Nhạc sỹ Quốc Trung và gia đình

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Nhạc sỹ Quốc Trung và gia đình

18/04/2015 04:27 PM
413
Nhạc sỹ Quốc Trung ngày càng được đông đảo khán giả ngưỡng mộ khi gây thiện cảm trong vai trò giám khảo cuộc thi Việt Nam Idol. Cùng tìm hiểu thêm những thông tin về gia đình vị nhạc sỹ tài năng này nhé


Nhạc sĩ Quốc Trung: "Gia đình cho tôi đôi cánh để bay cùng âm nhạc"

Quốc Trung không phải kiểu người liều lĩnh dám "đánh cược" với số phận. Anh luôn luôn cần một chỗ dựa. Gia đình là điểm tựa để anh có thể toàn tâm toàn ý bay bằng đôi cánh âm nhạc.

Nhưng tất nhiên không phải lúc nào cuộc sống cũng diễn ra như anh mong muốn. Sức chịu đựng của anh cho người ta một suy nghĩ, rằng, đối với anh, gia đình là sợi dây ràng buộc không bao giờ dứt bỏ được, dù chỉ là trong suy nghĩ.

Nếu như con người ta không thắng được số phận thì phải biết thua và biết chấp nhận. Gạt những câu chuyện buồn sang một bên cho lòng bớt đi nỗi niềm "canh cánh", Quốc Trung thực hiện những phận sự của cuộc đời một cánh chu toàn, lặng lẽ. Và cũng lặng lẽ để làm âm nhạc....

Cú sốc lớn nhất trong cuộc đời Quốc Trung là khi mẹ anh mất. Đó là thời điểm khó khăn khi một đứa con nhận ra rằng, từ nay, vĩnh viễn không còn một điểm tựa ấm êm, quan trọng, một nơi để vỗ về, an ủi tinh thần mỗi khi mình gặp chuyện chẳng lành trong cuộc sống.

Anh chỉ còn được ngả vào cái bóng lớn của người cha thân yêu, NSND Trung Kiên. Ngoài những tình cảm thương yêu lớn lao dành cho con trai, NSND Trung Kiên còn là người thầy lớn của Quốc Trung. Ông là ca sĩ giọng tenor theo đuổi dòng nhạc opera, nhạc cách mạng được nhiều người yêu mến.

Ông hướng cho con trai theo học âm nhạc từ thuở nhỏ, nuôi dưỡng cho con một tình yêu âm nhạc và cũng là một nhận thức sâu sắc rằng, một người gắn bó với âm nhạc chân chính là một người phải biết học và tự học suốt đời. Rằng, những hào quang trên sân khấu là những khoảnh khắc được kết tinh bởi rất nhiều mồ hôi, công sức, trăn trở của người nghệ sĩ.

Là con trai của một nghệ sĩ danh tiếng, một nhà sư phạm, một nhà quản lý nghệ thuật (NSND Trung Kiên từng làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) nhưng Quốc Trung có lối sống thâm trầm từ  nhỏ. Anh bao giờ cũng kiệm lời.

Nhưng với cha, mãi mãi là một tình cảm sâu nặng, gắn bó thân thiết không thể tách rời. Mặc dù không đi theo con đường âm nhạc chính thống như định hướng của cha mình, nhưng Quốc Trung biết ơn cha vì những kiến thức âm nhạc hàn lâm, bài bản mà anh được cha trang bị cho từ thuở nhỏ đã tạo được một "nền tảng" vững vàng để anh trở thành một nhạc sĩ của âm nhạc hiện đại như hôm nay.

NSND Trung Kiên từng mong ước con trai mình sẽ trở thành một nghệ sĩ theo con đường mà ông đã đi, theo cách mà ông đã "cư xử" với âm nhạc. Nhưng mọi sự đã thay đổi khi Quốc Trung được tiếp cận với âm nhạc đương đại thế giới.

Chàng trai có vẻ ngoài nhu mì ấy đã cho thấy một bản lĩnh mạnh mẽ khác thường khi anh tự tìm cho mình một con đường hoàn toàn riêng biệt để theo đuổi. Và với toàn bộ sức lực, tài năng, sự kiên nhẫn và niềm tin vào công việc mình đang hướng tới, Quốc Trung thuyết phục được người khán giả khó tính nhất là cha mình và nhận được rất nhiều tình cảm quý mến, trân trọng từ hàng ngàn khán giả của anh.

Trong chương trình "Con đường âm nhạc" khắc họa chân dung Quốc Trung mới đây, khán giả cảm động khi thấy hai cha con nghệ sĩ cùng ngân vang một giai điệu.

Ca khúc "Bài hát cho cha" là một lời tri ân, một lời cảm tạ sâu nặng từ đáy lòng Quốc Trung muốn gửi tới người cha yêu quý của mình. Với Quốc Trung, lời nói thật khó khăn.

Anh chỉ muốn được "nói" bằng âm nhạc. Và dường như, chỉ có âm nhạc mới đủ một "chiều kích" rộng lớn về không gian và tư tưởng để anh bày tỏ những gì anh cảm nhận về đời sống. Điều này thể hiện rất rõ trong quan điểm viết ca khúc của Quốc Trung.

Với anh, viết ca khúc không bao giờ là thỏa mãn cả. Vì khi đó âm nhạc bị "gói ghém", bị "nhốt" trong ca từ và nó không thể tự do cất cánh, bay bổng hoàn toàn như nó muốn. Một cách nào đó, ca từ sẽ bó hẹp trí tưởng tượng của người nhạc sĩ (và cả người nghe).

Âm nhạc là không gian và Quốc Trung muốn cái không gian anh tạo ra ấy phải có được một "độ mở" tối đa để lan tỏa trong cảm xúc của con người . Tìm đến với thể loại world music, mày mò tìm kiếm, sáng tạo ra một thứ âm nhạc hoàn toàn mới trên nền kiến thức âm nhạc truyền thống, Quốc Trung là biểu tượng của những người làm nghệ thuật trẻ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa âm nhạc dân tộc.

Quan niệm của Quốc Trung về một người nhạc sĩ cũng rất khác so với cách thông thường mà chúng ta hay nghĩ. Là người có cơ hội được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc hiện đại, Quốc Trung nhìn chính xác sự cũ kỹ, lạc hậu của âm nhạc trong nước.

Với bản tính ít phô trương, Quốc Trung chỉ lặng lẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của người nghe về âm nhạc đương đại bằng chính các chương trình, dự án âm nhạc của mình.

Khán giả từng được nghe các chương trình của Quốc Trung như "Đường xa vạn dặm" và "Vọng Nguyệt", ít nhiều đã thấy một gương mặt riêng với cá tính âm nhạc không trộn lẫn của người nhạc sĩ.

Anh cũng đã mang các dự án âm nhạc của mình trình diễn tại nhiều nước trên thế giới, như một thông điệp về sự tìm kiếm để hội nhập cũng như sự kế thừa để phát triển của âm nhạc Việt trong giai đoạn toàn cầu hóa.

(Theohttp://vnca.cand.com.vn/vi-VN/tulieuvanhoa/2007/4/51880.cand)


Cuộc hôn nhân tốn nhiều giấy mực với Thanh Lam:

Trái với vẻ thâm trầm và lặng lẽ bề ngoài, nhạc sĩ- nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung luôn mang đến cho người đối diện một cảm nhận về sự gần gũi và cởi mở. Quốc Trung say sưa nói về âm nhạc nhưng lại kiệm lời về bản thân. Luôn luôn là như thế, anh thể hiện mình bằng những sản phẩm, để âm nhạc lên tiếng thay vì khắc họa chân dung mình bằng những phát ngôn.
 
 

 
Âm nhạc  nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng chưa  phải là khởi sắc

Thời điểm năm 2011 sắp qua đi, là người luôn theo sát đời sống âm nhạc anh có những nhận định gì về những thay đổi và biến đổi của âm nhạc nói chung?

- Tôi nghĩ, thứ nhất là sự lộn xộn, xuống cấp của âm nhạc dường như đã xuống đến đáy. Mọi người thấy đã đến lúc cần phải chấn chỉnh, cần phải đi theo những quy củ, nhất là đối với nghệ sĩ. Tôi nhận thấy họ đã ý thức được việc đó và làm việc một cách chuyên nghiệp hơn thay vì làm việc kiểu chộp giật, chạy sô mà không có kế hoạch lâu dài.

Thứ hai là, thị trường âm nhạc cũng bắt đầu có sự phân chia rõ ràng về các giá trị nghệ thuật, cũng giống như thị trường ở nước ngoài, tất nhiên là chậm hơn nhiều, nhưng cũng bắt đầu chú trọng vào show biểu diễn hơn là thị trường băng đĩa, mà thị trường băng đĩa thì chưa kịp hưng thịnh, đã thoái trào rồi. Đó không gọi là quy luật mà là sự phát triển chung của âm nhạc thế giới, đã qua giai đoạn phát triển theo phương thức truyền thống là CD, băng đĩa. Bây giờ chuyển sang công nghệ mới, thị trường Việt Nam cũng chú trọng show biểu diễn, thậm chí có lúc trở nên bão hòa, nhất là tháng 11 vừa rồi.
Anh có thể nói rõ hơn, việc phân chia và những thay đổi đó nói lên điều gì?

- Tôi nghĩ đấy là tín hiệu đáng mừng trong đời sống âm nhạc. Đằng sau sự phân chia về thể loại là sự phân cấp về khán giả. Có những chương trình tương đối đặc thù bắt đầu biết đề cao cá tính, xây dựng những cá tính riêng để khẳng định vai trò của nghệ sĩ rõ ràng hơn. So với show ngày xưa, thường xếp hàng 20 ca sĩ, mỗi người hát một hai bài gì đó. Bây giờ khán giả đã biết tìm đến những chương trình có chủ đề rõ ràng và khán giả biết được họ đến xem cái gì, tìm đến chương trình mà khán giả thích.
"Không gian âm nhạc" có khán giả riêng, show của Tuấn Vũ, Chế Linh lại có lớp khán giả khác. Đa số những show này vẫn bị lỗ, chưa phải là một cái gì đó trở thành chính quy hoặc đủ tiêu chuẩn hội nhập đời sống âm nhạc thế giới nhưng  cũng là cơ sở cho những nhà tổ chức đánh giá và tìm một phương thức nào đấy để tổ chức chuyên nghiệp hơn.
Nhiều chương trình âm nhạc trong năm được đánh giá là chất lượng như liveshow Tùng Dương, Đức Tuấn..., đặc biệt là sự xuất hiện của "Không gian âm nhạc", chú trọng vào nghệ thuật và tôn vinh những nghệ sĩ có tên tuổi. Anh có nghĩ đó chính là những dấu hiệu của sự khởi sắc, sự "lột xác" mới của âm nhạc?

- Nếu gọi là khởi sắc thì có vẻ hơi lạc quan quá. Khi bị dồn đến chân tường, người ta sẽ ý thức được cần phải làm thế nào để thay đổi, để phát triển. Như cách đây hơn mười năm, âm nhạc Việt Nam khá hưng thịnh nhưng vẫn không đánh bật được âm nhạc hải ngoại. Đó là bởi phát triển một cách tự nhiên không theo quy luật, không được xây dựng một cách bài bản dẫn đến sự thoái trào. Bây giờ các nghệ sĩ, các nhà sản xuất đã ý thức được và làm việc chuyên nghiệp hơn.
Nhưng thực tế thì ngay cả khi các nghệ sĩ đã chuyên nghiệp hơn thì bên cạnh dòng giải trí mang tính nghệ thuật cao thì vẫn có một dòng khác tồn tại song song chỉ đơn thuần là giải trí, nghe một lần rồi thôi... Chúng ta phải chấp nhận nó hay phải đào thải nó?

-Tôi nghĩ sự phát triển công bằng nhất chính là thị trường. Thị trường sẽ thanh lọc, phân chia, tự điều hòa các sản phẩm. Chúng ta không nên quá lo lắng cái nọ áp đảo cái kia bởi cũng như trên thế giới, không có thể loại âm nhạc nào là không tồn tại được. Vấn đề là anh tồn tại bằng cách nào. Khi mình đã tạo ra một thị trường đúng nghĩa thì tự thân những cái không nghệ thuật sẽ tự đào thải. Nhưng bản thân từ "nghệ thuật" cũng rất khó có thể rạch ròi là tác phẩm này sến, tác phẩm kia sang. Chúng ta không thể nói như thế được, mà tự khán giả sẽ tìm cho mình tác phẩm mà họ yêu thích. Ở đây còn phụ thuộc vào định hướng của các nhà sản xuất, cần có một sự nhìn xa trông rộng thay vì chộp giật, ăn xổi, hay chỉ tính đến chuyện làm sao có lãi. Ví dụ như "Không gian âm nhạc", các nhà sản xuất đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu, thay vì một thị trường đang có xu hướng âm nhạc hải ngoại lấn át.
Và như nhận định của giới chuyên môn, từ lâu anh đã chọn cho mình hướng đi "nhìn xa trông rộng" thay vì chỉ đáp ứng những nhu cầu thức thời của thị trường?

-Thực ra đây là sự lựa chọn của mỗi người thôi. Tôi không phải là người duy lý trí chỉ cống hiến cho xã hội, hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Sự lựa chọn tôi muốn nói đến là khả năng của từng người. Âm nhạc cũng là một sản phẩm của thị trường kinh doanh nhưng "ăn xổi" thì tôi không thể làm được. Bây giờ bảo tôi biên tập các bài hát về hải ngoại thì chắc chắn là tôi không thể làm được, bởi tôi không có kiến thức về lĩnh vực đó. Không theo sát, thậm chí không biết những bài hát đó.
Ngược lại, nếu để những nhà sản xuất đó làm công việc như tôi đang làm thì họ cũng sẽ không làm được. Tôi nghĩ mỗi người làm tốt trong khả năng, môi trường của mình thì đều tốt cho xã hội. Tất nhiên, có thể anh là người có ích cho xã hội nhưng chưa chắc thành có ích cho sự phát triển âm nhạc. Ví dụ, có những ngôi sao luôn thu hút hàng nghìn người xem nhưng họ lại không có sự đóng góp nhiều trong sự phát triển âm nhạc Việt Nam, không làm nên luồng gió mới hay những định hướng mới trong âm nhạc.
 

 

Trong mắt các con, Thanh Lam là thần tượng

Chương trình "Không gian âm nhạc- Đường xa mây trắng", lần đầu tiên anh đưa hai con của mình lên sân khấu biểu diễn. Anh và Thanh Lam đang bắt đầu định hướng cho các con của mình đi theo sự nghiệp biểu diễn?

-Với riêng gia đình nhà tôi, đó là một tiết mục biểu diễn mang tính chất kỷ niệm của bố mẹ và các con chứ không phải là một mô hình hay định hướng nào cả. Riêng các con của tôi chưa đủ tài năng để trở thành nghệ sĩ biểu diễn và hơn nữa các cháu đang học cổ điển chứ không phải học hát, nhạc pop để có thể biểu diễn ngay được. Còn sau này nếu tôi vẫn còn hoạt động trong âm nhạc, nếu các cháu có thể ghép được với nhau thì đó cũng là một thuận lợi. Hiện tại hai cháu đang học piano cổ điển ở Nhạc viện Hà Nội và rất đam mê chuyên ngành của mình. Âm nhạc mà không có sự đam mê thì học gần như là tra tấn.
Trong môi trường mà cả nhà làm nghệ thuật, lại rất nổi tiếng, có khi nào bản thân anh và các con của anh cảm nhận đó cũng là một sức ép không nhỏ?

-Tôi chỉ bị sức ép khi gia đình quá kỳ vọng vào mình. Còn với các con, tôi luôn nghĩ các con mình có một khả năng nhất định, nên để cho con phát triển một cách tự nhiên và tôn trọng cái sự chọn lựa của con cái. Tôi không kỳ vọng con mình trở thành ngôi sao hay một thiên tài âm nhạc bởi đó sẽ là một áp lực quá lớn cho chúng. Bố mẹ chỉ nên định hướng cho con, còn sự quyết định nên để chúng lựa chọn. Tất nhiên tôi cũng cảm nhận được, việc sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật thì đôi khi cũng bị áp lực vì đi đâu cũng bị gọi là con ông nọ bà kia. Ngày trước tôi cũng đã từng bị gọi như thế mỗi khi ra đường, nhưng tôi tự tin với khả năng của chính mình và làm việc một cách nghiêm túc thì việc con của ai cũng không thể trở thành một áp lực ghê gớm.
Có bao giờ các con anh chia sẻ với anh rằng, con mong muốn sau này  được nổi tiếng như bố mẹ và ông nội- NSND Trung Kiên?

-Không, giống như tôi không bao giờ ước ao giống như bố mình. Các con tôi luôn thần tượng mẹ, nhưng các cháu cũng thích và đang học piano cổ điển nên cũng không mong là giống như bố hoặc mẹ. Tôi nghĩ mình nên tôn trọng sự chọn lựa của con trẻ.
Trong cách nuôi dạy con cái, nhạc sĩ đề cao điều gì nhất để nuôi dưỡng?

-Tôi nghĩ đầu tiên là sự tự tin. Tự tin ở đây là tự tin những gì mình có, biết chân thật với sự chọn lựa của mình. Sự tự tin sẽ khiến cho mình trở lên đàng hoàng, có những ứng xử văn hóa. Bên cạnh là sự tôn trọng, lắng nghe, luôn coi các con như những người bạn cần chia sẻ, tâm sự. Tôi không dùng quyền cha mẹ để áp đặt đối với các con.
 

Thanh Lam và hai con.


Không nghĩ tình yêu được đảm bảo bằng đám cưới

Là một nhà sản xuất, anh đã góp phần đào tạo và tạo dựng nhiều tên tuổi cho các ca sĩ, vậy với các con mình, anh dành bao nhiêu thời gian để dạy âm nhạc cho chúng?

-Tôi vẫn kèm các cháu học đàn hàng ngày. Ngoài ra, chúng tự tập 3 đến 4 tiếng. Những lúc không có tôi thì chúng sẽ học với bà nội từ 1 đến 2 tiếng
Vậy thời gian cho bản thân thì anh ưu tiên thế nào?

-Thì cũng như mọi người, tôi luôn cân đối được thời gian cho công việc, gia đình và bản thân.
Anh sống độc thân đã lâu, bao giờ thì anh có ý định sẽ có ai đó bên mình?

-Bạn nghĩ tôi không có ai đó sao? Lúc nào tôi cũng có người ở bên cạnh mình đấy chứ.
Ý tôi nói là bao giờ anh sẽ tái hôn kia...

-Thực ra thì tôi và Thanh Lam chưa làm thủ tục kết hôn, nhưng ly hôn thì có.
Nếu vậy thì anh sẽ càng là "đích ngắm" của nhiều phụ nữ, sao đến giờ anh vẫn chưa lựa chọn?

- Nếu đến với ai đó thì tôi sẽ khuyên họ không nên trông chờ ở tôi một tờ giấy hôn thú. Đơn giản là tôi không thích những thủ tục đó thôi. Tôi không thể tưởng tượng được lúc đó trông mình sẽ như thế nào khi cứ phải ngượng ngịu tay trong tay cô dâu, nói cười làm lễ, đón khách... Tôi thấy mình không hợp với những thủ tục đó lắm.
Vậy nếu có người yêu anh và anh cũng yêu người đó, nhưng họ đòi hỏi một đám cưới để có sự chắc chắn, anh sẽ làm thế nào?

-Chắc phải để họ tự lựa chọn thôi. Tôi không nghĩ tình yêu chỉ được đảm bảo bằng một đám cưới.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!


(http://giadinh.net.vn/2011121508164882p0c1003/nhac-si-quoc-trung-toi-va-thanh-lam-chua-tung-ket-hon.htm)

Trong mắt người thân nhạc sĩ khó tính là người thế nào:


Quốc Trung làm bạn với các con

Việc chia tay của cha mẹ là một sự thiệt thòi cho những đứa con, Quốc Trung chấp nhận ở vào cảnh “gà trống nuôi con”. Cũng như bao ông bố khác, anh luôn giành những tình cảm tốt đẹp nhất, luôn cố gắng giáo dục và nuôi dạy các con trưởng thành. Quan điểm của anh đối với bọn trẻ là luôn có sự tôn trọng. Muốn hiểu rõ chúng hơn thì phải làm bạn và tìm cách đối thoại cũng như lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư của chúng.

Do vậy trong những câu chuyện giữa ba bố con luôn phải tạo không khí cởi mở, tâm sự như những người bạn với nhau. Anh hiểu rằng khi thiếu bàn tay chăm sóc thường xuyên của người mẹ, có lúc bọn trẻ cũng tủi thân và mặc cảm. Trong khi đó, muốn nuôi dạy các con thì cần nhiều thời gian mà anh thì luôn bận bịu công việc. Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất của Quốc Trung hiện nay.

Gần đây mọi người thường quen với hình ảnh một Quốc Trung đầu húi cua và để râu. Chứ ít ai biết trước kia anh thường để tóc dài và không râu. Nói về điều này, anh hóm hỉnh cho biết: “Bây giờ tóc không mọc nữa thì tôi húi cua cho tiện. Bởi thực tế, tôi cũng không phải là người chăm chút nhiều về mặt hình thức”. Là người của công chúng nhưng Quốc Trung ăn mặc khá giản dị. Áo sơ mi và quần bò là trang phục thường ngày của anh.

Quốc Trung trong con mắt của bố - NSND Trung Kiên

NSND Trung Kiên và mẹ Quốc Trung quen nhau cũng trong môi trường âm nhạc. Ông vốn là thành viên của ban nhạc đồng ca Rạng Đông. Còn mẹ Trung trong ban Tuổi Xanh. Sau đó, hai bên sát nhập thành ban đồng ca của Thành Đoàn Thanh niên Hà Nội. Sau những lần sinh hoạt cùng nhóm, dần dần tình cảm nảy sinh và họ đã đến với nhau.

Nhớ ngày Quốc Trung ra đời, NSND Trung Kiên kể lại: “Hôm đó hai vợ chồng đi xem phim ở rạp Tháng Tám. Lúc về vợ tôi kêu đau bụng, đưa vào viện và sinh luôn Trung”. Quốc Trung được nuôi dễ dàng bởi thời đó đời sống và chế độ chính sách của văn nghệ sĩ rất được ưu ái. Có ba mức bồi dưỡng: 36 đồng cho mức thứ nhất của những diễn viên hợp xướng hay hát đồng ca, mẹ Quốc Trung được hưởng ở mức thứ hai là 48 đồng và bố Quốc Trung được hưởng ở mức thứ ba là 72 đồng. Hồi đó, quy ra đường sữa là rất nhiều. Nuôi Trung chỉ vất vả ở chỗ hai vợ chồng luôn phải đi công tác, chứ ăn uống thì không phải lo.

Gia đình hướng Quốc Trung học hết trung cấp piano, sau đó thi lên đại học sáng tác và được tuyển đi học nước ngoài. Miền Nam giải phóng, gia đình ky cóp mua được chiếc đàn piano cũ cho Trung học.

Cũng như nhiều đứa trẻ khác, Trung không tự giác học mà luôn phải để cha mẹ thúc giục. Nhưng kể từ khi vào đại học tố chất âm nhạc trong Trung phát triển rất nhanh. Biết Trung không thích theo con đường âm nhạc cổ điển nên gia đình không bao giờ áp đặt Trung phải học cái này, phải đi theo con đường kia mà chỉ định hướng ban đầu là nên học về sáng tác.

Đặc biệt Trung say mê với thể loại nhạc nhẹ từ hồi đó. Hồi nhà còn ở phố Tuệ Tĩnh, gần công viên Lê Nin, hễ cứ đến tối thứ bảy hoặc Chủ nhật có đoàn ca múa nhạc nào về biểu diễn tại công viên thì không bao giờ vắng mặt Quốc Trung.

Hồi bé, Quốc Trung cũng nghịch lắm nhưng được cái không quậy. Bố mẹ đi làm thường bắt Trung ở nhà tập đàn và không cho ra đường chơi. Có một lần bố đi làm về bắt gặp Trung đang đánh nhau ngoài đường. Thế là Quốc Trung nhận ngay một trận đòn với hai tội: thứ nhất là tội đánh nhau, thứ hai là tội đã đánh nhau lại để một đứa khác lớn hơn đè lên người.

Thương con nhưng không bao giờ chiều chuộng theo những ý thích nhất thời của con. Ngày trước, bố có một chiếc xe Honda cũ. Trung mấy lần đòi mượn xe nhưng ông dứt khoát không đồng ý. Ông nói với Trung: “Bố có thể cho con đi xe máy nhưng đi nhỡ ngã gãy tay thì không thể đánh đàn”. Và anh chàng phải chịu đi xe đạp mà không đòi hỏi thêm.

Trung còn một điểm đặc biệt nữa là không bao giờ cãi bố câu nào nhưng khi đó chỉ làm theo ý mình. Nếu nói Quốc Trung ảnh hưởng điều gì từ NSND Trung Kiên thì có lẽ là cách giáo dục: không bao giờ có sự áp đặt trong cách giáo dục con trẻ.

“Còn xét một cách toàn diện tôi và bố có nhiều sự khác biệt từ tính cách đến suy nghĩ. Bố là một người tình cảm nhưng lại rất cứng rắn, rất quyết đoán. Trong khi đó tôi lại là người hay cả nể. Cũng bởi vậy, vốn tình cảm nhưng hai bố con lại rất hiếm khi ngồi với nhau được lâu”, đó là những lời tâm sự chân thành của Quốc Trung. Chủ ��ề chính mà hai bố con thường nói chuyện với nhau đó là âm nhạc và chủ yếu là hai đứa trẻ.

Công việc thì rất nghiêm túc nhưng riêng chuyện tình cảm theo NSND Trung Kiên thì “hình như” Trung không sáng suốt lắm. Sở dĩ ông dùng từ “hình như” là bởi đến giờ phút này ông vẫn thấy Trung chưa có sự lựa chọn đúng đắn.

Hiện tại Quốc Trung cũng có bạn gái. Ông hy vọng nếu mọi việc tốt đẹp Trung sẽ có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Cả Quốc Trung và Thanh Lam đều không có nhiều thời gian dành cho hai con. Bù đắp lại thiếu hụt đó, chúng nhận được sự quan tâm lo lắng rất nhiều từ ông bà Trung Kiên - Thu Hà.

NSND Thu Hà tuy không phải là bà nội ruột của bọn trẻ nhưng tình cảm của bà dành cho chúng thì không gì so sánh được. Cả ông và Quốc Trung đã rất may mắn vì có được cô Thu Hà. Với riêng NSND Trung Kiên thì đó là niềm hạnh phúc vì có một người bạn để chia sẻ.

Thu Hà là một người phụ nữ của gia đình và đặc biệt rất thương yêu các cháu. Ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm tối, nghỉ ngơi 15 phút và Thu Hà bắt đầu dạy đàn cho hai đứa. Khá bận bịu với công việc ở trường nhưng Thu Hà vẫn dành thời gian lớn cho những người thân.

Ông không thích ca ngợi con nhưng một trong những ông hãnh diện về con trai mình đó là Quốc Trung biết tự nhìn nhận, không cao ngạo, không bao giờ cho mình là ngôi sao hay một hiện tượng trên bầu trời âm nhạc. Quốc Trung luôn tự nhận thấy đường đi của mình được sự tiếp nhận của mọi người đó là điều đáng quý.



Cùng ngắm những hình ảnh đẹp của gia đình Quốc Trung:






















(St)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
chu quoc chung la mot nguoi nhac si noi tien chu rat la vui tinh chu lai danh dan piano rat hay em thich chu em khong biet la chu quoc chung danh dan ooc gan co hay khong nhung ve danh dan piano thi chu day danh con hon ca chu nhac si huy tuan
hơn 1 tháng trước - Thích (5) - Trả lời
vo anh quoc trung lam nge gi ,co cung la nghe si khong ?
hơn 1 tháng trước - Thích (1) - Trả lời
Là Thanh Lam đó, nhưng 2 người chia tay nhau rồi bạn ạ. Bây giờ anh ấy vẫn gà trống nuôi con
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý