Tác dụng chữa bệnh của lá sen: chữa đau bụng tiêu chảy

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Tác dụng chữa bệnh của lá sen: chữa đau bụng tiêu chảy

03/09/2015 12:00 AM
163

Cây sen là loài thực vật thủy sinh lưu niên phân bố rộng rãi khắp Châu Á.

a4a94ca0c63fe356542b0b4a jpg

 Đã từ lâu, sen đã quen thuộc với con người không chỉ bằng vẻ đẹp mà điều đáng quan tâm hơn là giá trị y dược. Tất cả các bộ phận lá, hoa, ngó, gương, hạt, tâm, nhị và củ cuả cây sen đều là những vị thuốc quý.

Lá sen còn gọi là hà diệp hay liên diệp. Sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh viết: “Hà diệp là lá sen, vị đắng, tính bình, không độc, trị tâm phiền, chữa các bệnh thai sản, chữa lở ghẻ, đậu mùa, chỉ huyết (cầm máu), cố tinh, ích nguyên khí của dạ dày”. Tỉ lệ hoạt chất có trong lá sen bánh tẻ cao hơn lá non và lá già.

Lá sen có công dụng an thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế loạn nhịp tim. Tác dụng an thần của lá sen mạnh hơn tâm (tim) sen, có tác dụng kéo dài giấc ngủ. Về sau này, khi mà bệnh béo phì trở nên phổ biến, thì lá sen được sử dụng rất hiệu quả để chống lại căn bệnh này.

Lá sen công dụng tuyệt vời

Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên trong những tháng hè như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy... Còn lá sen khô, hoặc đã thiêu tồn tính, dùng để chữa các chứng xuất huyết.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng giảm béo và chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alcaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm. Trên lâm sàng hiện nay, lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị béo phì, phòng trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật. Theo các chuyên gia, những người cao tuổi cơ thể đã suy yếu, động mạch não đã bị xơ cứng, hoặc từng bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, nên thường xuyên sử dụng lá sen. Tác dụng dược lý của lá sen đã được báo cáo gồm các chất chống oxy hóa, chống HIV, chống cao mỡ máu. Một số kết quả cho thấy sử dụng dịch chiết xuất từ lá sen cho thấy sự cải thiện trong việc chuyển hóa chất béo và giảm tổn thương gan.

Sở dĩ có tác dụng to lớn như vậy là do trong lá sen có chứa nhiều chất thuộc nhóm alkaloid, flavonoid…là các chất có hoạt tính sinh học cao. Theo tác giả Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi, Phạm Xuân Sinh, Nguyễn Văn Đàn thì trong lá sen có chứa tới 15 loại alkaloid như nuciferin, nor-nuciferin, roemerin, anonain. Hoạt chất là nuciferin có tác dụng an thần, kéo dài giấc ngủ, tăng cường quá trình ức chế trong các tế bào thần kinh phần vỏ não cảm giác vận động và thể lưới thân não. Các nghiên cứu lâm sàng đối với thuốc chế từ tâm sen và lá sen đã được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân ngoại tâm thu trên thất, kết quả tốt 64%, trung bình 21%, không kết quả 15%.

Theo khuyến cáo của Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, với lá sen chỉ được dùng 15-20 g mỗi ngày cho người lớn vì trong lá sen có alkaloid - một chất có hoạt tính sinh học cao giúp an thần và tác dụng lên tim mạch. Với chất này thì phải dùng đúng liều quy định, nếu dùng quá liều sẽ gây độc.

Lá sen phối hợp với các vị thuốc sơn tra, hà thủ ô và thảo quyết minh (hạt muồng) pha trà uống thường xuyên sẽ có tác dụng giảm cholesterol cùng các tác nhân gây béo phì.Trà lá sen (độc vị lá sen): dùng lá sen khô 10g (tươi 30g), xé nhỏ, nấu nước uống thay trà trong ngày, liên tục 2 - 3 tháng. Có tác dụng hạ mỡ máu và chống béo phì rõ ràng.

Trà táo mèo lá sen (sơn tra hà diệp trà): sơn tra (hoặc táo mèo) 15g (đã thái lát, phơi khô), hà diệp (lá sen) 10g khô (hay 20g tươi), thái nhỏ. Hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày.

Táo mèo có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, chống tích trệ, hạ cholesterol máu và tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; còn có tác dụng bảo vệ gan. Lá sen phối hợp với sơn tra thành loại trà có hương vị đặc biệt, có tác dụng phòng bệnh tim mạch, điều hòa chuyển hóa mỡ và giảm béo rõ ràng. Đồng thời còn có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, chống đầy bụng, giúp ăn ngon miệng trong những ngày nắng nóng.

Ngoài sơn tra, lá sen có thể kết hợp tốt với chè xanh để hình thành tập hợp nguyên liệu mới pha nước uống. Tại Khoa dược – Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh trên chuột cho thấy, trong vòng 4 tuần, với tỷ lệ cao chiết xuất 3%, 5% từ chè xanh và lá sen theo liều dùng10ml/kg thể trọng, cho thấy chuột đã giảm cân đáng kể so với chuột ăn thức ăn giàu chất béo.

Hiện nay một số loại trà làm từ lá sen kết hợp với những loại thảo dược như linh chi, táo mèo, chè xanh… đã được một số nơi khai thác nghiên cứu, sản xuất.


TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý