Cho bé ăn dặm đúng cách

seminoon seminoon @seminoon

Cho bé ăn dặm đúng cách

18/04/2015 11:04 AM
960

Bé khó ăn, háu ăn hoặc ăn uống không cân bằng (dẫn đến tình trạng thiếu, rối loạn dinh dưỡng hoặc béo phì) phần nào hình thành từ những bữa ăn đầu đời của trẻ. Các bà mẹ cứ lo làm sao ép cho bé ăn thật nhiều, thật bổ mà quên đi yếu tố quan trọng nhất: ăn vừa đủ, điều độ cho từng giai đoạn và cách ăn uống phù hợp cho trẻ.

Cho trẻ ăn dặm cần ăn vừa đủ, điều độ, đúng cách và phù hợp

Cho trẻ ăn dặm cần ăn vừa đủ, điều độ, đúng cách và phù hợp

Chị Phạm Thu Trang, chuyên viên trang trí hoa tươi tại Khu du lịch Bình Quới vừa khóc vừa bồng con trai chưa đầy một tuổi đi bác sĩ bởi vì bé bị vàng da nặng. Bác sĩ hỏi ra mới biết vì chị ngày nào cũng cho bé ăn cà rốt. Ăn liên tục hơn sáu tháng nên lẽ ra phải có màu da trắng hồng khỏe mạnh thì con trai chị lại ngày càng vàng vọt vì dư thừa chất betacarotene - tiền vitamin A.

Chị Lê Kim Yên, nguyên là bác sĩ nên lên chế độ ăn uống rất bổ dưỡng cho bé gái ngay từ những bữa ăn dặm đầu tiên. Kết quả bé bị béo phì do bị ép ăn quá nhiều và quá bổ. "Nuôi con cho mập mạp thì không khó, nhưng không cho con ăn thì khó hơn nhiều. Biết vậy lúc cháu còn nhỏ tôi không ép cháu ăn để bây giờ lại cấm cháu ăn." Chị thở dài nói.

Chị Thy Nga, Q.3, TP.HCM, thì lúc nào cũng chăm chăm tìm mua các tạp chí, sách dạy nấu ăn để về phục vụ cho nhóc tì nhà mình. Do khi xưa mẹ chồng chị, vốn là gốc Huế, rất cầu kỳ kỹ lưỡng về nấu nướng. Vì bé là cháu trai đầu nên tự tay bà hầm xương nấu cháo, nêm nếm cho bé y như người lớn. Kết quả: Bé thiếu dinh dưỡng trầm trọng vì cách nấu nướng của người lớn (chỉ lấy nước xương và bột ngọt là chính, cốt làm sao cho thơm ngon) thì không thể đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khổ hơn nữa là do vậy nên bé rất kén ăn: Mùi không thơm, vị không ngon là bé không ăn. Khốn nỗi ở nhà trẻ, chế độ ăn của bé không có bột nêm, bột ngọt nên làm sao bé vừa lòng như bà nội nấu. Thế là mặc dù cho con đi nhà trẻ nhưng chị Nga vẫn lui cui nấu nướng và mang đến trường cho con mỗi ngày, vậy mà con trai vẫn gầy tong gầy teo.

Anh Tùng, vốn là tổ trưởng kỹ thuật của công ty may xuất khẩu ở quận 6, TP.HCM, phải xin nghỉ việc ba tháng không lương để ở nhà... đút cơm cho con. Nguyên là con gái anh đã 3 tuổi rồi mà không đi nhà trẻ được chỉ vì cháu không biết ăn cơm. Vợ anh nuôi con theo công thức nên ngày nào cũng y "cân lượng" chính xác và cho tất tần tật thịt, cá, rau, củ vào nấu một nồi. Nấu xong thì lại bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyễn như bột. Rồi cứ thế mà cho cháu ăn. Từ đấy đến nay, cháu chỉ biết mỗi một khẩu vị "hằm bà lằng" và sền sệt của mẹ mà thôi, không thể ăn được gì khác. Anh Tùng thương con, xót ruột nên phải hy sinh nghỉ việc để giúp vợ tập cho bé ăn cơm. Anh nói: "Chứ thế này thì chẳng lẽ con gái mình không được đến trường hay sao?"

Nguyên tắc khi cho ăn dặm

Ăn dặm, bữa ăn đầu đời của trẻ, quan trọng không phải chỉ vì cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ của trẻ mà còn vì chúng là "sứ giả" giới thiệu thế giới muôn ngàn mùi vị của thức ăn. Những bữa ăn đầu đời định hướng cảm nhận ẩm thực, thói quen ăn uống cho trẻ.

Tùy thể trạng từng bé, bạn có thể tập cho con nhỏ ăn đặc (ăn dặm) từ từ, bắt đầu từ 4 tháng tuổi trở đi. Gọi là ăn dặm vì đây là những bữa ăn tập dần cho trẻ làm quen với thức ăn đặc. Không thể thay thế được sữa mẹ hoặc sữa bột ngay tức thời mà phải xen kẽ. Thoạt đầu thì chỉ cần vài muỗng bột để làm quen. Nhưng khi bé đã khoái khẩu rồi và hệ tiêu hóa bé cũng đã làm quen với thức ăn thì bạn tăng dần thành bữa chính.

Thời kỳ ăn dặm của bé chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn ăn bột:

Bắt đầu từ 4 tháng tuổi trở đi, mẹ đã có thể cho bé nhấm nháp một chút bột được rồi. Trong giai đoạn này nên mua bột dinh dưỡng đóng hộp của các hãng có uy tín. Vì bé chưa ăn được nhiều nên bạn không cần mất công nấu nướng. Vả lại, bột dinh dưỡng có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ.

- Giai đoạn ăn cháo:

Khi bé được 9 - 10 tháng (có bé sớm hơn) và đã ăn được kha khá, bạn có thể nấu cháo cho bé ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà bé cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Nên hầm riêng một nồi cháo nhừ. Mỗi bữa ăn của bé, bạn múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín từng bữa, thêm dầu ăn cho bé ăn. Khi nấu cho bé, bạn nên nêm thật nhạt. Nếu không có mắm muối mà bé vẫn ăn ngon thì càng tốt.

Lúc đầu dùng rây thưa tán cháo. Sau đó, chỉ cần băm nhuyễn thịt, cá và rau củ là được. Bạn nên tập dần cho bé quen từ thức ăn nhuyễn đến hạt lợn cợn và cuối cùng là cho ăn cơm.

- Giai đoạn ăn cơm:

Khi có đủ răng (20 cái), bé mới có thể nhai cơm thật kỹ. Bạn nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà-rốt, khoai tây, súp-lơ, su hào). Nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai, không bị hóc cọng rau.

Bữa ăn của trẻ phải bao gồm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính:

* Tinh bột: gạo, khoai, nui, bánh mì...
* Chất đạm: cá, thịt, trứng, tôm, cua, đậu hũ...
* Rau, trái cây: ngoài việc cho bé ăn rau, củ, nên cho bé ăn trái cây tươi: nho, cam, quít, chuối, đu đủ...
* Dầu thực vật: tốt nhất nên dùng dầu mè, dầu ô-liu, dầu hướng dương (trộn vào chén bột, cháo).

Bạn nên hiểu là ăn dặm không thể hoàn toàn thay thế sữa. Khi bé không bú mẹ nữa thì bạn nên thay thế sữa mẹ bằng sữa bột. Có thể cho bé bú bình hoặc uống bằng ly. Sữa là nguồn dinh dưỡng tốt, giàu can-xi nên cực kỳ quan trọng với trẻ. Bạn cần tập cho trẻ thói quen uống sữa mỗi ngày cho đến lúc trưởng thành.

Khi nấu cho trẻ, nên linh động trong thực đơn mỗi bữa, ví dụ trưa ăn tôm thì chiều ăn thịt, món rau cũng thay đổi như vậy. Tránh không lặp đi lặp lại một công thức dễ khiến bé ngán ăn và gây ra thừa hoặc thiếu các dưỡng chất.

Không nên nêm nhiều muối vào thức ăn của trẻ vì không tốt cho thận của trẻ, có nguy cơ cao huyết áp khi lớn lên. Chỉ nên dùng muối i-ốt cho trẻ.

Ngoài cơm, bạn cũng nên tập cho trẻ ăn bún, mì, nui, bánh mì, ngũ cốc. Sự phong phú thức ăn khiến trẻ cảm thấy mới mẻ và hào hứng. Hơn nữa tập cho trẻ dễ dàng tiếp cận và hòa mình với thế giới xung quanh. Nhưng bé cũng có thể không sốt sắng nếm thử những thức ăn mới lạ. Hãy cho bé thời gian để làm quen với thức ăn. Đừng cố ép bé ăn nếu như bé đã cảm thấy vừa no. Một bữa ăn dinh dưỡng là một bữa ăn cung cấp đầy đủ dưỡng chất theo chế độ hợp lý. Thiếu và thừa dinh dưỡng đều không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Bạn cần biết:

- Calorie: Là đơn vị đo năng lượng có chứa trong thức ăn. Theo tỉ lệ cân nặng cơ thể, trẻ cần lượng calorie nhiều gấp 2,5 - 3 lần so với người lớn. Chất tinh bột là nguồn calorie chính yếu.

- Protein (chất đạm): Rất quan trọng cho sự sống vì giúp xây dựng tế bào và mô cơ thể. Nhu cầu về protein của trẻ lớn gấp 3 lần nhu cầu của người lớn (theo tỉ lệ trọng lượng cơ thể).

- Vitamin: Là chất thiết yếu cho sức khỏe. Nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có cần bổ sung thuốc bổ sinh tố kịp thời cho trẻ không.

- Khoáng chất: Can-xi, phốt-pho, ma-gie cần thiết cho sự tăng trưởng xương và cơ bắp. Trẻ sinh ra đã sẵn có lượng dự trữ chất sắt (Fe) đủ dùng trong 4 tháng. Sau đó, cần cung cấp sắt cho trẻ trong các bữa ăn hoặc thuốc bổ.

Nên và không nên:

- Nên:

* Chọn thực phẩm tươi ở các cửa hàng thực phẩm sạch. Mua ngày nào dùng hết ngày đó.
* Dùng trái cây và rau ngay sau khi mua về.
* Hấp rau củ hoặc nấu chín với ít nước (giúp giữ được các vitamin trong quá trình đun nấu).
* Nấu chín kỹ thức ăn: thịt, cá, trứng...

- Không nên:

* Cho bé ăn thức ăn thừa.
* Đun nấu quá lâu rau củ (vì sẽ hủy hết vitamin).
* Khi chế biến thức ăn với khối lượng lớn, đừng để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh (vì vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi). Đặt thức ăn nóng vào đĩa lạnh, đậy lại và cho vào tủ lạnh.
* Dùng nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, bơ).
* Dùng nhiều muối.
* Dùng nhiều đường (ngọt, dễ hư răng).
* Khi mới tập ăn, không nên cho bé ăn phô-mai mềm, lòng đỏ trứng, đậu phộng tán nhuyễn sẽ làm bé dễ bị sặc.

Những thắc mắc thông thường khi cho bé ăn dặm:

Tại sao phải cho trẻ ăn dặm?

Vì khi lớn lên, trẻ cần nhiều năng lượng hơn để hoạt động nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi cữ bú, bao tử của bé chỉ chứa được một lượng sữa nhất định mà thôi. Vì vậy, bạn nên thay thế dần bằng chế độ ăn đặc chứa nhiều tinh bột, chất béo và đạm để bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể.

Tại sao không nên cho trẻ ăn dặm sớm hơn hoặc trễ hơn?

Trước 4 tháng, cơ thể bé còn non yếu, chưa có khả năng tiêu hóa và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. Nếu ăn dặm sớm dễ gây ra suy dinh dưỡng.

Nếu ăn dặm quá trễ (sau 6 tháng), bé sẽ thiếu hụt lượng dinh dưỡng cần thiết để cung cấp cho cơ thể trong quá trình phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn đầu đời. Hơn nữa, cho ăn dặm trễ sẽ gặp khó khăn khi tập cho trẻ tiếp nhận với các loại thức ăn.

Khi ăn, trẻ cứ phun phì phì, làm sao tập cho trẻ làm quen với thức ăn mới?

Đầu tiên, chỉ nên tập cho bé ăn một loại thức ăn mới thôi. Thử cho bé ăn một lần và đợi vài ngày sau cho bé ăn lại cùng thức ăn đó, xem bé có phản ứng hay không.

Để tránh việc bé phun thức ăn, bạn nên cho bé làm quen với thức ăn đặc vào trước cữ bú sữa. Dùng muỗng nhỏ (1/3 muỗng) để đút thức ăn cho bé. Đừng đút một muỗng đầy và đừng đút sâu vào miệng trẻ: trẻ sẽ bị nghẹn và phun ngược thức ăn ra ngoài.

Nên tập cho trẻ ăn dặm trong cữ ăn nào là dễ nhất?

Bữa trưa là cữ tập cho ăn lý tưởng nhất vì trẻ không đói cồn cào (vì đã có bữa sáng rồi). Trẻ sẽ tỉnh táo và chịu "hợp tác" hơn.

Khi tập cho trẻ ăn dặm, có nên cho trẻ uống nước thoải mái không?

Hãy cho trẻ uống nước sau bữa ăn và những lúc trẻ khát (trong ngày). Nhưng đừng cho trẻ uống quá nhiều trước giờ ăn.

Có thể tập cho bé ăn trứng và uống nước trái cây ngay không?

Không nên tập cho bé ăn những thức ăn có chứa chất gluten (bột mì), đậu phộng, các chế phẩm từ sữa, hay trứng trong ít nhất 6 tháng để tránh phát sinh những bệnh dị ứng sau này.

Trẻ 4 tháng đã bắt đầu uống được nước trái cây. Vài tháng sau bạn có thể nạo, dầm nhuyễn trái cây cho bé ăn.

Theo Mẹ yêu bé
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
con em moi 4.5 be rat thich an e co the cho be an bot man ko
hơn 1 tháng trước - Thích (10) - Trả lời
bé nhà em được 4 tháng.em muốn tập ăn dặm cho bé mà không biết lên mua loại bột dinh dưỡng nào.giúp em nhé
hơn 1 tháng trước - Thích (11) - Trả lời
cho bé ăn bột hipp ở siêu thị có bán đó
Để tốt cho bé và an toàn nhất, bạn nên cho bé ăn dặm bằng các loại bột gạo tự xay và rau củ quả xay nhuyễn. Tuy hơi mất công một chút nhưng vừa đảm bảo an toàn cho bé lại vừa kinh tế. Chúc bé của bạn luôn khỏe mạnh!
Con toi duoc 5 thang toi muon cho chau an dam bang bot hip nhung ko mua duoc bot danh cho tre duoi 6 thang. Vay toi co nen cho chau an bot danh cho tre tu 6 thang ko?toi ko chuyen sang tieng viet co dau dc nen nho bac si giup.
hơn 1 tháng trước - Thích (8) - Trả lời
được
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý