho việc đọc đề, lập dàn bài, tránh tình trạng sót ý. Trình bày ngắn gọn, rõ ràng và dễ đọc. Đừng quên kiểm tra lỗi chính tả, lỗi diễn đạt trước khi nộp bài.

Đây là khoảng thời gian mà bạn sắp quyết định mình sẽ thi ngành gì, trường nào? Các bạn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô, gia đình và cả xã hội. Nếu như trước đây bạn chưa tập trung thì hãy ôn tập nghiêm túc. Mỗi ngày bạn có thể học nhiều môn, mỗi ngày một bài nhưng quan trọng là hãy giữ sự kiên trì, giữ tốc độ đến cuối cùng. Đặc biệt tháng cuối cùng hãy biết tận dụng thời gian thực hiện “cú nước rút” thật hoàn hảo.

Những gì tôi nói không phải là tất cả, mỗi bạn có những cách học riêng phù hợp với mình. Hãy học và tìm ra phương pháp cho riêng mình.



Kinh nghiệm học khối C đúng cách
Kinh nghiệm ôn thi đại học môn địa lý
Kế hoạch luyện thi đại học để đỗ điểm cao
Kinh nghiệm học của thủ khoa khối A
Cách chọn trường chọn ngành phù hợp để không hối hận

(St)

 
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý