Phong tục cưới hỏi của người Lào cực đặc sắc

seminoon seminoon @seminoon

Phong tục cưới hỏi của người Lào cực đặc sắc

01/10/2015 12:00 AM
271

Khác với quan niệm của Việt Nam “nam nữ thọ thọ bất thân” hay “nam nữ dị biệt”, trai, gái Lào làm quen và tìm hiểu nhau dễ dàng, cởi mở hơn. Người con gái Lào, từ 16 tuổi trở lên, được tự do tiếp bạn trai tại nhà, có thể cùng bạn trai đi dự các buổi lễ (Bun), hội chợ (Ngan) trong hay ngoài làng, trong tỉnh hay ở các làng phụ cận. Tình cảm đôi lứa nẩy nở cũng từ sự giao thiệp cởi mở trong khuôn khổ lễ giáo đó. Người Lào quan niệm vấn đề nam nữ như Cát với Nước, cát với nước tự nhiên thu hút nhau qua tiếp xúc, giao tế. Còn Việt Nam thì cho chuyện tiếp xúc giữa trai gái giống như Lửa với Rơm, do đó mà mới có câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”!


alt

Ảnh.beta.forvn. Nghi thức Soukhoan trong hôn lễ Lào.


Trước nay  trong hôn nhân Lào chưa bao giờ có cảnh lần đầu vợ biết mặt chồng là trong ngày cưới. Khi cha mẹ, họ hàng hai bên gia đình bàn chuyện kết hợp cho con cái họ thì chàng trai và cô gái đã yêu nhau hoặc tối thiểu là cũng đã quen biết nhau rồi.

Theo tập tục bên Lào, sau hôn lễ chú rể về ở nhà cô dâu (người Lào gọi là Vivahamongkhon, người Việt gọi là Gửi Rể); trong khi tại Việt Nam, sau lễ cưới, cô dâu về nhà chú rể ở và đây sẽ là nơi cô gái sinh  sống suốt đời (người Việt gọi là Cưới Dâu; người Lào gọi là Avahamongkhon). Phong tục hôn lễ của Việt Nam xưa bao gồm 6 lễ: 

-    Nạp thái: nhà trai đến nhà gái ngỏ lời xin đi lại
-    Vấn danh: nhà trai hỏi tên tuổi cô gái để tính ngày giờ, xem có bị xung khắc không.
-    Nạp cát: chọn được ngày tốt, xác nhận với nhà gái.
-    Nạp tệ: đưa đồ thách cưới do nhà gái ấn định.
-    Thỉnh kỳ: định ngày làm lễ cưới, nộp nữ trang, vải vóc cho nhà gái.
-    Nghinh hôn (thân nghinh): lễ rước dâu.

Nay, tục lệ trên rút gọn lại còn: 

Lễ chính thức: 1. Đám hỏi; 2. Đám cưới. Phụ: Bắn tin. 
    
Tương tự tục lệ bên Lào: Lễ chính thức gồm:  
1. Ngan Mặn (Đám Hỏi) ;
2. Ngan Vi Va (Đám Cưới). 
Phụ: Thạp tham hay Pay Chỏ (thăm dò). 

Tục Bắn Tin ( Thạp Tham) ở hai nước đều giống nhau tức cha mẹ chàng trai nhờ ông hay bà mai (tiếng Lào: Phò sừ, Mè sừ) đưa tin cho cha mẹ cô gái ý định của mình. Và tuy tự do, cởi mở nhưng cô phù-sáo ( thiếu nữ Lào) cũng vùng vằng e lệ, đỏ mặt ngượng ngùng giống những cô gái các nước Á châu khác khi cha mẹ nêu câu hỏi "chịu" hay "không chịu" . Nàng cũng sẽ "ngây thơ" trả lời, đại khái : " khà nỏi bò hủ (con không biết), khà nỏi bò au phúa đoọc (con không lấy chồng đâu), khà nỏi chả dù bản cắp phò mè tà lọt si vịt (con sẽ ở vậy với cha mẹ suốt đời …).

Lễ hỏi của người Lào cũng có nét giống với lễ ăn hỏi ở Việt Nam ta, cũng có lễ vật. Lễ vật ăn hỏi của người Lào gọi là Khà Đoong. Trong bộ luật hôn nhân của Lào các điều khoản Khà Đoòng rất “linh hoạt” song thực tế lại "không có không được", bắt buộc nhà trai phải nộp cho nhà gái. Dĩ nhiên số lượng cao thấp là do tài thương lượng, điều đình của ông hay bà mai với cha mẹ cô gái. Ở tỉnh thành, phần vật liệu thách cưới thường chỉ tính bằng tiền hay vàng ta. Ở nông thôn lại có cả trâu bò, ruộng đất. 

Khà Đoòng chỉ phải nộp trong ngày cưới và sẽ được nói rõ trong hôn lễ chính thức. 
Nghi thức đám cưới: Người Lào có tục lệ chỉ cưới gả nhau vào những tháng chẵn. Tháng sáu là tháng tốt nhất vì nhằm mùa Bun Bang Phay tức lễ cầu mưa. Tháng sáu cũng là tháng cuối cùng vì qua tháng bảy là mùa đồng áng, còn tháng tám lại nhằm mùa Khậu Vặt Sá tức mùa cấm phòng của chư tăng ni hệ tiểu thừa kéo dài mãi đến trăng tròn tháng 11. Đây là khoảng thời gian người Lào tuyệt đối Kha-lăm (kiêng cữ), nên đành chờ đến tháng 12. Ngày tốt, người Lào chọn 15 ngày trước khi trăng tròn, ngụ ý duyên phận vợ chồng son sẽ ngày càng gắn bó, thắm thiết, càng sáng tỏ, đẹp như trăng.

Lễ nghinh hôn: Như đã nói, người Việt đón dâu, người Lào đưa rể. Hình thức và nội dung nghi lễ trong hôn nhân Lào bao gồm những lễ sau: Su-khoắn (soukhouan), Ba-xí (baci) và Phục-khén (phoukkhen) là Ba danh xưng khác nhau để chỉ định Một hình thức tổ chức biểu hiện Một nội dung tín ngưỡng giống nhau. 

 -Su-khoắn có nghĩa là Cầu Vía vì vía vốn phiêu lãng chỉ muốn rời khỏi xác. Su-khoắn là danh xưng phổ thông để chỉ định nghi thức tín ngưỡng Cầu viá. 

 -Ba-xí là biệt từ chỉ định lễ Su-khoắn trong hoàng gia, vọng tộc hay trong giới trưởng giả phú quí. 

 -Phục-khén (buộc chỉ cổ tay) là tên bình dân của Su-khoắn.

alt

Ảnh.dactrung.net

Hình thức vật chất của Su-khoắn là Pha-khoắn. Pha-khoắn nghĩa là một cái mâm hay " mâm tiệc cho viá ", gồm các ô và khán (loại mâm nhỏ) được để chồng lên nhau ; trên mỗi ô và khán được cắm nhiều ống như " ống loa " làm bằng lá chuối xanh phủ đầy hoa đủ màu. Trên đỉnh Pha-khoắn là một " ống loa " to nhất cũng làm bằng lá chuối nhưng đặc biệt là hoa Champa được nâng niu kết lại trên từng cái găm dài nhỏ bằng gỗ, hay bằng tre, cắm rủ dài xuống trông giống như mái tóc bạch kim lóng lánh. 

Ngoài ra trên Pha-khoắn ta còn thấy có cả trầu cau, thuốc lá, trứng luộc ; xôi, rượu, bánh trái, tiền, nhang, nến và những sợi dây màu trắng, dệt bằng vải bông… 

Trong các buổi lễ khác, Pha-khoắn nhỏ hay lớn, ít hay nhiều tầng (nhiều mâm nhỏ chồng lên nhau) , lượng lễ vật ra sao là tùy hoàn cảnh tài chính của gia chủ. 

Hai Pha-khoắn trong trong ngày cưới đặc biệt hơn thường lệ, nhiều khi cao tới 7 hay 9 tầng, chu vi cả thước và có cả tiền lẫn vàng. Hoa Champa thì được thay bằng Đoọc Hặc (hoa Cau). 

Nghi lễ Su-khoắn phải được diễn ra nơi trang trọng nhất trong nhà, thường là phòng khách, nhân dịp này lại được lau chùi, dọn dẹp kỹ hơn, bày biện mỹ thuật, vui mắt hơn nên trông sang trọng vô cùng. Người được mời làm chủ lễ theo lẽ là các vị sư, song thực tế thường là do một Chan hay một Thít tức tu sĩ đã hoàn tục, nếu không, ít ra cũng phải là một Mó-Khoắn (còn được gọi là Mó-phon, tức thầy cúng) hoặc một cụ ông tóc bạc, tiên phong đạo cốt, rành chuyện tụng niệm, lễ bái ; vận toàn đồ trắng. 

Rồi trong khung cảnh đông đủ mà lặng, nghiêm, dưới làn khói nhang mờ ảo, thoang thoảng mùi thơm của nhiều loại hoa, hoà hợp với mùi thơm siêu thoát của hàng ngàn đoá Champa … mọi người hiện diện chung quanh Pha-khoắn đều chấp tay trước ngực hay trước trán, khi vị chủ lễ, ngồi xấp bằng trên chiếu hay thảm, an vị theo hướng tốt đã chọn kỹ, đối diện người được hân hạnh nhận lễ Su-khoắn, bắt đầu cất tiếng Suột Môn (tụng kinh).
Trong mỗi cuộc hôn nhân, theo phong tục Lào, có tất cả ba lễ Su-khoắn:
-    Do gia đình nhà chú rể tổ chức riêng cho chàng.
-    Do gia đình nhà cô dâu tổ chức riêng cho nàng.
-    Do hai gia đình nhà sui gia cùng tổ chức.
Bài kinh cầu trong buổi lễ thứ nhất và thứ hai có nội dung tốt đẹp gần giống nhau, nhắc nhở cô dâu chú rê về công đức sinh thành của cha mẹ,v.v… Bài kinh trong buổi lễ thứ ba có nội dung đặc thù cho tình nghĩa vợ chồng, bổn phận dâu rể. Trước mâm Pha-khoắn, chú rể ngồi bên phải, cô dâu bên trái.
Cuối cùng là lễ đưa rể:  Theo phong tục thì cuộc đưa chồng về nhà vợ được tổ chức sau ngày làm lễ Su-khoắn nhưng để tiện việc tổ chức, lễ này thường được tiến hành ngay hôm đó. 

Đến giờ lành, phái đoàn nhà trai - tuyệt đối không có các bà goá hay li dị - mang lễ vật đã được đôi bên thoả thuận đến nhà gái. Hai Pha-khoắn nói trên đã được mang đến nhà gái từ trước. 

Phái đoàn nhà trai tiến dần về hướng nhà gái trong tiếng reo hò, lăm, khắp, xởng (các điệu hát, hò … đặc biệt của Lào) hoà lẫn âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền Lào, đại để trống, sáo, nhị, chuông … và Khèn, như để báo tin vui cùng trời đất, cùng xóm làng.

Trước khi được phép vào nhà cô dâu, phái đoàn hè-khới (đưa rể) cũng đã trải qua mấy "cửa ải" giăng dây, chận cổng, đối đáp, yêu sách tinh nghịch giống như họ nhà trai bên ta đi rước dâu vậy. Có điều trước khi bước chân lên cầu thang - người Lào thường ở nhà sàn -, chẩu-bào (chú rể) phải đặt hai chân lên một miếng đá có phủ lá chuối xanh tươi do gia đình chẩu-sáo (cô dâu) chuẩn bị sẵn, một người em hay một người bà con (trai hay gái) của chẩu-sáo sẽ mang tới một ô thay thau nước cùng một tấm khăn và rửa chân thật kỹ cho chẩu-bào. Chẩu-bào phải thưởng tiền cho người thi hành lệ đó. Tục này ngụ ý chú rể về ở nhà vợ với tâm thân trong sạch. Và chính chẩu-sáo là người đứng ra nhận lễ cưới mình.

alt

Ảnh.dactrung.net

Sau đó là lễ Su-khoắn Tân Hôn rồi mới tới tiệc tùng, ca hát – ngày nay có thêm một mục là mục nhảy đầm, – thường kéo dài thâu đêm. 

Ba ngày sau, chú rể đưa cô dâu về thăm cha mẹ ruột. Đây là dịp tân lang tân nương mang theo vài kỷ vật làm quà biếu cha mẹ và anh chị em chồng. Và như thế, đôi vợ chồng  mới chính thức hoà hợp vào cả hai gia đình.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý