Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, cho biết, đau bụng mỗi khi tới kỳ kinh là chuyện thường gặp ở phụ nữ, được chia làm hai loại. Thứ nhất là những cơn đau bụng nhẹ, không đáng kể, bắt đầu từ một, hai ngày trước kỳ kinh và hết sau ngày hành kinh đầu tiên. Đây là biểu hiện thông thường khi đến kỳ kinh và không liên quan đến bệnh lý thực thể. Những cơn đau do lạc nội mạc tử cung thuộc loại thứ hai: đau dữ dội, đau đến “toát mồ hôi”.
Bác sĩ Hoài Đức giải thích, nội mạc tử cung chính là lớp niêm mạc trong buồng tử cung. Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc này sẽ dày lên, sau đó bong và thoát ra ngoài. Đó chính là hiện tượng hành kinh. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như cổ tử cung, buồng trứng, vòi trứng hay ổ bụng… Khi ở những vị trí này, nội mạc vẫn phát triển dày lên bình thường như khi ở trong buồng tử cung. Vì thế, đến chu kỳ kinh, các tế bào nội mạc này cũng trương lên, chứa đầy máu, chèn ép và gây ra hiện tượng đau bụng, còn gọi là thống kinh.
Nguy hiểm hơn, nếu các niêm mạc này nằm ở vòi trứng, nó sẽ làm tắc vòi trứng, có thể dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra, dễ gây viêm nhiễm và dính, tắc vòi trứng...
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, có thể do hiện tượng trào ngược máu kinh, có lẫn những mảnh nhỏ của nội mạc tử cung bong ra. Về phương pháp điều trị, tùy theo vị trí lạc chỗ và mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị phù hợp. Nếu nhẹ, có thể sử dụng thuốc để điều chỉnh nội tiết. Còn trường hợp nặng thì phải phẫu thuật để loại bỏ các nhân lạc nội mạc.
Vì vậy, để tránh bệnh quá nặng, bác sĩ Đức khuyến cáo chị em nếu bị đau bụng nhiều vào thời kỳ kinh nguyệt thì nên đi khám sớm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.