Chữa sỏi thận bằng dầu ô liu thực hư thế nào?

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Chữa sỏi thận bằng dầu ô liu thực hư thế nào?

30/11/2015 12:00 AM
280

Gần đây, trên mạng lan truyền “bí kíp” thanh lọc tán sỏi thận bằng dầu oliu và nước ép trái cây có thể thải ra sỏi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có nghiên cứu nào khẳng định tác dụng của phương pháp này.

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh dùng dầu ô liu và nước ép hoa quả có thể tán sỏi thận. Ảnh minh họa

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh dùng dầu ô liu và nước ép hoa quả có thể tán sỏi thận. Ảnh minh họa

Chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh

“Bí kíp” thải sỏi đang lan truyền trên mạng được nhiều người quan tâm bởi nguyên liệu dễ kiếm, thời gian ngắn và cách thức thực hiện  đơn giản. Chỉ uống nước hoa quả và dầu oliu, tuyệt đối không ăn thức ăn khác mà cơ thể vẫn có thể thải ra độc tố dưới dạng sỏi. Theo lời giới thiệu của phương pháp này, cứ mỗi 2 tiếng uống nước ép chanh, bưởi, cà rốt, táo, cần tây cùng với các loại vitamin… Cuối cùng là uống dầu oliu để cho mọi thứ trơn tru. Chỉ sau vài lần áp dụng, sỏi to, sỏi nhỏ sẽ bị thải ra ngoài.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện 103) cho hay, hiện chưa có công trình nghiên cứu y học nào chứng tỏ có thể tán sỏi bằng việc dùng dầu oliu với nước trái cây. Sức khỏe là vốn quý, bởi vậy chúng ta không nên đem ra thử nghiệm với những thứ được quảng cáo thiếu cơ sở khoa học trên mạng. Điều này không chỉ khiến tiền mất tật mang mà đôi khi còn nguy hiểm tới tính mạng.

Theo BS Nguyễn Cao Luận – nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai), đối với sỏi thận nhỏ dù uống thuốc gì cũng không tan ngay được mà cần có thời gian. Sỏi có thể có ở thận hoặc đường tiết niệu. Đa phần người dân nước ta bị sỏi canxi. Sỏi canxi dễ tan, còn sỏi oxalat rất khó tan. Thực tế, có một số trường hợp sỏi niệu quản còn nhỏ, bề mặt sỏi trơn láng thì phương pháp uống nhiều nước, vận động cũng có thể làm cho sỏi thoát ra ngoài nhưng trường hợp này không nhiều. Những bài thuốc Nam cũng chỉ giúp cơ thể bài thải những cặn sỏi, chứ không giúp làm tan sỏi lớn. Một số loại thuốc được quảng cáo tan sỏi trên thực tế chỉ có tác dụng lợi tiểu. Với phương pháp thanh lọc tán sỏi trên hiện chưa có nghiên cứu nào ở nước ta minh chứng hiệu quả.

Còn các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc áp dụng phương pháp thải độc này gây thiếu năng lượng, đặc biệt là thiếu protein khiến người  rất mệt mỏi. Thậm chí nó có thể gây ra những tác dụng ngoài mong muốn như tụt huyết áp, suy giảm hệ miễn dịch, gây rối loạn hệ tiêu hóa.

Các phương pháp điều trị sỏi

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho rằng, sỏi được tạo ra do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân như uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa, di truyền... Hơn 90% sỏi được cấu tạo bởi canxi hoặc magiê, phối hợp với oxalat, phosphat và urat. Sỏi thận, sỏi tiết niệu nếu phát hiện sớm, chọn đúng phương pháp điều trị sẽ không ảnh hưởng đến chức năng của thận và hạn chế tái phát.

Đối với những sỏi có đường kính từ 5 mm trở lên, khó có thể lọt qua được đường tiết niệu ra ngoài. Để loại trừ sỏi, nhất là các sỏi đã gây tắc nghẽn làm giãn đài bể thận độ 2 trở lên, cần sử dụng các biện pháp can thiệp ngoại khoa. Có nhiều biện pháp ngoại khoa để loại trừ sỏi, tùy theo vị trí sỏi, tình trạng chức năng thận, tình trạng sức khỏe toàn thân của bệnh nhân. Những phương pháp hiện đại đơn giản, nhanh gọn hiện nay là mổ nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, phẫu thuật lấy sỏi…

Đối với sỏi có đường kính nhỏ hơn 4 mm, nhẵn, có khả năng lọt qua được đường tiết niệu, có thể điều trị nội khoa. Sử dụng thuốc giảm đau, giãn cơ trơn, uống nhiều nước kết hợp với vận động như nhảy dây, chạy tại chỗ, có thể tống được sỏi xuống bàng quang và ra ngoài thông qua tiểu tiện.

Với nhiều phương pháp như hiện nay thì việc điều trị sỏi thận không còn khó khăn nhưng hầu hết các phương pháp này chỉ mới điều trị hết sỏi chứ chưa ngăn ngừa tái phát nên bệnh nhân thường phải điều trị nhiều lần. Để điều trị tận gốc bệnh sỏi thận, tránh tái phát, người bệnh cần phải kiểm soát được lượng khoáng chất phát triển trong nước tiểu không được tăng quá mức.

Ba cách ngăn ngừa tái sỏi

Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, để dự phòng và tránh tái sỏi thận, sỏi tiết niệu, mọi người nên lưu ý:

1. Uống nhiều nước, đặc biệt lưu ý ở những vùng khí hậu nóng, khô hoặc lao động trong điều kiện nóng bức. Không để cơ thể trong tình trạng thiếu nước, làm nước tiểu bị cô đặc, các thành phần hòa tan trong nước tiểu dễ đạt tới tình trạng bão hòa. Cần uống trên 2 lít nước mỗi ngày, đảm bảo lượng nước tiểu trên 1,5 lít/ngày.

2. Uống hoặc ăn các thực phẩm có nhiều chất ức chế tạo sỏi như citrat, pyrophosphat, magne. Citric acid có nhiều trong các trái cây họ cam quýt, trong trái chanh hàm lượng acid citric rất cao. Pyrophosphat có nhiều trong cám gạo, men bia, gạo lứt (gạo xay không giã). Magne có nhiều trong các quả màu xanh, gạo lứt, lúa mì, hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt lạc, hạt hướng dương.

3. Nên uống một số dược thảo có tác dụng bài sỏi như nước lá kim tiền thảo, nước nụ vối. Đặc biệt nước nụ vối hoặc nước lá vối, đây là loại nước được nhân dân ta dùng làm nước uống giải khát truyền thống, hoàn toàn không độc hại. Lá nên được thu hái vào mùa thu và đông rồi ủ cho lên men và phơi khô để bảo quản. Nụ được thu hái rồi phơi khô sao vàng và bảo quản để dùng. Nước nụ vối hoặc lá vối vừa có tính kháng khuẩn và theo nghiên cứu nước vối có tác dụng làm tan sỏi, phòng ngừa tạo sỏi tốt. Dùng 10g nụ vối khô rồi cho 2lít nước sôi vào phích để hãm, chia đều uống trong một ngày. Uống liên tục thay cho nước uống hàng ngày.

“Đối với từng loại sỏi cũng sẽ có cách điều trị khác nhau, bởi vậy mọi người nên đi khám, siêu âm đúng chuyên khoa để xác định loại sỏi. Với sỏi canxi, nước tiểu của những người này thường có nồng độ cao oxalat, acid uric, nhưng lại có nồng độ thấp citrat (chất ức chế tạo sỏi). Dự phòng sỏi canxi bao gồm hạn chế các nguồn thức ăn có nhiều canxi và oxalat. Canxi có nhiều trong tôm, cua, xương và thịt động vật, sữa. Oxalat có nhiều trong rau bina, rau dền, cây đại hoàng, chocolat, trà, rau mùi tây, củ cải đường, quả dâu tây, bột mỳ, hạt tiêu, cacao…. Không dùng vitamin D hoặc các thuốc làm tăng canxi máu như rocaltrol, miacalcic, calcitriol ở những bệnh nhân có nguy cơ sỏi canxi…

Với bất cứ loại sỏi nào cũng cần hạn chế bất động lâu vì dễ gây ứ đọng nước tiểu hoặc làm dòng nước tiểu chậm tạo điều kiện cho sỏi hình thành”.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm

Phương Thuận

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý