Không tôn trọng ứng viên
Mặc dù trong email hẹn phỏng vấn 9 giờ sáng nhưng nhà tuyển dụng cho bạn “leo cây” đến mãi 10 giờ hoặc 11 giờ mà không có bất kì lời thông báo, giải thích hay lý do chính đáng nào thì nếu có được tuyển chọn, bạn cũng nên xem xét lại. Ngoài ra, thái độ của người phỏng vấn cũng phần nào đánh giá được văn hóa của công ty, ví dụ như tỏ ra thô lỗ khi đưa ra những câu hỏi cho ứng viên hoặc những câu trả lời không có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Họ cố tình tỏ ra “chuyên nghiệp” nhưng thực chất chỉ khiến người đối diện cảm thấy khó chịu vì không được tôn trọng.
Văn phòng làm việc “thiếu sức sống”
“Dạo một vòng” nơi làm việc sau khi trúng tuyển là điều hầu hết các ứng viên đều mong chờ, mục đích là để “tiền trạm” nơi mình sẽ gắn bó trong thời gian sắp tới. Vậy sẽ thế nào nếu như văn phòng của bạn không mấy gọn gàng và sạch sẽ, trên bàn làm việc bừa bộn giấy tờ, thức ăn vương vãi chưa được dọn dẹp. Ngoài ra, nhân viên trong công ty tỏ ra uể oải, mọi người trong phòng không mấy vui vẻ, chăm chăm vào màn hình máy tính mà chẳng thấy ai trao đổi hay nói chuyện với nhau câu nào…
Đồng nghiệp không thân thiện
Đồng nghiệp là “thành phần” không thể thiếu trong quá trình phát triển bản thân cũng như ảnh hưởng đến sự hiệu quả công việc của bạn trong công ty, đặc biệt là những dự án phải thực hiện theo nhóm. Tuy vậy, nếu gặp phải những người đồng nghiệp không thân thiện, không cởi mở và tỏ thái độ khó chịu trong lúc bạn được nhà tuyển dụng giới thiệu trước khi nhận việc thì quả thật là hết sức “đau đầu”. Làm việc với những người như thế này hằng ngày thì có lẽ bạn nên suy nghĩ về sự lựa chọn của mình.
Quy trình tuyển dụng mập mờ
Theo quy trình thông thường thì tuyển dụng gồm có các bước như phỏng vấn - làm bài kiểm tra (hoặc thi tuyển) - thông báo kết quả. Vậy nhưng khi bạn tham gia buổi phỏng vấn thì chỉ vỏn vẹn vài phút, nhà tuyển dụng không hỏi quá nhiều về kĩ năng hay kinh nghiệm nhưng đã vội vàng đồng ý và có nhiều hứa hẹn về một tương lai “tươi sáng” thì tốt hơn hết là nên suy nghĩ thêm về điều này.
Một vài điểm bạn nên cân nhắc nữa ví dụ như không có hợp đồng thử việc, chế độ bảo hiểm không rõ ràng, thưởng theo quy định của công ty nhưng bạn không hề biết quy định đó là gì…
Công ty có điều tiếng
Khi phát hiện được những tin tức không mấy tích cực trước đây của công ty vừa ứng tuyển thì bạn cần suy nghĩ lại quyết định có nên đầu quân hay không. Ngay từ vòng phỏng vấn, bạn có thể tra cứu một vài thông tin liên quan đến công ty, phương hướng hoạt động và những thông tin được cộng đồng mạng chia sẻ về công ty này. Mặc dù vậy bạn cần biết chắt lọc thông tin, xác nhận 2 chiều bởi đôi khi sẽ có một số thông tin sai lệch nhằm hạ thấp uy tín doanh nghiệp. Sau quá trình tìm hiểu kĩ lưỡng và xác nhận những gì mình đọc đều có cơ sở thì bạn sẽ có căn cứ cho quyết định cuối cùng của bản thân.
Tìm kiếm một công việc ưng ý không bao giờ là dễ dàng, nhưng vẫn cần sự tỉnh táo và sáng suốt trong những lựa chọn của bản thân mình. Chúc bạn may mắn!