Thực đơn ngày tết miền nam đậm đà bản sắc

seminoon seminoon @seminoon

Thực đơn ngày tết miền nam đậm đà bản sắc

19/04/2015 01:55 PM
234
Thực đơn ngày tết miền nam đậm đà bản sắc. Những món ngom ngày tết mang đậm bản sắc nam bộ để bạn có một cái tết ý nghĩ bên người thân.


Món không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết Nam bộ


Thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, tôm khô củ kiệu... là những món ăn không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới của người miền Nam.

Thực đơn ngày Tết của người miền Bắc không thể thiếu các món bánh chưng, dưa hành, thịt đông, thịt bò kho quế... Người miền Trung có bánh tét, dưa món, nem chua, tré, món bò bắp giầm nước mắm xắt lát, ăn kèm với dưa món chua chua, ngọt ngọt. Riêng với người miền Nam, bánh tét là món không thể thiếu dùng để cúng ông bà. Bên cạnh đó, thực đơn ngày Tết ở đây còn có các món ăn rất dân dã như thịt kho tàu, dưa cải muối, tôm khô củ kiệu, khổ qua dồn thịt...




Thịt kho tàu. Ảnh: Phan Hữu Tưởng.


Món ăn phổ biến nhất trong ba ngày Tết là thịt kho tàu, còn được gọi là thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa. Những ngày giáp Tết, các bà nội trợ của gia đình đã lo đi chợ mua loại thịt ba rọi, trứng vịt, nước dừa xiêm tươi. Thịt ba rọi mua về được rửa với nước muối, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Thái thịt thành từng khúc cỡ ba ngón tay, ướp thịt với các loại gia vị như nước mắm, muối, đường, tỏi, hành tím, ớt sừng trâu bằm nhỏ... Thịt ướp trong khoảng 30 phút để ngấm gia vị. Hột vịt đem luộc chính, bóc bỏ vỏ. Đặt nồi lên bếp, cho nước dừa tươi, nước lạnh vào đun sôi. Sau đó cho thịt vào, khi thịt vừa mềm thì cho trứng vào, nêm lại gia vị, để nhỏ lửa và ninh đến khi thịt thật mềm, nước trong nồi chuyển sang màu vàng cánh gián đẹp mắt là được.





Bánh tét.

Món thứ hai không thể thiếu là bánh tét, đây là món chính không thể vắng mặt trong ngày đầu năm. Bánh tét người miền Nam có hai loại là bánh mặn với nhân là đậu, thịt lợn và bánh ngọt có nhân chuối hoặc nhân đậu xanh. Bánh tét của miền Nam có cách gói gần giống với bánh tét của người miền Trung, cũng gói thành đòn dài với lớp lá chuối bọc bên ngoài, bên trong là nếp, tùy bánh ngọt hay mặn mà sử dụng loại nhân cho phù hợp. Ngoài việc dùng để cúng ông bà, làm quà biếu, bánh tét kết hợp với tôm khô củ kiệu còn là món ăn ngon miệng không thể thiếu trong những ngày Tết.





Khổ qua nhồi thịt.

Một món ăn dân dã khác không thể không nhắc đến là khổ qua dồn thịt. Bên cạnh là một món ăn ngon miệng, có tác dụng thanh mát cơ thể, người miền Nam ăn món này đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong mọi chuyện không vui sẽ qua đi, một năm tươi sáng sẽ đến với mọi gia đình. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món tôm khô ăn với củ kiệu ngâm chua.





Dưa kiệu. Ảnh: Phan Hữu Tưởng.

Làm món này rất đơn giản, củ kiệu tươi mua về ngâm qua nước tro một đêm để giảm bớt mùi hằng. Sau đó làm sạch rễ và lá, cho lên trên mâm hoặc cái sàng và đem phơi, nếu trời nắng to chỉ cần phơi trong một buổi là được. Cho củ kiệu vào lọ thủy tinh, một lớp kiệu một lớp đường cát trắng, đậy kín lọ lại để kiệu tự ra nước, trong khoảng từ mười ngày đến hai tuần là dùng được. Củ kiệu được kết hợp với tôm khô tạo thành một món ăn rất ngon miệng với vị chua ngọt lại bùi bùi rất đặc trưng và ngon miệng.

Trên đây là những món ăn đặc trưng trong ngày Tết, mang đậm bản sắc văn hóa của người Nam bộ. Ngoài việc đơn thuần là món ăn, ẩn chứa đằng sau là ước mong tâm linh mọi đau khổ sẽ qua đi, chào đón một năm mới vuông tròn, hạnh phúc và đầy may mắn.

Mâm cơm ngày Tết Nam bộ: Hương vị mới lạ

(Theo Món Ngon Việt Nam) Dân miền Nam luôn được biết đến với tính cách năng động, sáng tạo, bộc trực, hào sảng, thẳng thắn. Món ăn miền Nam, vì thế, cũng mang đậm phong cách của chính con người nơi miền đất này.

Bò nấu thơm
(Khẩu phần: 2 người, thời gian 40 phút)




Nguyên liệu:
200g thăn bò, 1 trái thơm, 1 trái cà chua, 1 củ hành tây nhỏ, 1 thìa súp cà hộp, 1 thìa cà phê tỏi băm, muối, tiêu, bột nêm, đường, nước mắm, dầu ăn.

Thực hiện:

Bò mua về lạng sạch gân bên ngoài, cắt thàng 4 miếng, dần sơ qua cho bò mềm.
Thơm cắt mắt, rửa sạch, cắt đôi, cắt 4 khoảng dày khoảng 1 cm, phần còn lại ép nước, để riêng khoảng 5 thìa súp nước ép thơm.

Hành tây lột vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn; cà chua rửa sạch, lột vỏ, bỏ hạt, băm nhỏ
Cho ít muối, tiêu, tỏi băm, bột nêm cùng 5 thìa súp nước thơm và 4 miếng bò vào thố, ướp khoảng 5 phút cho thấm.
Cho dầu vào chảo, cho hành tây vào xào thơm, tiếp đến cho cà chua băm vào xào cho cô lại, cho cà hộp vào đảo đều cho khô
Cho bò đã ướp vào chảo, đảo cho nhanh cho bò vừa săn lại, cho thêm nước vào sắp mặt bò, sau đó cho các khoanh thơm vào
Nêm nước mắm, bột nêm, đường, nấu riu lửa đến khi bò gần mềm thì vớt các khoanh thơm ra đĩa, tiếp tục đặt các miếng bò lên trên mặt, chan nước sốt phủ lên trên thơm và bò. Dùng nóng.
Mách nhỏ: Bò ướp và nấu với thơm thì thịt sẽ mềm, ngọt và nấu nhanh hơn. Trong khi nấu nên thăm chừng phần thịt bò, không nên nấu quá lâu, bò sẽ trở nên quá mềm và bã thịt, không ngon.

Tôm thấu trái sung
(Khẩu phần 4 người, thời gian 30 phút)



Nguyên liệu:
200g tôm sú, 100g trái sung, 50g cà rốt, 30g hành tây, 20g cần tàu, 10g rau thơm, đậu phộng, 5 thìa súp giấm, 2 thìa súp đường, 2 thìa súp nước mắm, ¼ thìa cà phê muối, ½ thìa súp nước cốt chanh, 1 thìa cà phê tỏi ớt băm nhuyễn.

Thực hiện:

Tôm sú lột vỏ, chẻ lưng, bỏ chỉ đen, ngâm với 4 thìa súp giấm cho tôm chín tái
Sung bào miếng mỏng, rửa cho sạch hạt ở giữa, vớt ra để ráo
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt sợi nhỏ; hành tây gọt bỏ vỏ, xắt cọng nhỏ; cần tàu cắt gốc, rửa sạch, lấy cọng chẻ nhỏ; rau thơm lặt lá, rửa sạch, cắt nhuyễn; đậu phộng rang chín, bóc bỏ vỏ
Lấy một thìa súp giấm, 1 thìa súp đường, 1 thìa súp nước mắm, ¼ thìa cà phê muối, quậy đều thành hỗn hợp nước trộn gỏi
Pha nước mắm ăn kèm với ½ thìa súp nước cốt chanh, 1 thìa súp đường, 1 thìa súp nước mắm cùng ớt tỏi băm.
Cho sung, cà rốt, hành tây, cần tàu vào thố lớn, cho nước trộn gỏi vào trộn đều, tiếp tục cho tôm và rau thơm vào, xốc đều cho thấm nước trộn
Cho gỏi ra đĩa, rắc đậu phộng đã rang lên mặt, ăn kèm với bánh phồng tôm và nước mắm tỏi ớt.
Mách nhỏ: Sung sau khi rửa sạch hạt nên ngâm qua nước chanh pha loãng để qua sung không bị thâm đen. Tôm tái chín để bóp gỏi nếu thích ăn có vị cay nồng có thể pha thêm ít wasabi vào nước cốt chanh.

Cá hồi lúc lắc xoài
(Khẩu phần 4 người, thời gian 45 phút)



Nguyên liệu:
100g phi lê cá hồi, 50g hành tây, 1 trái xoài cát vừa chín tới, 1 nhánh hành lá, 1 trái ớt sừng, 1 thìa súp tương ớt, 1 thìa súp tương đen, 3 thìa cà phê nước mắm, ½ thìa cà phê đường, muối, tiêu, bột nêm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê bột bắp, dầu ăn

Thực hiện:

Cá hồi rửa sạch, cắt miếng vuông cỡ 2cm, ướp với ít muối và bột nêm khoảng 5 phút cho thấm
Hành tây lột vỏ, rửa sạch, cắt miếng vuông khoảng 2cm, hành lá bỏ gốc, rửa sạch, tước mỏng, ớt rửa sạch, bỏ hạt, xắt chỉ
Xoài rửa sạch, cắt một miếng xoài để riêng. Cắt phần thịt xoài thành từng cục hình vuông khoảng 2cm, giữ lại vỏ ngoài để trang trí

Làm nóng chảo dầu (khoảng 1 lóng tay), cá ướp xong lăn qua một lớp bột bắp khô, cho vào chảo chiên cho cá vừa chín tới
Cho tỏi vào phi thơm trên chảo dầu khác, cho tương ớt, tương đen, nước mắm, đường cùng ít muối, tiêu, bột nêm  và ít nước vào để làm nước sốt.

Tiếp tục cho củ hành và cá đã chiên vào xốc đều, sau đó cho xoài vào xốc đều với lửa lớn.

Cho cá vào miếng vỏ xoài đã để sẵn, rắc ít hành và ớt xắt chỉ cùng ngò vào trang trí. Dùng nóng.
Mách nhỏ: dùng dao rạch thành các hình ô vuông khoảng 2cm trên miếng xoài, lấy dao nhỏ, sắc mũi lạng nhẹ phần thịt xoài ra sẽ vừa có các miếng xoài đẹp, đều nhau mà vẫn giũ được nguyên vỏ xoài để trang trí.

Chả giò đu đủ:
(Khẩu phần 4 người, thời gian 60 phút)




Nguyên liệu:
12 miếng b ánh rế, 50g thịt cua, 40g đu đủ hường, 40g đu đủ xanh, 10g hành lá, 20g miến, 5g ngò băm, 20g giá, tiêu, muối, bột nêm, dầu để chiên

Thực hiện:

Đu đủ hường, đu đủ xanh gọt vỏ, rửa sạch, bỏ hạt, xắt nhỏ
Hành lá rửa sạch, bỏ gốc cắt khúc khoảng 2cm; ngò cắt bỏ gốc, rửa sạch, băm nhỏ; miến rửa sơ qua, ngâm nước ấm cho miến mềm, vớt ra để cho thật ráo

Trộn tất cả các nguyên liệu trên lại với nhau, nêm gia vị cho vừa ăn
Đặt miếng bánh rế ra dĩa cho nhân vào giữa gấp lại thành hình chữ nhật
Làm nóng chảo dầu, dầu nóng cho chả giò vào chiên lửa vừa cho chả giò chín vàng đều (dầu phải ngập chả giò).
Chả giò chín vàng, vớt ra. Dùng nóng chấm mắm pha

Mách nhỏ: Không nên mua đu đủ chín vì chả giò sẽ không được giòn. Chọn mua đu đủ xanh và đu đủ hường giúp chả giò vừa độ giòn ngon lại mang vị ngọt tự nhiên từ trái cây. Bánh rế cũng giúp chả giò giòn, đẹp hơn.

Gà nướng lá dừa
(Khẩu phần 2 người, thời gian 45 phút)




Nguyên liệu:
300g đùi gà lóc xương, 10 cái lá dừa, 2 thìa súp nước tương, 1 thìa súp nước mắm, 3 thìa súp tương ớt, 2 củ tỏi, 2 nhánh đầu hành, bột nêm, 1 gói ngũ vị hương, đường, tiêu, mè rang, dầu ăn

Thực hiện:

Đùi gà rửa sạch, lóc xương, cắt miếng vuông khoảng 3cm, để riêng trong thố
Giã đầu hành lá và tỏi cho nhuyễn, cho 1 thìa súp tương ớt, 1 thìa súp nước tương, 1 thìa cà phê nước mắm, đường, tiêu, ngũ vị hương, bột nêm quậy đều cho tan. Cho hỗn hợp trên vào thố gà, ướp trong 15 phút
Gói từng miếng gà vào trong lá dừa thành từng miếng hình vuông, gim tăm bên cạnh để giữ chặt lá
Đem gà nướng trên lửa nhỏ cho miếng gà chín vàng
Cho 1 thìa súp nước tương, 1 thìa súp đường, ½ thìa cà phê nước mắm, 2 thìa súp tương ớt cùng ngò băm và mè rang vào quậy đều làm nước chấm
Gà chín dọn ra đĩa, rắc ít mè rang lên trên. Dùng nóng, chấm kèm nước chấm đã pha.

Bánh trôi nhân thốt nốt:




Nguyên liệu:
120g bột nếp, 50g đậu xanh, 25g cốt dừa, 50g dừa bào sợi, lá cẩm, lá dứa, đường thốt nốt, mè rang, đường trắng.

Thực hiện:

Lá dứa, lá cẩm rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, để riêng 2 loại nước lá
Cho bột nếp vào thau, cho nước ấm vào nhồi cho đến khi bột mịn, chia bột làm 3 phần; đường thốt nốt cắt hạt lựu
Cho nước lá dứa và lá cẩm vào 2 phần bột cho thấm mùi vị của mỗi loại, để bột nghỉ 10 phút rồi nắn lại thành từng viên nhỏ

Đậu xanh nhặt hạt dơ, đãi vỏ, rửa sạch, ngâm cho đậu nở. Hấp chín đậu xanh, xay nhuyễn đậu cho tơi
Cho đậu xanh lên bếp đảo đều với đường cát trắng và nước cốt dừa đến khi đậu dẻo, dính vào nhau là  được. Đậu nguội, chia thành từng viên nhỏ đều nhau
Cho đường vào trong viên đậu xanh, tiếp theo bọc 1 lớp bột nếp trắng rồi đến 1 lớp bột nếp màu, se cho viên bột tròn đều
Bắc nồi nước sôi, thả từng viên bột vào nồi cho đến khi bột chín, vớt ra lăn qua dừa đã bào sợi
Rắc mè lên bánh cho thơm. Bánh dùng nguội mới ngon.


(St)

Ẩm thực ngày Tết miền Nam những món ăn không thể bỏ
Cách nấu thịt ba chỉ kho tàu đậm đà cho ngày Tết
Tết cổ truyền của dân tộc Khmer và những nét ấm thực độc đáo
Ẩm thực ngày tết ở Việt Nam, trọn bộ mâm cỗ ngày tết ở cả 3 miền
Ẩm thực ngày Tết Việt Nam hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý